Ngư dân đợi chính sách bảo hiểm

Thứ bảy, 06/01/2018 10:23

Năm 2017 là năm ngành ngư nghiệp Quảng Nam hứng chịu nhiều đợt thiên tai bão lũ. Trong những ngày cuối năm liên tiếp xảy ra các vụ cháy tàu cá gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Cũng trong năm này, nhiều chính sách thuộc Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) trong đó có chính sách về bảo hiểm chưa được thông qua khiến nhiều ngư dân không tiếp cận được bảo hiểm, gây tổn thất khi tàu có sự cố. Trao đổi với PV, nhiều ngư dân kiến nghị năm 2018 cần phải có cơ chế cụ thể sát sao hơn nữa về vấn đề bảo hiểm tàu cá. Theo Quyết định 48 của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 400CV trở lên sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khi chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu (BHTT), bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Riêng Nghị định 67 (nay là Nghị định 89), mức hỗ trợ là 90% cho tàu có công suất từ 400CV trở lên, 70% cho tàu từ 90CV đến dưới 400CV. Dù Chính phủ đã thống nhất gia hạn thời gian thực hiện Nghị định 89 đến hết năm 2017 tuy nhiên trong phần triển khai năm vừa qua chưa có chính sách bảo hiểm, vì vậy nhiều ngư dân đã "đợi" có chính sách hỗ trợ mới mua bảo hiểm. Ông Lý Văn Tề (ngư dân xã Tam Quang) chia sẻ: "Năm rồi ngư dân chúng tôi ra khơi mà như ngồi trên đống lửa. Thú thực mình là chủ tàu mỗi lần ra khơi là một lần gánh trên vai trách nhiệm của cả gia đình mình và mấy chục bạn tàu. Năm qua là kỷ lục bão vào nước ta nên ngư dân chúng tôi khốn đốn vô cùng. Cứ đánh bắt vài ngày là đài báo bão phải tìm nơi trú tránh. Cứ liên tục như vậy trong khi chính sách bảo hiểm thì phải chầu chực từng ngày vô cùng lo lắng".



Nhiều tàu cá bị thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua vì "đợi" chính sách bảo hiểm.

Để "chữa cháy" tạm thời trong khi chờ chính sách bảo hiểm, một số chủ tàu công suất lớn của tỉnh đã cắt giảm nhiều khoản chi để tự túc mua bảo hiểm cho tàu cá trong vòng 3 tháng thay vì một năm như trước đây. Mặc dù số tiền này không quá lớn so với bảo hiểm dài hạn nhưng lại hạn chế rất nhiều khi tàu bị hỏng hóc thiệt hại lớn. Bất cập là vậy nhưng nhiều ngư dân cho biết họ không thể không mua vì nguy cơ rủi ro trong ngành ngư nghiệp rất cao. Ngư dân Huỳnh Văn Trí ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang (Núi Thành) cũng chọn phương án tạm thời mua bảo hiểm cho tàu cá, áp dụng trong vòng 3 tháng. Ông Trí đã đi biển nhiều năm và cũng đã từng bị cháy tàu do chập điện nên không dám mạo hiểm khi tàu ra khơi mà không có bảo hiểm. "Với ngư dân, tàu không chỉ là cơ sở làm ăn mà còn là tài sản, thậm chí tính mạng của mình cũng cược vào đó. Ngày trước khi tàu của tôi bị cháy nếu không có bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ chi trả thì tôi đã tán gia bại sản rồi. Bảo hiểm quan trọng lắm vì vậy tôi nghĩ các ngành chức năng cần phải lưu ý vấn đề này trong các chính sách thủy sản. Tôi quyết định mua bảo hiểm cho tàu cá trong vòng 3 tháng, chờ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ khi Nghị định 89 được triển khai trong thời gian tới để tham gia". Về phía ngư dân, họ cho rằng mua bảo hiểm tàu cá tạm thời 3 tháng cũng là việc "chẳng đặng đừng". Với chiếc tàu có công suất trên 400CV, phí BHTT cũng ở mức từ 50 - 100 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng liên tục, việc khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn nên việc lo phí tổn cho mỗi phiên biển cũng đã khiến ngư dân chật vật. Và để có khoản tiền đầu tư cho bảo hiểm, ngư dân bắt buộc phải cắt giảm các chi phí khác.

Ông Huỳnh Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết hiện nay trên địa bàn có 136 tàu công suất lớn, hoạt động khai thác hải sản xa bờ.  Vì năng lực tài chính có hạn nên đến nay chỉ số ít là mua bảo hiểm tàu cá tạm thời trong vòng 3 tháng. Nghị định 89 đã được Chính phủ quyết định triển khai thêm trong năm 2017 nhưng chưa có chính sách hỗ trợ bảo hiểm khiến nhiều chủ tàu như ngồi trên lửa vì ra khơi mà không có bảo hiểm cho tàu.

Theo thống kê từ Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam, trong vòng 2 năm khi Nghị định 89 được triển khai, nhờ được Nhà nước hỗ trợ nên các chủ tàu trên địa bàn tỉnh rất tích cực tham gia mua bảo hiểm cho tàu cá. Cụ thể, năm 2015, hàng trăm chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, trong đó ngư dân đóng phí là 432 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 4,1 tỷ đồng. Đến năm 2016, số tàu cá được BHTT tăng lên, số tiền ngư dân chịu phí là 824 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 7,8 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017, khi Nghị định 89 tạm dừng, chỉ chưa đến 10% tổng số tàu trước đó được chủ tàu mua bảo hiểm. Có thể thấy rằng sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) đã thực sự đi vào cuộc sống của ngư dân, đáp ứng nguyện vọng của người làm nghề thủy sản, làm giảm đáng kể tai nạn tàu cá. Tuy nhiên, bên cạnh đó Nghị định cũng bộc lộ nhiều hạn chế và một trong những hạn chế đáng lưu ý là vấn đề bảo hiểm tàu cá. Đặc biệt là khi chính sách hỗ trợ bảo hiểm tạm dừng triển khai. Thiết nghĩ trong thời gian chờ sự hỗ trợ từ Nghị định 89 thì ngư dân cần phải bảo vệ sự an toàn tài sản của mình bằng cách tham gia các gói bảo hiểm khác để đảm bảo an toàn vươn khơi.

HÀ DUNG