Ngư dân kiếm tiền triệu trong mùa ruốc biển
Tờ mờ sáng, khi mà những tia nắng đầu tiên vẫn chưa hé rạng thì tại một góc bờ biển khu vực P.Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã bắt đầu nhộn nhịp bởi tiếng nói của người bán, mua ruốc biển. Ruốc về đến đâu, ngư dân bán hết đến đó. Và nếu biển lặng, xúc được nhiều ruốc, ngư dân có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Những thùng ruốc đầy ắp được tập kết ngay tại bãi biển Thọ Quang vào thời điểm sáng ngày 3-3. |
Nằm nép mình dưới bán đảo Sơn Trà, góc bờ biển nằm ở khu vực Thọ Quang vào khoảng tháng 10 đến cuối tháng 3 (Âm lịch) chính là thời điểm bắt đầu xuất hiện nhiều ruốc biển. Theo ngư dân Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), có gần 30 năm kinh nghiệm "xúc ruốc" cho biết, ruốc xuất hiện vào khoảng thời gian tháng 10 nhưng không được nhiều, phải đến thời điểm tháng 2 ruốc mới xuất hiện nhiều và dày đặc hơn. Ruốc thường tập trung một chỗ (chạy tía), cách bờ biển từ 5 đến 80m. Do đặc điểm thường nổi dày trên mặt nước nên chỉ cần mẻ lưới dày xúc ngang qua là ngư dân đã thu được từ 5 lạng đến hơn 1 kg ruốc. Tuy nhiên, không phải ngày nào ruốc cũng xuất hiện nhiều và dày đặc, bởi, khi biển động thì ruốc sẽ không xuất hiện. Theo ông Dũng, ruốc thường nổi dày trên mặt nước từ 17 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, chính vì vậy, ngư dân phải thức trắng đêm để "hành nghề". Nếu thời tiết thuận lợi, một ngày mỗi ngư dân có thể thu được gần 2 tạ ruốc, hoặc có ít thì cũng được 70 đến 80 kg ruốc, thu nhập từ 700 nghìn đồng đến hàng triệu đồng.
Đang loay hoay cùng ba người bạn khiêng những thùng ruốc từ trên ghe tập kết vào bờ, anh Phạm Tấn Kim (trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) cho hay, chuyến ghe của anh xuất phát từ lúc 17 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau đã giúp anh thu được gần 7 tạ ruốc, thu về được gần 12 triệu đồng. Theo anh Kim, sau khi ghe của anh chạy tầm 1 tiếng, cách bờ khoảng 60m thì đến vùng ruốc. Ghe được buộc chặt 2 cây thông làm trụ, ở giữa kết lưới dày và khi đến vùng có ruốc, anh chỉ cần hạ trụ xuống để xúc thì bắt được. Quá trình làm việc cứ lặp đi lặp lại như vậy, vài tiếng sau, khi những thùng ruốc đã đầy ắp, anh cho ghe vào bờ, nơi có người vợ cũng đang trắng đêm cùng anh tập kết những thùng ruốc xuống bãi và trực tiếp bán lại cho các lái buôn đang chờ sẵn.
Thương lái cũng có mặt từ rất sớm để chọn mua những con ruốc ngon nhất. |
Là một trong những buôn lái đang túc trực để tìm mua những thùng ruốc tươi rói của ngư dân vừa chuyển vào, chị Nguyễn Thị Nga (48 tuổi, trú P. Thọ Quang) thổ lộ, từ 4 giờ, chị đã cùng các buôn lái khác đến đây để chọn và tìm mua những con ruốc ngon nhất. Theo chị Nga, so với năm trước thì năm nay lượng ruốc có ít hơn nhưng giá mua vào và bán ra vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, cũng tùy thời điểm, bởi ngày nào ruốc vào nhiều thì lái buôn sẽ mua với giá rẻ hơn, ruốc vào ít thì giá mua sẽ đắt hơn, nhưng cũng chỉ chênh nhau từ 2 đến 3 nghìn đồng/kg. Ruốc được chị Nga mua có 2 loại là ruốc ăn và ruốc làm mắm. Ruốc ăn thường được ngư dân chuyển vào bờ từ khoảng 2 giờ, đây là loại thường được người dân mua về để chế biến những món ăn khác nhau hoặc dùng để phơi khô dự trữ. Với ruốc làm mắm thường được ngư dân tập kết vào bờ lúc 4 giờ, được thương lái tìm mua với số lượng nhiều để bán sỉ lại cho các lò làm mắm ruốc ở Huế, và thường có giá rẻ hơn ruốc tươi. Theo chị Nga, ruốc ăn loại 1 có giá từ 50 nghìn/1kg; loại thường có giá từ 20 nghìn đến 25 nghìn/kg, nhưng với ruốc làm mắm sẽ rẻ hơn, chỉ từ 15 nghìn đồng, có thời điểm còn có giá 8 nghìn đồng.
Theo ghi nhận ý kiến của nhiều ngư dân tại biển Thọ Quang vào sáng ngày 3-3, tuy đây là thời điểm gần cuối mùa nhưng lượng ruốc vẫn còn khá nhiều và năm nay tiếp tục là năm bà con ngư dân trúng đậm ruốc.
Ngọc Quốc