Ngư ông đắc lợi

Thứ bảy, 15/03/2014 13:39

(Cadn.com.vn) - Khả năng xảy ra đối đầu trong tương lai giữa Mỹ-Trung ở Đông Á thường bị bỏ qua. Vì sao vậy? Thực tế cho thấy, sự hiện diện quân sự của Washington trong khu vực thực sự phục vụ và hỗ trợ một số lợi ích chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.

Thứ nhất là hạn chế sức mạnh Nhật. Washington cam kết bảo vệ Tokyo theo hiệp ước an ninh song phương, và điều này có nghĩa là Nhật Bản không thể xây dựng khả năng quân sự thông thường phù hợp với khả năng và nền kinh tế giàu có. Thực tế là việc Nhà Trắng đảm bảo an ninh rất có lợi cho Bắc Kinh.

Nếu trong tương lai Trung Quốc, bằng cách nào đó thành công trong việc lái chiếc xe quân sự Mỹ ra khỏi Đông Á, Tokyo có thể sẽ đáp trả bằng cách củng cố khả năng quân sự và có thể như tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe là sửa đổi hiến pháp, theo đó cho phép Nhật thành lập quân đội.

Nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không thể vui vẻ trước sức phát triển sức mạnh quân sự của Nhật Bản, một cái gì đó mà quốc gia đông dân nhất thế giới có thể xem như mối đe dọa lớn hơn nhiều. Vì vậy, đẩy Mỹ ra khỏi quân sự của khu vực Đông Á có thể chứng minh vị thế của Bắc Kinh nhưng lại làm trầm trọng thêm vị trí chiến lược của Trung Quốc đối với Nhật Bản.

Vì thế, Bắc Kinh, thay vì tiếp tục gia tăng các hoạt động trong khu vực, sẽ ngồi yên nhìn Mỹ triển khai sức mạnh quân sự đáng kể, mà cho đến nay đã được chứng minh có hiệu quả cao trong việc hạn chế khả năng quân sự thông thường của Nhật Bản.

Thứ hai là tránh vũ khí hạt nhân. Sức mạnh quân sự của Mỹ và các cam kết an ninh ở Đông Á có thể được xem như là một yếu tố quan trọng giải thích lý do tại sao Nhật, Hàn không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Hiện cả Nhật và Hàn đều được bảo vệ thông qua các điều ước quốc phòng và chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Nếu bất kỳ nước láng giềng Đông Á nào sở hữu khả năng hạt nhân hoặc theo đuổi chương trình hạt nhân, môi trường an ninh  vốn đầy thử thách ở Đông Á sẽ phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, rõ ràng là sức mạnh của Mỹ đã phục vụ mục đích làm giảm khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, thực tế quan trọng và chiến lược hơn nhiều đối với Bắc Kinh. Đây là lý do thật sự thuyết phục Bắc Kinh không nhất thiết phải cố “đuổi” Washington ra khỏi Đông Á.

Thứ ba là mở cửa đường biển. Sức mạnh hải quân Mỹ trong vùng biển Đông Á, và các đại dương rộng lớn hơn như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đã khiến Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều, cả về kinh tế và chính sách chiến lược.

Các cam kết lâu dài và không thay đổi của Mỹ trong việc mở các tuyến đường biển ổn định - và khả năng để duy trì chúng - giúp hỗ trợ và tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc từ những năm 1980.

Hiện nay, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc di chuyển tự do trên khắp các tuyến đường biển ổn định vốn đảm bảo bằng sức mạnh của Mỹ, mà Bắc Kinh còn có thể thoải mái nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, Châu Phi và Mỹ La-tinh.

Thực tế này là một trong số những ví dụ rõ ràng về cách Trung Quốc được hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Á. Đây cũng là lý do quan trọng nhất giải thích vì sao trong tương lai, Bắc Kinh không thể gạt bỏ những lợi ích này để cố gắng làm suy yếu và làm giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á.

Thanh Văn