Ngư phủ xuất ngoại (2)

Thứ tư, 09/10/2013 09:00

* BÀI 2: LÀNG BIỂN VỀ ĐÂU?

(Cadn.com.vn) - Làng biển Bình Minh giờ đã thưa dần những chiếc tàu lớn, thuyền đánh bắt gần bờ và những chiếc thúng cũng nằm chỏng chơ trên bãi biển. Làng biển sẽ đi về đâu, khi  chủ nhân của nó đã xuất ngoại đánh cá?.

Chúng tôi băn khoăn hỏi ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, liệu rằng việc rầm rộ xuất ngoại của ngư dân có ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt của xã nhà hay không? Ông Minh quả quyết: "Chẳng ảnh hưởng gì mấy, bởi hiện xã có 26 chiếc tàu lớn bám biển Hoàng Sa, 99 chiếc gần bờ với khoảng 2 ngàn lao động biển. So với mọi năm thì chẳng giảm nhiều. Với lại sau này khi ở Hàn Quốc về, những ngư dân Bình Minh sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục đi biển".

Đó là con số thống kê, chứ kỳ thực việc ngư dân xuất ngoại đã để lại nhiều nỗi lo. Bởi hiện nay đa phần ngư dân bám biển ở Bình Minh đều đã vào tuổi lão ngư. Còn lớp trẻ hoặc ra Đà Nẵng đi bạn, hoặc làm đơn, vay tiền chờ đi Hàn Quốc đổi đời. Nếu như trước đây, xã Bình Minh là nơi cung cấp ngư phủ cho nhiều địa phương khác thì giờ lại rơi vào tình cảnh thiếu lao động.

Hỏi chuyện người trẻ ra nước ngoài đánh cá, lão ngư Trần Công Tân (thôn Tân An) cười buồn: "Thì chỗ nào làm khá hơn, không nguy hiểm thì chúng nó đi thôi. Ba đứa con của tôi chừ cũng đang ở bên Hàn Quốc đó. Ban đầu tôi cũng can, nhưng chúng nó một mực đi xuất ngoại, thế là đành phải góp tiền, bán tàu lo tiền cho ba đứa nó. Chừ không còn tàu, tôi chỉ quẩn quanh với mẻ lưới ven bờ thôi". Sinh ra và lớn lên từ biển, nên lúc nào ông Tân cũng mong muốn những đứa con kế nghiệp mình, đưa tàu ra biển đánh cá, nhưng ước nguyện đó của ông giờ chẳng thành. Ngồi phụ chồng đan lưới, bà Thắm (vợ ông Tân) góp chuyện: "Ngoài 3 thằng con trai làm ở Hàn Quốc, tôi còn đứa con gái mới sang Nhật làm thợ may, còn thằng út chắc sau này cũng cho nó sang làm cùng mấy anh nó. Nói thật với chú chứ chúng nó đi hết thế vợ chồng tôi buồn lắm, nhưng ở lại quê thì công việc bấp bênh quá, đi biển mà gặp bão như 2006 thì chết. Ở đây nhiều nhà cũng bán tàu rồi".    

Từng có đội đánh bắt xa bờ hùng mạnh, bây giờ làng biển Bình Minh đối mặt
với nguy cơ thiếu lao động, khi người trẻ không còn mặn mà với nghề biển nữa.

Đang mùa biển động nhưng hiếm lắm mới gặp được ngư dân ở làng Bình Minh. Nơi đây thưa dần những câu chuyện rôm rả, nét chộn rộn ngày chuẩn bị cho chuyến đi đánh bắt mới. Nhìn cảnh đó, ông Tân than: "Cứ đà này thì vài năm nữa đội tàu xa bờ ở Bình Minh chỉ còn lại vài chiếc. Chắc gì khi đi Hàn về chúng nó lại tiếp tục đi biển, có tiền rồi thì chúng chuyển sang làm nghề khác cho sướng". Quả thật, khi từ Hàn Quốc trở về những ngư dân trẻ Bình Minh chẳng còn mặn mà đi biển nữa. Sau gần 5 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Trương Công Vương (thôn Hà Bình) trở về quê với số vốn kha khá, dành tiền xây căn nhà lớn cho cha mẹ, số còn lại anh đầu tư mở quán cà- phê gần với trụ sở UBND xã. "Tàu mình nhỏ nên đi biển rất nguy hiểm, mất mạng như chơi. Mở quán cà-phê thu nhập không nhiều nhưng được cái ổn định", anh Vương lý giải.

Chính nỗi ám ảnh cuồng phong ở biển quê nhà và sự hấp dẫn của số tiền kiếm được ở nước ngoài nên ngư dân Bình Minh quyết tâm tha hương kiếm sống.  Nhưng đánh cá ở Hàn Quốc không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng như ngư dân lầm tưởng. Anh Hồ Ngọc Minh (thôn Tân Xá) kể: "Từ khi sang Hàn Quốc, anh làm việc trên tàu câu mực. Khoảng chập tối là tàu ra khơi cho đến sáng hôm sau thì về lại cảng. Tàu cá ở xứ người trang thiết bị hiện đại hơn tàu cá Việt Nam nhiều lần, dù vậy làm việc ở vùng biển lạnh lẽo tuyết phủ  như ở Hàn Quốc là thử thách khắc nghiệt. Ban đầu vì không chịu được cái lạnh, tôi liên tục bị chảy máu mũi, chân tay tê cứng. Mãi sau này mới quen dần. Dù lạnh cũng phải ngồi trên tàu để câu mực vì nếu làm không đạt năng suất, chủ tàu sẽ đuổi việc. Trên tàu cá Hàn Quốc, khoảng cách giữa chủ tàu và ngư dân rất lớn. Chủ ăn cơm riêng chứ không ngồi cùng mâm như ở mình. Chủ tàu nói gì là răm rắp làm theo. Được cái ai làm việc năng suất thì được thưởng mà làm việc lười biếng thì rất dễ bị đuổi việc".

Bán tàu lấy tiền cho con xuất ngoại đánh cá, bây giờ vợ chồng ông Tân chỉ còn quẩn quanh
với mẻ lưới ven bờ.

Ngoài những chuyện trên thì tai nạn lúc nào cũng rình rập ngư dân, mới đây khi đang đi câu mực trên biển Hàn Quốc thì anh  Phạm Văn Long (thôn Hòa Bình) bị té ngã, chấn thương não, vợ anh phải vay mượn tiền ở quê để sang Hàn Quốc chăm sóc chồng. Và, chẳng phải ngẫu nhiên mà ngư dân Bình Minh lại được các công ty môi giới tuyển dụng để sang Hàn Quốc đánh cá. Từ lâu họ nổi tiếng là ngư dân kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm biển cả. Những ngư dân làm việc ở bên Hàn Quốc  kể, lao động từ Việt Nam làm việc giỏi hơn so với lao động các nước. Trung bình mỗi đêm ngư dân Hàn chỉ câu được hơn 200 con mực thì ngư dân Bình Minh câu được hơn 500 con, chính vì vậy mà được chủ tàu Hàn rất thích.

Nhớ chuyện năm 2006, khi cơn bão Chan Chu cướp đi sinh mạng của 80 ngư dân xã Bình Minh, khiến cho các chủ tàu ở Đà Nẵng, Quảng Nam rất lo lắng, vì sợ ngư dân vùng quê này bỏ nghề. Lúc đó để giữ chân ngư phủ Bình Minh, chính quyền Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) đã xúc tiến thực hiện cam kết với xã Bình Minh tạo điều kiện hết mức cho nhau phát triển nghề biển xa giữa hai địa phương, nhất là lao động biển. Nhưng rồi cam kết đó chẳng mấy khả thi, khi mà lần lượt những ngư dân thiện chiến ở xã Bình Minh bỏ biển quê, xuất ngoại đánh cá.

Rời làng biển Bình Minh, tôi vui khi thấy cuộc sống người dân ở đây khá lên, nhưng cũng băn khoăn tự hỏi, đâu rồi làng biển nhộn nhịp, đâu rồi những ngư phủ giỏi nghề từng đạp trên sóng gió bám biển Hoàng Sa. Rồi mai này nghề biển ở Bình Minh có còn tiếp nối?

Hoàng Anh