Ngư phủ xuất ngoại

Thứ ba, 08/10/2013 09:11

* BÀI 1: LÀNG BIỂN LÊN ĐỜI

(Cadn.com.vn) - Chỉ sau một hai năm xuất ngoại đánh cá, nhiều ngư dân ở vùng biển Bình Minh (H. Thăng Bình, Quảng Nam) đã trở thành tỷ phú. Những ngôi biệt thự đồ sộ, những chiếc ô- tô đắt tiền chạy bon bon trên đường làng, bây giờ là chuyện thường đối với vùng quê vốn nghèo khó này.

Sau bão số 10, chúng tôi tìm về xã biển Bình Minh, cái tên gợi nhắc về những tháng ngày đau thương trong cơn bão Chanchu 2006 khiến 80 ngư phủ bỏ mạng trong cuồng phong, gợi nhớ về một làng biển nghèo khó. Nhưng đó là chuyện của 7 năm trước, đến Bình Minh bây giờ người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể tin rằng nó đã đổi thay nhanh đến vậy. Những ngôi nhà tầng mọc lên san sát, con đường làng trở nên chật chội để ô-tô chạy, quán cà-phê cóc cũng trang bị mạng wifi... Những hình ảnh mà cách đây mấy năm, người dân làng biển Bình Minh nằm mơ cũng chẳng thấy.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây, bà Nguyễn Thị Quý (thôn Hà Bình) tự hào khoe: “Chú không đến sớm, ông nhà tôi mới lái ô-tô chạy vào Tam Kỳ thăm người quen rồi. Từ lúc có ô-tô là ổng chạy hoài. Nói thiệt với chú chứ hai vợ chồng tôi thì làm chi có tiền để mua ô-tô, tất cả đều là tiền của mấy đứa con đi biển bên Hàn gửi về đó”. Gia đình bà Quý bây giờ chẳng thiếu thứ gì, bởi thế cứ mỗi khi kể chuyện đi Hàn đánh cá là người ta lại lấy gia đình bà Quý ra để làm ví dụ cho sự đổi đời. 3 người con trai của bà Quý đều qua Hàn Quốc làm việc trên các tàu đánh cá được hơn 2 năm.

Theo bà Quý kể, lương mỗi tháng của họ là 30 triệu đồng, chi tiêu tiết kiệm thì vị chi mỗi năm họ gửi về nhà gần tỷ đồng. Một số tiền quá lớn  mà ngư dân đánh vật với sóng biển cả đời cũng chẳng có được. Cũng là bà Quý kể, cách đây hơn 10 năm, gia đình cũng có một chiếc tàu công suất 90CV, quanh năm bám biển Hoàng Sa câu mực. Rồi cơn bão Chanchu bất ngờ ập đến, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngư dân Bình Minh, khiến cả xã khiếp đảm. May mắn thoát chết trở về, anh Trần Đức Minh, con trai cả của bà Quý, quyết không đi biển ở quê nhà nữa, mà tìm đường sang Hàn Quốc làm việc. Và hai năm sau anh trở về bán con tàu của gia đình và đưa hai người em cùng sang Hàn Quốc đánh cá. “Sợ qua đó vất vả, tôi hỏi thì chúng nó nói công việc đánh bắt bên Hàn nhẹ nhàng chứ không nguy hiểm như làm biển ở quê, chỉ đánh bắt gần bờ thôi, lương tháng ổn định. Mỗi năm đều có nghỉ phép. Mà răng bên họ làm biển sướng rứa không biết, chẳng bù cho nghề biển ở đây”, bà Quý tự vấn.

Chị Võ Thị Nam bên căn biệt thự đồ sộ sau khi anh Trần Công Khuyên đi làm việc ở Hàn Quốc về.

Không riêng gì gia đình bà Quý, ở xã Bình Minh bây giờ việc ngư dân trở thành tỷ phú không hiếm, tất cả đều nhờ nguồn tiền của các ngư phủ lao động từ Hàn Quốc gửi về. Sau nhiều năm làm việc ở xứ sở Kim chi, khi trở về quê nhà anh Trần Công Khuyên (thôn Tân An) đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để xây căn nhà hai tầng bề thế, chẳng những vậy anh còn mua chiếc ô-tô mới toanh, giá gần nửa tỷ đồng. Ngày chúng tôi đến, anh Khuyên đã lái ô-tô đi chở khách, vợ anh là Võ Thị Nam  tiếp chuyện. “Từ ngày trở về ảnh không làm biển nữa mà chuyển qua dịch vụ chạy xe. Trung bình mỗi ngày ảnh chạy dịch vụ 1 chuyến, có khi chạy luôn đêm, có lúc ở không mấy ngày. Làm vậy cho nhàn, chứ làm biển nữa thì khổ quá”, chị Nam kể. Gần mấy chục năm bám biển Hoàng Sa, từ đi làm thuê đến khi làm chủ, chưa ngày nào gia đình anh Khuyên mơ đến ngôi nhà như thế. Vì vậy, chuyện anh Khuyên xuất ngoại đã thật sự “bẻ lái” cuộc sống gia đình sang một hướng khác.

Đưa cho chúng tôi xem danh sách ngư dân xuất ngoại dài dằng dặc, có đến cả trăm người, ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh tấm tắc: “Đây mới là số mà xã quản lý thông qua Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh, chứ còn số ngư dân đi  xuất khẩu sang Hàn, Malaysia bằng những con đường khác thì chưa nắm hết”. Ông Tám kể, phong trào xuất ngoại sang Hàn Quốc làm nghề đánh cá của ngư dân Bình Minh manh nha từ sau cơn bão Chanchu, nhưng năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 mới là quãng thời gian rầm rộ nhất. Khi nhiều ngư dân chấp nhận vay nợ để có tiền sang Hàn Quốc.

Vì thế việc một gia đình có hai, ba người cùng xuất ngoại là chuyện thường, tập trung nhiều nhất ở hai thôn Tân An và Hà Bình. Hai anh em Nguyễn Văn Hải – Nguyễn Văn Tâm (thôn Tân An), cùng vừa sang Hàn Quốc, chuyến đi của họ mang theo bao nhiêu niềm hy vọng của người thân. Vợ anh Hải kể, để được sang Hàn đánh cá, gia đình đã phải chạy vạy mãi mới được 200 triệu đồng nộp cho công ty môi giới lao động. Trước đó anh Hải cũng xin xuất khẩu lao động qua Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, nhưng khi làm thủ tục đầy đủ, thi đậu tiếng Hàn và được chứng nhận sức khỏe tốt nhưng chờ mãi không thấy gọi, quá nóng lòng nên anh quyết vay nợ để được đi. “Đóng 200 triệu đồng cho công ty môi giới là chồng tôi được đi ngay. Tính ra, với lương 30 triệu đồng/tháng thì năm đầu ảnh làm để trừ nợ, những năm sau thì mới có dư được. Chồng tôi như thế còn may, chứ nhiều người muốn mà chẳng đi được”, vợ anh Hải nói.

Sau 3 năm đi làm ở Hàn Quốc anh Trương Công Vương về xây căn nhà lớn cho bố mẹ.

Ước muốn đổi đời đã khích lệ ngư dân xã Bình Minh tìm đường xuất ngoại, ngư dân trẻ Trần Minh Hoàng (thôn Tân An) đã 3 lần thi để được sang Hàn Quốc nhưng không đậu, vẫn ấp ủ mộng được sang nước bạn đánh cá: “Mấy đứa bạn của em đã đi sang Hàn cả rồi, chừ mà có đủ tiền cọc cho công ty môi giới em cũng đi. Chứ làm biển ở quê biết bao giờ mới khá được”.

Đang mùa biển động, nếu trước đây thì bãi biển Bình Minh sôi động tiếng sửa chữa tàu thuyền chuẩn bị cho mùa biển mới, thì giờ nó vắng lặng lạ thường. Thay vào đó là khung cảnh xây dựng nhộn nhịp, những ngôi nhà khang trang mọc san sát, nhiều nhà đang xây dựng dở dang. Mừng cho sự đổi đời của làng biển Bình Minh, nhưng có điều gì đó khiến tôi bất an cho tương lai của làng biển nổi tiếng này.

(còn nữa)
Hoàng Anh