Ngược xuôi con chữ phố cổ

Thứ năm, 02/04/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - Xã Cẩm Kim (TP Hội An, Quảng Nam) bao đời nay được người đời biết đến nhờ danh tiếng làng mộc Kim Bồng. Và nơi đây, những câu chuyện về các giáo viên ngày ngày vượt sông trên chuyến đò ngang chồng chềnh đến trường dạy chữ, sự hiếu học của bao thế hệ con em được người dân truyền kể cho nhau nghe, trở thành nét đẹp truyền thống của một làng quê nằm hạ lưu dòng sông Thu Bồn.

Ngày ngày, trên những chuyến đò ngang, giáo viên, học sinh qua sông dạy và học. 

Tiếp nối truyền thống

Từ phố cổ Hội An, muốn sang xã Cẩm Kim, không có con đường nào khác ngoài xuống bến thuyền Chợ Hội An bắt chuyến đò ngang ngược dòng Thu Bồn qua sông. Con đường này cũng là hành trình vào ra của những người giáo viên đang công tác giảng dạy tại những trường ở xã Cẩm Kim và là cách duy nhất để con em địa phương được học lên bậc trung học phổ thông và bậc học cao hơn. Khó khăn, cách trở là vậy nhưng bao thế hệ con em trong xã ít khi bỏ học giữa chừng, hầu hết học sinh đều học đến nơi đến chốn, tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường ĐH, CĐ tăng theo hằng năm.

Chính bởi vậy, khi nhắc đến lòng hiếu học của con em địa phương, thầy Huỳnh Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam) không khỏi tự hào: "Mặc dù cuộc sống hiện tại của người dân trong xã còn nhiều bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo trên 11% (khoảng 29 hộ), số lượng hộ cận nghèo còn cao, tuy nhiên không có gia đình, phụ huynh học sinh nào nghĩ đến chuyện cho con em mình nghỉ học. Học sinh trong xã muốn học lên bậc THPT phải đi thuyền vào Hội An nhưng em nào cũng theo học đến cùng".

Đến với xã Cẩm Kim hôm nay không khó để nhận ra những gian khó mà người dân địa phương đang phải đối mặt, nhưng điều đáng nói  là hệ thống cơ sở vật chất trường lớp được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng khá khang trang. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường học tập.

Thầy Nguyễn Xiêm - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt phấn khởi: "Hiện nay, ngoài xã đảo Tân Hiệp, xã Cẩm Kim được đánh giá là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất thành phố Hội An. Tuy nhiên, với quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu", chính quyền đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng một mạng lưới trường học hoàn thiện từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia".

Dãy phòng học xây dựng từ năm 1976 của Trường THCS Lý Thường Kiệt xuống cấp nghiêm trọng, cần được quan tâm đầu tư sửa chữa.

Khát vọng Cẩm Kim

Hằng ngày, muốn đến trường đúng giờ lên lớp, các giáo viên phải thức dậy từ sáng sớm xuống bến đò trước cả những người dân xã Cẩm Kim qua đò sang phố cổ Hội An buôn bán, làm thuê. Do điều kiện đi lại cách trở, hầu hết giáo viên từ Hội An ra đây dạy học đều phải ở lại ngay tại trường. Kết thúc buổi học, giáo viên tranh thủ xuống chợ, mua thực phẩm mang về trường tự nấu ăn cho kịp giờ dạy chiều.

Thầy Huỳnh Hưởng cho biết, trong số 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác, giảng dạy tại trường thì có đến 90% số lượng người sống ở Hội An và các xã phía tây bắc thành phố. Việc ăn ở lại trường đều do các giáo viên tự túc, hết sức vất vả. Tuy nhiên, ai cũng tỏ ra lạc quan, gắn bó với trường, với lớp.

Khác với nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố Hội An cũng như của cả tỉnh Quảng Nam, công tác dạy học ở Trường THCS Lý Thường Kiệt có nhiều nội dung đặc thù. Theo thầy Nguyễn Xiêm, nếu so sánh về chất lượng đại trà học sinh với các trường khác thì học sinh nơi đây có học lực tương đương, tuy nhiên, về chất lượng mũi nhọn thì không có. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng kiến thức cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ khi học sinh bắt đầu lên lớp 8, cho đến hết lớp 9 nhằm giúp các em có điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường THPT và các trường THPT chuyên trên địa bàn. 

Điều mà tập thể cán bộ, giáo viên cũng như người dân Cẩm Kim hết sức mong mỏi hiện nay là chính quyền địa phương cùng các bộ, ngành Trung ương sớm quan tâm đầu tư xây dựng một chiếc cầu nối xã với thành phố Hội An nhằm tạo điều kiện đi lại học tập thuận lợi cho con em, giúp hoạt động giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường học được tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học, nhất là hệ thống phòng học chức năng, phòng bộ môn của các trường hiện nay còn quá sơ sài, đang xuống cấp trầm trọng.

Thầy Xiêm trăn trở: "Hiện nhà trường có 4 phòng học được xây dựng từ năm 1976 đang sử dụng làm các phòng thực hành bộ môn, kho chứa thiết bị dạy học đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Việc xây dựng mới hoặc đầu tư sửa chữa, nâng cấp là cần gấp, vừa đảm bảo an toàn, điều kiện dạy học, vừa đáp ứng đủ tiêu chí xét công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015".

Đại Khải