"Người 89" về xã (Kỳ cuối: "Bàn thắng phút 89")

Thứ bảy, 26/08/2017 11:24

Nghe chúng tôi kể về những chuyện diễn ra ở Hòa Phú mấy năm qua, một cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy khuyên tôi nên gặp nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, nguyên Ủy viên Ban thường vụ, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng để nắm rõ hơn. "Đây là mảnh ghép không thể thiếu trong câu chuyện", anh quả quyết.

Anh Nguyễn Hữu Trung (đứng), Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh đưa đoàn công tác tham quan tại địa phương.  Ảnh: N.L 

Với chúng tôi, ông Bùi Văn Tiếng không phải người xa lạ. Rất nhiều người biết ông Tiếng là người "nói được, làm được và viết được". Chính từ một lần "viết được" của ông Bùi Văn Tiếng đã khởi đầu cho một quá trình, từ đó Đà Nẵng có một dàn cán bộ lãnh đạo cấp xã trẻ tuổi, làm được nhiều việc, trong đó có Nguyễn Ngọc Hải.

Ông Bùi Văn Tiếng kể: "Hồi đó là năm 2008, lúc đang làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, tôi viết một bài Báo đề cập chuyện tạo nguồn cán bộ ở cơ sở. Đại ý rằng, ngày xưa triều đình tổ chức khoa thi, những người đỗ đầu đều được ra làm quan, trong đó nhiều vị làm nên công chuyện, giúp dân giúp nước. Nên chăng, cũng học cách ấy của người xưa nhằm tìm kiếm người tài cho Đảng? Trung ương Đảng, Chính phủ nên tổ chức tìm kiếm những người trẻ tuổi, từ đó đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi cử rồi cho họ lựa chọn vị trí công tác xứng đáng với tài năng, phẩm hạnh của mình, trước hết bắt đầu từ chức Bí thư, Chủ tịch xã, phường, thị trấn...". Bài báo của ông Bùi Văn Tiếng đến tay một độc giả quan trọng - ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy. Ông Thanh vốn là người đi lên từ cơ sở, từng làm ở hợp tác xã, nông trường, lên huyện, lên sở rồi lên làm lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng, là người chịu đi, chịu nghe, và rất chú ý vấn đề ở cơ sở. Ông Nguyễn Bá Thanh gọi ông Bùi Văn Tiếng đến nói chuyện, bảo: "Tôi đọc bài viết của ông rồi. Chuyện ông đề xuất Trung ương thì cứ để sau này tìm cách, trước hết thành phố "đặt hàng" 200 người". 

Từ sự tham mưu của Ban Tổ chức Thành ủy, ngày 12-6-2008, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kết luận số 89 về mở lớp tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn TP Đà Nẵng (Đề án 89). Đợt đầu tổ chức thi tuyển, 400 người nộp hồ sơ, tuyển được 100 người đủ tiêu chuẩn, cử đi học ở Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, với một chương trình đào tạo đặc biệt, không phải đào tạo cán bộ bình thường mà là Bí thư, Chủ tịch xã, phường. Lúc đó, ở Việt Nam chưa có mô hình này (sau này có một mô hình tương tự là Dự án 600 Phó Chủ tịch xã do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện). Sau một năm đào tạo, Thành ủy Đà Nẵng chủ trì lễ phân công công tác. Ban tổ chức viết tên 42 phường, xã trên địa bàn TP Đà Nẵng lên một tấm bảng lớn. Dựa theo thành tích học tập, ai đứng đầu lớp cho lên chọn trước, cứ như thế cho đến người cuối cùng, lần lượt gắn tên của mình vào tên xã phường muốn về công tác. Ban đầu cũng có người nghi ngại rằng, làm như thế, các học viên có thành tích xuất sắc sẽ chọn về ở các phường trung tâm thành phố, còn các học viên kém hơn mới về xã thì sao? Nhưng những gì diễn ra  đã không quá lo ngại như ban đầu. Bởi lẽ, tất cả các học viên dẫn đầu đều chọn về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hòa Vang. Có lẽ, các học viên biết rõ, ở đâu là nơi mình cần đến...

Chị Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc. 

Sau cuộc phân công công tác, các phường, xã của TP Đà Nẵng bỗng chốc có một đội ngũ cán bộ rất trẻ được đào tạo bài bản về đầu quân. Chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc hết những "người 89" nhưng câu chuyện về họ thì nghe qua rất nhiều kênh. Mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng liệt kê ra một vài trường hợp tiêu biểu (chúng tôi dự định sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu và kể về họ trong những dịp khác). Điều chúng tôi ấn tượng nhất, bên cạnh những con số ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội nơi "người 89" được "gửi về" là những câu chuyện, những mô hình độc đáo, mới mẻ, đầy tính nhân văn và cũng rất hiệu quả. Ví như anh Nguyễn Hữu Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh giao cho Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình thu gom rác tái chế trên địa bàn để tạo thêm nguồn thu nhập giúp đỡ chị em cải thiện cuộc sống.

Chị Phan Thị Nữ, Bí thư Đảng ủy P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà) đi đầu trong việc kêu gọi các nguồn lực xây dựng quỹ giúp đỡ người nghèo, vận động xây dựng 11 trạm dân phòng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Anh Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy P. Tân Chính (Q. Thanh Khê) có nhiều sáng kiến cụ thể hóa các tiêu chí xếp loại cán bộ theo thực tế ở phường, được cán bộ, công chức phường đánh giá cao, bảo đảm tính công bằng, khách quan, đồng thời có nhiều sáng kiến về thực hiện an sinh xã hội, xây dựng Đảng. Anh Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) có nhiều nỗ lực cùng với Đảng ủy xã triển khai hàng loạt mô hình phát triển kinh tế xã hội đem lại hiệu quả cao, góp phần đưa Hòa Nhơn từ vị trí thứ 7/11 lên vị trí dẫn đầu về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong hai năm 2015, 2016...

Có một nhân vật, theo ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, không thể không nhắc tới khi nói về "người 89", đó là chị Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc. Trước đây, Hà làm ở xã Hòa Khương, được xã nghèo Hòa Bắc xin về. Ban đầu chị còn chần chừ, sau đó, chị lấy xe máy, chạy một ngày khắp xã, tìm hiểu địa bàn, rồi nhận lời về  Hòa Bắc công tác. Điều kiện chị đưa ra khiến huyện không thể nào từ chối: Xin một phòng trọ! Bởi lẽ, khu vực nhà ở tập thể của xã toàn đàn ông, bất tiện. Từ sự khởi đầu đó, Lê Thị Thu Hà cùng với Đảng ủy xã Hòa Bắc đã triển khai hàng loạt chương trình, dự án, công việc phát triển kinh tế xã hội địa phương...

Theo ông Bùi Văn Tiếng, từ những ngày đầu tiên cho đến hiện nay, những "người 89" góp phần đưa đến một sinh khí mới mẻ ở cơ sở. Nhưng để họ phát huy được thì vẫn cần đến nhiều nhân tố khác nữa. Ông Bùi Văn Tiếng kể: "Sau khi đưa các học viên về xã, nhiều người rất nổi bật, nhưng cũng gặp khó khăn, trở ngại, nhất là phải đối đầu với tư tưởng cục bộ, địa phương của một bộ phận cán bộ, đảng viên công tác lâu năm ở cơ sở. Nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ âm thầm nhưng mạnh mẽ từ phía lãnh đạo thành phố và huyện ủy thì rất đáng ngại. Chính vì vậy, một phần vì yêu cầu nhân sự, phần vì hỗ trợ các học viên, Thành ủy đã bố trí đồng chí Trần Đình Hồng về làm Bí thư Huyện ủy Hòa Vang. Anh Hồng là người "tiếp quản" và trọng dụng được tài năng, tâm huyết của những anh chị em đề án 89. Đặc biệt, khi Hòa Vang thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những học viên 89 đã đáp ứng được đòi hỏi đổi mới từ cơ sở, đưa ra hàng loạt giải pháp đột phá, góp phần đưa Hòa Vang trở thành huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Sau này, khi tình hình đã đi vào ổn định, các học viên 89 đã phần nào đứng vững ở cơ sở, ông Trần Đình Hồng được "vời" về thành phố, giữ chức Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, tiếp tục công tác tham mưu xây dựng Đảng cho TP Đà Nẵng".

Chúng tôi lại tìm gặp ông Trần Đình Hồng vừa lúc ông cũng đang chỉ đạo tổng kết Đề án 89. Đề cập đến công tác xây dựng đảng những năm qua, ông Trần Đình Hồng cho biết, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đội ngũ cán bộ của TP Đà Nẵng ở nhiều nơi "vừa thiếu vừa yếu", nhiều cán bộ lớn tuổi, thậm chí cán bộ hưu trí vẫn phải đảm nhiệm công tác ở cơ sở. Riêng H. Hòa Vang, khi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cái yếu, cái thiếu bộc lộ rõ ràng hơn. Nếu cứ giữ nguyên đội hình cán bộ, nhất là đội hình lãnh đạo cũ ở cơ sở thì không thể nào phát triển được. Chúng tôi quan sát thấy, đồng chí Hải ở Hòa Phú, đồng chí Trung ở Hòa Ninh, đồng chí Hà ở Hòa Bắc, đồng chí Phát ở Hòa Nhơn..., đều trở thành những nhân tố rất quan trọng, thậm chí quyết định, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ ở cơ sở. Bởi vậy, có thể coi Đề án 89 chính là "bàn thắng phút 89" của TP Đà Nẵng nói chung, H. Hòa Vang nói riêng. Không có "bàn thắng" này, Đà Nẵng khó có thể gặt hái thành công như những năm qua, còn Hòa Vang cũng khó có thể trở thành huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Một cây cầu mới được xây dựng tại xã Hòa Phú. Ảnh: N.L

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, đến tháng 6-2017, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 công tác ở địa phương, đơn vị là 126 người (80 nam và 46 nữ). Trong số này, hiện có 6 Bí thư Đảng ủy, 8 Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND, 17 Phó Bí thư Thường trực, 5 Phó Bí thư, 30 Phó Chủ tịch UBND, 5 Phó Chủ tịch HĐND và 20 chức danh chuyên trách, không chuyên trách khác. Nói về những con số nêu trên, ông Trần Đình Hồng quả quyết: "Các cấp ủy Đảng của ta có nhiều nghị quyết đầy trí tuệ, tâm huyết. Ấy thế, cùng nghị quyết như nhau, điều kiện, hoàn cảnh cũng na ná nhau, nhưng kết quả thực hiện mỗi nơi một khác: Chỗ thì làm tốt, chỗ làm chưa tốt, thậm chí có chỗ còn trì trệ, tiêu cực..., là cớ làm sao? Theo tôi, cái sự khác nhau phần lớn nằm ở con người. Đề án 89 góp phần giải quyết được vấn đề này. Nếu không có lứa cán bộ đó, tôi e rằng, cấp cơ sở nhiều nơi có thể lún sâu vào trì trệ, ì ạch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy rằng, công lao, cống hiến của các đồng chí lớp trước rất lớn, nhưng chính đòi hỏi từ thực tiễn đã đòi hỏi các đồng chí ấy trao  lại trọng trách cho những người trẻ hơn. Rất đáng trân trọng và cũng rất đáng mừng là phần đông các đồng chí khi trao truyền công việc, chức vụ cho lớp trẻ, đã cực kỳ cao thượng, cực kỳ tin tưởng. Tôi cho rằng, đó cũng chính là phẩm chất của người Cộng sản".

Sau cuộc trao đổi với ông Hồng, chúng tôi gặp lại Nguyễn Ngọc Hải ở Hòa Phú, lúc anh mới được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy Hòa Vang. Khi được hỏi về những kinh nghiệm đúc rút từ "Đề án 89", Hải cho biết anh luôn tâm đắc với hai từ: Trăn trở. Đã bao nhiêu thế hệ lãnh đạo ở cơ sở cũng từng trẻ tuổi, tài năng, tâm huyết..., cũng lăn lộn với phong trào ghê gớm lắm, nhưng nhìn đi nhìn lại thì đời sống của phần lớn người dân vẫn khó khăn, sức lao động bỏ ra nhiều mà đại bộ phận vẫn chưa khá giả nổi. "Làm ở cơ sở, đến tận từng thôn xóm, từng hộ dân, tham gia công việc với bà con, nghe bà con phản ánh mới thấy có vô vàn điều trăn trở. Tất nhiên, trăn trở ở đây không phải là chỉ ngồi nghĩ" - Nguyễn Ngọc Hải nói.

Phóng sự: Nguyễn Lê - Hoàng Việt

Đà Nẵng, tháng 8-2017