Người Anh hùng và 83 trận đánh

Thứ tư, 18/05/2016 10:13

(Cadn.com.vn) - Tham gia kháng chiến chưa đến 10 năm, nhưng ông Lý Công Bính (1948, trú xã Quế Long, H. Quế Sơn, Quảng Nam) đã chiến đấu 83 trận, diệt 369 tên địch, trong đó có đến 212 tên Mỹ, bắt sống 4 tên, gọi hàng 1 tên thiếu úy ngụy, đánh cháy 4 xe tăng, bắn rơi 2 máy bay... Cuối năm 2015, ông Lý Công Bính vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước phong tặng.

Ông Lý Công Bính vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND
do Chủ tịch nước phong tặng vào năm 2015.

Hồi nhỏ ở làng, thấy cha, chú và đồng bào bị Mỹ, ngụy bắt bớ, tra tấn, sát hại, trong lòng cậu bé Lý Công Bính lúc bấy giờ âm ỉ lòng căm hờn, rồi nhen nhóm dần thành “ngọn lửa” cách mạng theo truyền thống của gia đình. Hiểu lòng con trai, mới 10 tuổi, cha Bính đã “cài” Bính đi ở thuê cho tên địa chủ ác ôn Nguyễn Kiểm để theo dõi và cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cha và các chú cán bộ. Năm 1963, tên Kiểm bị cách mạng bắt và “sứ mệnh” đi ở thuê của Bính cũng chấm dứt. Sau ngày đồng khởi năm 1965, Lý Công Bính bắt đầu tham gia du kích xã, rồi được bầu làm Xã Đội phó, Xã Đội trưởng, được  phân công phối hợp với du kích địa phương đánh nhiều trận lớn, trong đó ấn tượng nhất là trận đánh vào cứ điểm rừng Già (giáp ranh hai huyện Quế Sơn và Hiệp Đức) tháng 12-1969 tiêu diệt 2 tên Mỹ, làm bị thương 14 tên khác.

Trong những năm đánh Mỹ ác liệt, hầu như tuần nào Lý Công Bính cũng có vài trận tập kích vào căn cứ địch. Với lối đánh du kích của ông và đồng đội khiến Mỹ, ngụy kinh hồn bạt vía vì tiêu hao sinh lực nặng. Tiêu biểu như trận đánh vào Đại đội lính Mỹ mang biệt danh Trâu Điên tháng 12-1970. Đêm 14-12-1970, Đại đội lính Trâu Điên từ căn cứ Cấm Dơi bất ngờ tập kích vào làng Trà Đình lôi 17 người và 5 hộ dân trụ bám ra khỏi hầm trú ẩn xả súng giết sạch. Sáng hôm sau, bọn lính Trâu Điên tiếp tục băng Sơn Lãnh, vượt sông Ly Ly tấn công làng Lộc Thượng lùng sục bắt 4 thiếu niên đem ra cắt đầu giữa ban ngày.

Trước hành động dã man này, Lý Công Bính liền triệu tập ngay chị Bùi Thị Lan–Chính trị viên Xã  phó đội cùng anh Phan Văn Đoàn họp khẩn cấp, bàn phương án tác chiến. Đến chiều, cả đại đội Trâu Điên kéo đến sân trường Tiểu học Sơn Khánh căng bạt trú chân qua đêm. Tại đây, chúng đào công sự dã chiến, đặt mìn plây-mo kèm theo pháo sáng cài xung quanh vị trí đóng quân...Chúng không ngờ mọi hành động đã bị nhóm Lý Công Bính lặng lẽ theo dõi. Sập tối, lính Mỹ chia nhau vào các lều ngủ. Thời điểm quyết định tấn công đã đến.

Bính phân công một người phụ trách 4 lều, riêng anh phụ trách đánh luôn lều chỉ huy và ổ đại liên bên cạnh. Ba người dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau 5 mét, lợi dụng bóng tối lách các vị trí có mìn, tiếp cận mục tiêu... Một tiếng nổ vang trời, Bính đánh thẳng vào lều chỉ huy. Rồi liên tiếp các lựu đạn được bung ra sáng rực. Với những động tác nhanh, gọn, nhóm ba người móc lựu đạn từ thắt lưng ném vào lều bạt đám Mỹ. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên Mỹ thoát khỏi lều, chạy ra vòng ngoài, nhưng nhiều tên trong lều lại bấm mìn plây-mo khiến đám lính bên ngoài chết la liệt. Trong chớp nhoáng, Lý Công Bính bắn phát súng K59 lệnh cho cả nhóm rút lui khỏi trận địa.

30 phút sau, 3 chiếc trực thăng chiến đấu nhào đến thả pháo sáng, phóng roket, quét đại liên xung quanh sân trường. Tiếp đến, cả bầy trực thăng HU.1B kéo đến hạ xuống khiêng xác chết, lính bị thương lên máy bay thẳng về Đà Nẵng...

Ông Lý Công Bính (ngoài cùng bên phải) cùng với các cựu chiến binh H. Quế Sơn
trò chuyện với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng.

Trong gần 10 năm chiến đấu, Lý Công Bính bị thương 12 lần, trong đó nặng nhất là bị gãy một chân và hư một mắt. Năm 1972, ông lại bị thương nặng, đơn vị cho ra Bắc để dưỡng thương, nhưng ông xin ở lại để tiếp tục chiến đấu. Đến tháng 7-1974, trong chiến dịch giải phóng sông Thu Bồn, ông bị thương quá nặng nên phải rời chiến trường đi điều trị. Năm 1977, ông làm Chính trị viên xã đội Quế Phong, sau đó làm Phó Chủ tịch xã, Trưởng CAX đến năm 1993 do sức khỏe yếu nên về làm Bí thư Chi bộ thôn đến nay. Với thành tích trong chiến đấu, ông Lý Công Bính 4 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 2 lần được phong tặng Dũng sĩ diệt xe cơ giới; huy hiệu chiến dịch 68, 72, 75; 8 lần được bầu chiến sĩ thi đua; Huân chương chiến sĩ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...

Trần Tân