Người biểu tình chiếm Quốc hội, chính phủ Ecuador tháo chạy
Người biểu tình Ecuador đã đột nhập tòa nhà Quốc hội của nước này hôm 9-10 khi các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá nhiên liệu đang ngày càng leo thang buộc Tổng thống Lenin Moreno phải chuyển chính quyền khỏi thủ đô.
Người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động giải tán khỏi tòa nhà Quốc hội. Ảnh: AFP |
Người biểu tình cầm theo gậy và roi da đã vượt qua hàng rào an ninh, vội vã chạy vào phòng họp Quốc hội. Thời điểm bị người biểu tình chiếm, trụ sở Quốc hội đang trống, không có nghị sĩ họp bên trong. Một lúc sau, cảnh sát và binh sĩ đã dùng đạn cay đuổi được số người biểu tình này ra khỏi trụ sở. Trước tình hình này, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno buộc phải ký ban hành lệnh giới nghiêm đối với các khu vực gần các tòa nhà hành chính của chính phủ trên cả nước, đồng thời ra lệnh đóng cửa các trường học công và tư cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Theo sắc lệnh trên, trong khung giờ từ 20 giờ đến 5 giờ (giờ địa phương), các hoạt động đi lại sẽ bị cấm tại khu vực xung quanh các tòa nhà và trụ sở chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin cũng cho biết thêm, các loại xe cộ và người đi bộ tại các điểm chiến lược như cảng hàng không và các cơ sở hạ tầng dịch vụ công cũng sẽ bị áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại theo giờ. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Ecuador cũng ra thông báo tiếp tục đóng cửa các trường học trên cả nước vì lý do an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trước đó, chính quyền thủ đô Quito cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này trong khi Tổng thống Moreno cũng ra lệnh tạm thời chuyển trụ sở làm việc của chính phủ và các hoạt động điều hành đất nước về Guayaquil, thành phố phía Tây Nam đất nước để tránh xung đột với người biểu tình. Hôm 7-10, quân đội Ecuador buộc phải sơ tán toàn bộ các quan chức và nhân viên làm việc Phủ Tổng thống Carondelet vì lý do an toàn khi những người biểu tình từ các địa phương đang kéo về thủ đô Quito ngày càng đông. An ninh ở các tuyến phố xung quanh Phủ Tổng thống đã được tăng cường nhằm ngăn chặn các nhóm biểu tình quá khích.
Bộ Ngoại giao Ecuador ngày 9-10 cho biết các nhà chức trách nước này đã thông báo với LHQ rằng Quito sẵn sàng chấp nhận sự hỗ trợ của LHQ trong việc giải quyết vấn đề các cuộc biểu tình quy mô lớn ở nước này.
Phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”
Tình hình tại Ecuador đang diễn ra hết sức căng thẳng sau khi Tổng thống Moreno công bố gói điều chỉnh kinh tế hồi đầu tuần trước, trong đó có việc chấm dứt trợ giá đối với nhiên liệu, gây phẫn nộ trong dư luận. Trong 5 ngày qua, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ liên tục diễn ra khiến các hoạt động của đất nước bị ngừng trệ bất chấp việc chính phủ kêu gọi đối thoại và tìm kiếm biện pháp thông qua các cơ chế hòa bình. Các tổ chức công đoàn và xã hội tại Ecuador dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tổng đình công lớn trong những ngày tới để tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền. Theo thống kê, trong những ngày qua đã có 1 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và gần 600 người bị bắt giữ.
Chính sách trợ giá nhiên liệu đã tồn tại ở Ecuador 40 năm nay. Chính phủ Ecuador quyết định bỏ chính sách này theo thỏa thuận vay 4,2 tỷ USD từ IMF. Ngoài việc xóa bỏ trợ giá nhiên liệu, Ecuador còn phải cải cách thuế và luật lao động. Lý lẽ mà chính phủ đưa ra là trợ giá nhiên liệu làm khó nền kinh tế nước này; và bỏ chính sách này sẽ giúp chính phủ thu thêm được cả tỷ USD mỗi năm. Chính sách này bị bỏ khiến giá xăng tăng 25% và giá dầu diesel tăng gấp đôi. Bộ Năng lượng Ecuador cho biết sản lượng dầu khai thác đã giảm 31% sau khi 3 cơ sở dầu mỏ ở Amazon bị người biểu tình chiếm giữ. Thiệt hại về sản xuất tại Tập đoàn Dầu khí quốc doanh "lên đến 165.000 thùng/ngày", Bộ cho biết trong một tuyên bố.
Venezuela hay IMF?
Hôm 7-10, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cáo buộc người tiền nhiệm Rafael Correa và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong tuyên bố trên truyền hình nhà nước, ông Moreno khẳng định vấn đề bạo lực và cướp bóc trong những ngày qua không phải là biểu hiện xã hội về việc không hài lòng với chính phủ, mà là một âm mưu đảo chính do ông Correa và ông Maduro tổ chức. Ông nói rằng họ đang sử dụng "các nhóm bản địa, lợi dụng sự huy động của họ để cướp bóc và tiêu diệt". Tổng thống Moreno cho hay, ông có bằng chứng về việc một số nhóm biểu tình đã có biểu hiện chống lại ông và tìm cách phá vỡ trật tự dân chủ. Ông cũng đồng thời chỉ trích một số cá nhân bên ngoài, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Ricardo Patino, đã được trả tiền để kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Tổng thống Maduro ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của người đồng cấp Ecuador Moreno, đồng thời cho rằng những cuộc biểu tình đang diễn ra ở Ecuador là trách nhiệm của IMF. Theo nhà lãnh đạo Venezuela, IMF muốn áp đặt một mô hình độc quyền tại Mỹ Latinh, tạo ra sự nghèo đói cho đại bộ phận người dân ở khu vực và chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ những nhà tư bản triệu phú. Đó cũng là lý do mà người dân Ecuador đã xuống đường để phản đối những chính sách phụ thuộc vào IMF mà chính quyền Ecuador đang tìm cách áp dụng tại nước này. Tổng thống Maduro cho rằng, nếu ông Moreno muốn "nhìn thấy thực tiễn" thì cần phải rút lại gói điều chỉnh kinh tế và đối thoại với người dân trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ông Maduro cũng cho rằng, IMF có trách nhiệm với các cuộc biểu tình quy mô lớn đang nổ ra ở Ecuador. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ khẳng định: "Các cuộc biểu tình ở Ecuador là trách nhiệm của IMF chứ không phải của chính quyền Venezuela".
AN BÌNH