Người biểu tình Myanmar tiến hành tổng đình công

Thứ ba, 23/02/2021 18:00

Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự của Myanmar đã kêu gọi một cuộc tổng đình công và nhiều cuộc biểu tình đường phố hơn, sau khi chính quyền đe dọa rằng các cuộc đối đầu có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình ở Yangon ngày 21-2.   Ảnh: Reuters.

Reuter đưa tin, nhà hoạt động thanh niên hàng đầu Myanmar Maung Saungkha ngày 22-2 đã kêu gọi những người khác tiếp tục tham gia cuộc tổng đình công lớn và các cuộc biểu tình. Ít nhất 3 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng, sau khi một thanh niên và một thiếu niên chết vì trúng đạn ở thành phố Mandalay hồi cuối tuần qua. Quân đội cho biết một cảnh sát đã tử vong vì bị thương trong các cuộc biểu tình. Theo lời kêu gọi của Phong trào Bất tuân dân sự, ngày 22-2, người dân Myanmar tiến hành cuộc tổng đình công quy mô lớn, ý định thực hiện “cuộc cách mạng mùa xuân” mang tên Five Twos – tạm dịch là 5 con số 2, ám chỉ ngày 22-2-2021.

Các hãng truyền thông cho biết, hàng triệu người Myanmar tham gia vào cuộc tổng đình công và các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội nắm quyền. Các nhà máy, doanh nghiệp và cơ quan hành chính được kêu gọi đồng loạt đóng cửa, để tiếp sức cho các đoàn người biểu tình trên khắp cả nước thời gian qua. Cũng theo ghi nhận của giới truyền thông, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Myanmar đã hưởng ứng lời kêu gọi, thông báo đóng cửa từ chiều 21-2 (giờ địa phương).

Quân đội đã ra tuyên bố cảnh báo mọi hoạt động chống phá, bạo lực, đồng thời lên các phương án ứng phó. Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV) lập tức cho đăng tải thông báo từ chính quyền quân sự cảnh báo người biểu tình ngừng mọi hành động chống phá, nếu không muốn lãnh “hậu quả nặng nề”.

Thông báo cho biết, đã có thông tin về việc những đối tượng bạo loạn biểu tình sẽ kích động biểu tình và đình công. Những người này đang đẩy những người trẻ chưa đủ chín chắn vào con đường mà chúng có thể gặp hậu quả nặng nề, thậm chí mất mạng. Thông báo cũng lý giải thêm việc 3 người biểu tình thiệt mạng trước đó là do cảnh sát buộc phải tự vệ bởi phong trào biểu tình đang trở nên cực đoan và bạo lực. Giới chức quân sự cũng tuyên bố sẽ cắt Internet và đường dây điện thoại trong ngày hôm nay. Nhiều rào chắn và lô cốt đã được quân đội dựng trên đường phố thủ đô Naypyidaw, để chuẩn bị ứng phó đợt tổng đình công.

Tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, xe tải được điều đến để chạy khắp các đường phố phát đi thông báo rằng mọi người không nên tham gia các cuộc biểu tình hôm nay và phải tuân theo lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Tuy nhiên, thực tế hơn 2 tuần qua, người dân tại đây hầu hết không tuân thủ lệnh cấm này. Truyền hình nhà nước MRTV hôm 21-2 cảnh báo những người biểu tình sẽ tiếp tục có các hành động mạnh mẽ hơn chống lại chính quyền quân sự: “Những người biểu tình hiện đang kích động mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên dễ bị tác động, đẩy họ đến con đường đối đầu mà có thể sẽ phải trả giá bằng mạng sống".

Trước tình hình này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng vũ lực gây chết người là không thể chấp nhận được. Một số nước phương Tây không ngần ngại lên án các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ hành động cứng rắn để trừng phạt các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình. Trước đó, Đại sứ Nhật Bản tại Myanmar Ichiro Maruyama cũng đã kêu gọi quân đội Myanmar thả các nhà chính trị và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình.

Phản ứng trước những quan ngại đó, Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 21-2 tái khẳng định rằng, việc quân đội tiếp quản quyền điều hành đất nước phù hợp hiến pháp, nhấn mạnh một số tuyên bố của các nước và Đại sứ quán nước ngoài ở nước này đang là hành vi can thiệp “trắng trợn” vào công việc nội bộ của quốc gia Đông Nam Á này.

AN BÌNH