Người chiến sĩ công an xung phong quả cảm

Thứ hai, 31/08/2015 10:30

(Cadn.com.vn) - Ngày ấy, ở làng Cây Cốc, xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam bao phủ dày đặc màn đêm u uất, tủi nhục về sưu cao, thuế nặng của bọn cường hào, địa chủ, phong kiến, bao người dân nơi đây phải sống trong cảnh “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, nông dân oằn lưng gánh chịu cảnh đời nô lệ bởi bộ máy đàn áp của thực dân Pháp xâm lược. Vào một đêm đông lạnh giá cuối năm 1940, Phan Tình, người thanh niên làng quê nghèo này lầm lũi rời mảnh đất quê hương ra thị xã Hội An để tìm việc làm, kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Ngập ngừng trước tiệm buôn bán vải “Vạn Hòa” một lát, Phan Tình bước vào khoanh tay lễ phép: “Thưa ông, bà chủ! Con tên là Tình, ở Quảng Nam đến nhờ ông bà giúp đỡ!”. Người đàn bà đẫy đà, múp míp, da dẻ trắng trẻo nhìn từ chân đến đầu chàng thanh niên rồi hỏi: “Chừ mi muốn nhà tau giúp cái chi?”. “Con xin ông bà có chuyện chi sai con làm để kiếm cơm thôi”-Phan Tình nhanh nhảu đáp. Thế là từ ngày đó, Phan Tình trở thành người giúp việc cho tiệm vải “Vạn Hòa”, song họ đâu biết người thanh niên này tới đây đâu phải chỉ để kiếm miếng cơm, tấm áo. Hàng ngày, vừa làm việc, Phan Tình vừa nắm tình hình hoạt động của bọn mật vụ, cảnh sát cũng như bọn quan lại đàn áp để bí mật chuyển thông tin ra ngoài. Thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn, bọn phòng nhì Pháp bắt anh tống vào Nhà lao Hội An, dùng đòn roi tra tấn hết sức dã man, tàn bạo nhưng không khai thác được gì.

Cách mạng tháng Tám thành công, Phan Tình chính thức gia nhập lực lượng Công an xung phong (CAXP) tỉnh Quảng Nam và chỉ ít lâu sau ông được giao nhiệm vụ tổ trưởng trinh sát (TS) đặc biệt, xây dựng mạng lưới bí mật phục vụ cho công tác đánh địch lâu dài và tháng 6-1946, Phan Tình được kết nạp vào Đảng. Các cơ sở được tổ TS Phan Tình cài cắm rộng khắp tại các vùng Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đà Nẵng... gồm nhiều thành phần, trong đó có cả những người làm việc cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Do có mạng lưới tai mắt giúp đỡ, tổ TS của Phan Tình ngày càng thọc sâu vào hang ổ của địch, đánh hàng chục trận “xuất quỷ, nhập thần” làm cho bọn phòng nhì Pháp và Quốc dân đảng hoang mang, khiếp vía...

Lúc bấy giờ, Huỳnh Sỏ và Huỳnh Sau là hai anh em ruột, thuộc hàng tư sản mại bản giàu có nức tiếng ở đường Nguyễn Thái Học, Hội An. Hàng đêm, bọn sĩ quan Pháp và tay sai cỡ bự thường tụ tập tại dinh thự của anh em họ Huỳnh ăn chơi trác táng. Nhiều lần, Phan Tình phối hợp với cơ sở bên trong nắm tình hình, lên kế hoạch tấn công. Một đêm cuối tháng 6-1947, Phan Tình chỉ huy tổ TS dùng quả bộc phá 5kg, trang bị súng ngắn, lựu đạn bất ngờ đánh thẳng vào chốn ăn chơi, trụy lạc của bọn chúng, tiêu diệt tại chỗ 12 tên sĩ quan, mật vụ Pháp, thu nhiều tài liệu quan trọng rồi nhanh chóng rút lui ra Trường Lệ an toàn.

Đầu mùa đông năm 1948, Phan Tình nhận lệnh đánh vào dinh Tỉnh trưởng Hồ Ngân ở Hội An. Đây là căn cứ đầu não của địch ở Quảng Nam nên ngày đêm được chúng bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bất cứ người dân nào đi ngang qua bên ngoài tường rào cũng bị quân lính khám xét cẩn trọng. Qua khảo sát địa bàn, thấy việc tập kích rất khó khăn, sau nhiều đêm thức trắng cùng anh em trong tổ TS thảo luận, bàn bạc các phương án tấn công, cuối cùng ai nấy cũng đồng lòng chấp nhận hy sinh, miễn sao trận đánh đạt kết quả.

Hôm đó, khi tiếng gà bắt đầu gáy râm ran, từ điểm tập kết tại nhà một cơ sở trong hàng ngũ địch, hai cánh quân của tổ TS do Phan Tình chỉ huy ập vào tiêu diệt gọn hai tên lính gác, song bị lớp cận vệ bên trong phát hiện, nổ súng. Ngay lập tức, thủ pháo, lựu đạn của tổ TS dội vào bên trong, khói lửa bốc cháy ngùn ngụt, quân lính chạy loạn xạ liền bị các tràng tiểu liên của lực lượng TS hạ gục hàng chục tên. Biết “con át chủ bài”  Hồ Ngân vẫn còn ở trong dinh thự, Phan Tình cùng cánh TS truy tìm thì phát hiện hắn đang co ro trong hầm trú ẩn. Họng súng của Phan Tình chĩa thẳng vào đầu Hồ Ngân ra lệnh “Giơ tay lên!”. Hồ Ngân run rẩy bước ra khỏi hầm, theo sau là Lê Trọng Súy, Tổng thư ký Nha Tổng vệ (cảnh sát) và Đặng Thống Phát, Tổng thư ký Ty An ninh (mật vụ), nhanh chóng dẫn chúng về phòng làm việc thu 4 chiếc cặp da có nhiều tài liệu mật.

Biết tin 3 nhân vật đầu sỏ trong dinh thự Tỉnh trưởng bị Việt Minh bắt sống, địch ở các đồn phụ cận tăng cường lực lượng, phương tiện bao vây giải cứu nhưng tổ TS đã đưa được chúng ra vòng ngoài để tiếp tục đấu tranh khai thác, từ đó đã bóc gỡ được nhiều tên gián điệp giả danh, núp bóng trong các thành phần xã hội cực kỳ nguy hiểm. Hồ Ngân bị bắt như rắn mất đầu, lúc này cựu Hoàng đế Bảo Đại nắm giữ chức Quốc trưởng theo mưu đồ chiến lược của Pháp đang ở Hồng Kông liền tức tốc lệnh về điều động, bổ nhiệm Đinh Văn Vĩnh ở miền Nam ra làm Tỉnh trưởng Quảng Nam. Và cũng chẳng được bao lâu, Phan Tình dẫn tổ TS lọt vào bên trong dùng bộc phá đánh hầm trú ẩn nhưng Vĩnh chưa lìa đời bởi bộc phá không nổ. Bị chết hụt, Vĩnh tột cùng lo sợ, từ đó bộ máy đàn áp gần như co cụm để bảo vệ trong nội thị. Tháng 8-1949, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho lực lượng TS Phan Tình phối hợp với bộ đội địa phương đánh vào Sở mật thám Pháp tại Hội An. Cánh quân của bộ đội do các ông Trần Kỳ Nhẫn, Thị ủy viên, Lương Phát, Chính trị viên Thị đội Hội An chỉ huy.  Khi hai lực lượng tổng hợp đang tập trung tại làng Kim Bồng thì bọn mật vụ  Pháp phát hiện, tung quân với nhiều loại vũ khí hiện đại bao vây tứ phía. Đoán biết hỏa lực quân giặc quá mạnh, tổn thất rất lớn sắp diễn ra, Phan Tình quyết định nổ súng để đánh lạc hướng, nhử địch tập trung về phía của mình để anh em TS CAXP và bộ đội rút lui an toàn về phía Duy Xuyên và ông đã vĩnh viễn ra đi trong trận chiến đấu này!

Ngay tại Lễ truy điệu ràn rụa nước mắt của đồng đội, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định cho chi bộ đầu tiên của lực lượng CAXP  tỉnh Quảng Nam lấy tên Chi bộ Phan Tình. Liệt sĩ Phan Tình, người chiến sĩ CA giàu lòng yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, vẹn nghĩa với dân, đầy quả cảm và chân thành với đồng đội như chính cái tên của mình, đã dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc khi vừa tròn 30 tuổi. Ngày 3-8-1995, Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Phan Tình.

Thái Mỹ