Người chiến sĩ Thành cổ năm xưa
(Cadn.com.vn) - "Đò qua Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm", CCB Phạm Văn Hải (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) chầm chậm đọc hai câu thơ mà anh hằng tâm đắc, rồi kể lại bao kỷ niệm về mùa hè máu lửa 1972.
Đầu năm 1971, chàng trai quê lúa Thái Bình Phạm Văn Hải mới 17 tuổi đã xung phong tòng quân đánh Mỹ và trở thành chiến sĩ trinh sát đặc công của Sư đoàn 305 (Binh chủng Đặc công). Anh Hải vẫn còn nhớ như in những ngày tham gia Chiến dịch Quảng Trị khốc liệt năm 1972. Hồi ấy, anh là Trung đội trưởng Trung đội trinh sát đặc công, đảm nhiệm điều nghiên các mục tiêu trong Thành cổ nhằm phục vụ chiến đấu. Cứ đêm xuống là các anh vượt sông Thạch Hãn, luồn lách qua nhiều đồn bốt địch, bò vào trinh sát mục tiêu được giao bên trong Thành cổ. Các anh gan góc, khéo léo tiềm nhập trận địa địch, quan sát vị trí từng khẩu pháo, ụ súng, hầm hào... để báo cáo với chỉ huy. Nhiều đêm đến gần sáng các anh mới bò ra, nhiều lần phải ẩn mình trong hàng rào địch cả ngày, đến đêm sau lại vào trinh sát tiếp...
Có lần, anh Hải và 3 đồng đội vừa xuống một căn hầm giữa cồn cát trắng thì địch đổ quân lùng sục. Chúng hằm hè xăm hầm để "bắt cộng sản". Ở dưới hầm, cả tổ giương súng sẵn sàng và xác định hễ nghe địch xăm trúng hầm thì chủ động vọt lên chiến đấu, phá vây. Suốt 2 ngày ròng không có gì ăn, nhưng ai cũng chắc tay súng và sẵn sàng xông lên quyết tử với quân thù. "May mà địch không tìm thấy hầm và khi chúng vừa kéo đi thì chúng tôi bò lên ngay, lúc bọn chúng quay lại, tìm ra hầm, thì chúng tôi đã di chuyển một quãng xa", anh Hải tươi cười nói.
CCB Phạm Văn Hải (giữa) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. |
Năm 1973, trung đội anh Hải về ém quân tại làng Hòa Vân (Liên Chiểu), giả làm thường dân vào nắm tình hình các mục tiêu trong TP Đà Nẵng. Các anh đóng vai người bán báo, bán kem, bánh mì, vé số... để tiếp cận, điều nghiên mục tiêu đảm nhiệm. Người chiến sĩ trinh sát đặc công năm xưa cho biết, các anh luôn sẵn sàng vũ khí trong người, hễ bị lộ là chiến đấu đến cùng, thà chết không để rơi vào tay giặc. Tháng 4-1975, Đại đội trưởng Phạm Văn Hải nhận nhiệm vụ trinh sát mục tiêu, phục vụ chiến đấu cho Quân đoàn 2. Kể lại bước chân thần tốc của đơn vị trong mùa xuân lịch sử năm xưa, ánh mắt anh rạng ngời niềm tự hào: "Mình rất hãnh diện được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, làm nên Ngày Chiến thắng 30-4"...
Sau ngày đất nước thống nhất, trở về đời thường, anh Hải đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp trong cơ chế thị trường và trở thành gương điển hình về sản xuất-kinh doanh giỏi. Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 tại Đà Nẵng...
Những năm qua, CCB Phạm Văn Hải đã giúp đỡ hàng trăm người nghèo, hộ chính sách khó khăn ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác. Anh đã ủng hộ kinh phí xây dựng 19 nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà cho hàng trăm trường hợp, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, đóng góp xây dựng nông thôn mới, chăm sóc người cao tuổi, khuyến học khuyến tài, xây dựng Đài tưởng niệm tại NTLS Trường Sơn, Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức... với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Mới đây, anh tặng đơn vị bộ đội bảo vệ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 1 chiếc tivi 50 inches, ủng hộ Quỹ "Hướng về biển, đảo thân yêu" của Vùng 3 Hải quân 135 triệu đồng.
Câu chuyện về tình cảm và sự giúp đỡ chí tình của anh Hải đối với CCB Nguyễn Thành Giống, người đồng đội cùng chiến hào năm xưa, khiến bao người xúc động. Năm 2011, trong một lần tình cờ gặp lại, hai CCB ôm nhau, mừng đến rơi nước mắt. Khi biết anh Giống cư trú tại P. Bình Hiên, Q. Hải Châu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, anh Hải đã hỗ trợ tiền cho anh Giống sửa lại nhà ở khang trang, cùng với nhiều vật dụng gia đình và thường xuyên quan tâm giúp gia đình anh Giống vượt khó thoát nghèo. Trong niềm vui vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, anh Hải hồ hởi trải lòng: Hễ giúp được một đồng đội hay một người nghèo là anh cảm thấy rất hạnh phúc, vì biết bao người ngã xuống mình mới có cuộc sống hôm nay...
Lê Văn Thơm