Người con ưu tú làng Sơn Thủy

Thứ ba, 29/09/2020 19:09

Mỗi khi nhắc đến tên người chiến sĩ cộng sản được  sinh ra trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước của làng Sơn Thủy, xã Hòa Hải, H. Hòa Vang, nay thuộc khối Sơn Thủy, P. Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng,  nhiều người dân nơi đây đều mến phục, đó là Trần Văn Đán.

Trưởng ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (bên trái) Trần Văn Đán và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Minh Thắng cắt băng khánh thành Nhà Truyền thống Công an tỉnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đầu tiên sau giải phóng

Được nuôi dưỡng trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, ông Trần Văn Đán (1925) sớm giác ngộ cách mạng nên tham gia vào lực lượng du kích xã khi còn rất nhỏ, bám đất đánh giặc giữ làng. Sau Cách mạng thánh Tám thành công, ông  được cấp trên giao giữ chức Đại đội trưởng Đại đội tự vệ, Bí thư Ban chấp hành (BCH) thanh niên cứu quốc xã Hòa Quý. Giai đoạn này, thực dân Pháp đã quay trở lại mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược, tung đội quân viễn chinh hùng hậu càn quét, đánh phá rất ác liệt vùng Đông H. Hòa Vang.

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, từ năm 1947 đến 1949, ông Đán đã chỉ huy lực lượng tự vệ Hòa Quý phục kích đánh nhiều trận phủ đầu các đợt lùng sục, càn quét của giặc Pháp. Nhiều trận, ông bố trí lực lượng nằm trong lau lách rậm rạp sát bên tuyến đường Đà Nẵng-Hội An chờ xe địch tới rồi bất ngờ dùng lựu đạn tấn công, gây thiệt hại nặng về quân số cũng như phương tiện chiến tranh. Tuy là lực lượng tự vệ, vừa sản xuất, vừa bám vào dân để chiến đấu nhưng đội quân do ông chỉ huy đã nổi danh tiếng bởi sự gan dạ, táo bạo trong việc trừ gian, diệt bọn tay sai, chỉ điểm cho quân Pháp ở địa phương.

Cuối năm 1949, Trần Văn Đán trực tiếp chỉ huy Đại đội tự vệ Hòa Quý bí mật tập kích đồn Tân Lưu, tiêu diệt hàng chục tên lính Pháp. Đầu năm 1950, ông được rút lên làm Phó Bí thư BCH thanh niên và Ủy viên Ban Thường vụ Nông hội H. Hòa Vang kiêm Phó Bí thư đảng đoàn dân vận mặt trận huyện. Hiệp định Genève không được phía đối phương tuân thủ, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức chống phá quyết liệt, chúng tung nhiều lực lượng để thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng, truy xét, bắt bớ, tra tấn dã man nhiều cơ sở và cán bộ cách mạng nằm vùng, kéo lê máy chém tắm máu khắp chiến trường miền Nam. Thời kỳ này, Đảng bộ H. Hòa Vang lâm vào hoàn cảnh vô cùng gian nguy gần như bị tan rã bởi hầu hết các đảng viên bị địch phát hiện bắt giữ, sát hại, số ít còn lại phải hóa trang hợp pháp thành dân thường hoặc chuyển vùng để lui vào tình trạng bất động chờ thời cơ thuận lợi.

Tuy nằm trong điều kiện vô cùng khó khăn ấy, song Trần Văn Đán vẫn kiên trì dựa vào dân, bí mật gặp gỡ dân để vận động, nhen nhóm, xây dựng lại phong trào đấu tranh chính trị tại các xã trên địa bàn huyện và ngọn lửa đấu tranh của quân dân Hòa Vang tiếp tục bốc cháy hừng hực. Năm 1960, Trần Văn Đán được giao làm Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho tới năm 1963 ông được bầu giữ chức Tỉnh ủy viên Quảng Đà, Bí thư Huyện ủy kiêm Bí thư Ban cán sự Vùng cát phía Bắc tỉnh Quảng Đà. Năm 1964 ông giữ chức Bí thư Nông hội tỉnh Quảng Đà và là Ủy viên BCH Nông hội Liên khu 5.

Tháng 3-1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, tình hình mặt trận Quảng Đà bắt đầu nổ ra cuộc chiến đấu mới đầy cam go, gian khổ, ông được bầu vào Ban Thường vụ tỉnh Quảng Đà, Bí thư Nông hội tỉnh đồng thời Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, kiêm Chính ủy mặt trận phía tây-nam Đà Nẵng và đã chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện đánh vào nhiều đồn bốt, căn cứ quân sự của địch. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trần Văn Đán được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử làm Bí thư quận Nhất, Đà Nẵng kiêm Chính trị viên Quận đội, chỉ đạo lực lượng cài cắm nhiều cơ sở hoạt động nắm tình hình địch trong nội thành qua đó biết được nhiều tin tức quan trọng trong nội bộ địch. Đầu năm 1971, ông  được bầu giữ chức Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kiêm Trưởng ban cán sự Đà Nẵng, cùng với các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy chỉ đạo cuộc tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng của địch, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng, Đà Nẵng tiếp tục duy trì chính quyền lâm thời của ba quận đến ngày 1-4-1978, các quận Nhất, Nhì và Ba sáp nhập chung một cấp là thành phố Đà Nẵng, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN), ông Trần Văn Đán lúc này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Đán.

Trưởng ty thứ 2 của Công an tỉnh QN-ĐN

Tháng 12-1978, ông Trần Văn Đán được Tỉnh ủy và Bộ Nội vụ (nay Bộ Công an) giao giữ chức Trưởng ty Công an tỉnh QN-ĐN (tên gọi thay cho chức Trưởng ban An ninh tỉnh) thay cho liệt sĩ Hoàng Văn Lai hy sinh khi chỉ đạo lực lượng phá tổ chức "Việt Nam dân tộc cách mạng đảng" do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu. Giai đoạn này tình hình trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Các tàn dư, lối sống thực dụng của chế độ cũ sót lại gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân dân, các tổ chức phản động liên tục chống phá chính quyền cách mạng, các vụ dùng vũ khí cướp tàu ngư dân trốn ra nước ngoài với mục đích chính trị thường xuyên xảy ra, mặt khác các loại tội phạm hình sự nổi lên đã làm cho nền trật tự xã hội đáng lo ngại. Với tư cách người đứng đầu lực lượng Công an tỉnh, Trần Văn Đán đã chỉ đạo các cấp Công an từ tỉnh đến cơ sở phải làm tốt chức năng tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh phong trào phòng ngừa xã hội, tăng cường công tác nắm tình hình và hoạt động nghiệp vụ do đó đã triệt phá được hàng trăm vụ vượt biển trái phép. Ngoài ra, đấu tranh ngăn chặn hàng chục vụ chống phá, lật đổ của các tổ chức phản động trong nước. Điển hình như tổ chức phản động "Phong trào thanh niên ái quốc Việt Nam" do tên Lê Văn Hiếu cầm đầu hàng chục tên khác, có địa bàn hoạt động từ tỉnh Nghĩa Bình đến Bình Trị Thiên. Ngày 18-9-1979, Công an tỉnh QN-ĐN đã bắt Hiếu cùng đồng bọn trong tổ chức. Trong phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã phạt tử hình Lê Văn Hiếu.

Bên cạnh việc lãnh đạo công tác chuyên môn của Công an, ông Đán đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng bởi nội bộ có trong sạch, vững mạnh thì bộ máy Công an mới đủ năng lực đáp ứng được nhiệm vụ chính trị được giao; kiên quyết xử lý đúng mức, kịp thời các trường hợp sai phạm, không bao giờ nể nang, xuê xoa bất cứ cán bộ chiến sĩ nào để tạo tiền lệ không tốt, gây ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của lực lượng Công an. Chính điều này đã tạo nên kỷ cương, kỷ luật thường xuyên được giữ vững và chính yếu tố then chốt này đã làm thay đổi một bước mới về công tác, chiến đấu của Công an tỉnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị và sự yên bình cuộc sống của nhân dân.

Tháng 10-1987 ông Đán nghỉ hưu, sống bình dị trong căn nhà nhỏ được Nhà nước cho thuê trên đường Nguyễn Du, P. Thạch Thang. Hơn 10 năm sau thì ông về cõi vĩnh hằng. Bây giờ ở P. Hòa Hải đã có con đường rộng hơn 11 mét mang tên Trần Văn Đán, người con ưu tú của xứ sở, quê hương.

THÁI MỸ