Người con xứ Huế khám phá hóa thạch cổ Tây Nguyên

Thứ bảy, 11/02/2017 10:15

Từ sở thích… không giống ai

(Cadn.com.vn) - Sinh ra tại Huế, đến năm 10 tuổi, ông Hoàng Thành (1961, hiện trú P.Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) được gia đình gửi lên nhà người bà con ở Đắc Lắc để học và làm việc trong ngành thi công cầu đường. "Thời gian làm công nhân cho một công ty cầu đường tại TP Buôn Ma Thuột, tôi có mặt khắp nơi trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Trên hành trình ấy, tôi bắt gặp rất nhiều hòn đá nhỏ có hình thù kỳ lạ như những con sò, con ốc cuộn trong đá nên đã nhặt về bài trí trong nhà. Sau một thời gian, tôi đã "tậu" cho mình hàng trăm mẫu đá như thế nhưng chưa biết đến giá trị hay tên gọi của từng loại cụ thể ra sao. Cứ thế, mọi ngõ ngách trong căn nhà bé nhỏ của gia đình tôi đều có mặt của những viên đá có hình thù lạ lẫm"-ông Thành cho biết. Với sở thích "không giống ai" này, ông Thành nhận được không ít cái lắc đầu ái ngại của người thân, bạn bè. Thế nhưng, ông vẫn tiếp tục niềm đam mê sưu tầm những mẫu đá lạ. Năm 2006, qua người quen, ông biết tại H. Lắc (Đắc Lắc) có người sở hữu một hòn đá hình trụ dài 2,5m, đường kính 60cm, nặng khoảng 800kg. Thế là ông tìm đến nơi năn nỉ mua bằng được hòn đá ấy. Trong lúc vận chuyển vào nhà tại địa chỉ 599 đường Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột), ông Thành phát hiện âm vang kỳ lạ phát ra từ hòn đá.   "Đây một hòn đá tự nhiên được cấu tạo từ thạch anh, mica, sa khoáng, granite, có cấu trúc dưới dạng các sợi khoáng vật và kết cấu dạng tổ ong. Trong lúc va chạm vào những vật cứng, những âm thanh trong trẻo như tiếng chuông chùa, tiếng nhạc rừng, chim hót... thậm chí là tiếng suối chảy ngân ra từ hai đầu của hòn đá. Đặc biệt, vào những ngày trời nắng, tiếng chuông vọng càng ngân vang, ngược lại trời mưa dầm hoặc lạnh hòn đá không thể phát ra tiếng. Tôi đã đặt tên cho hòn đá kỳ lạ ấy là chuông đá. Cũng từ đó, quán cà-phê mang tên "Chuông đá" xuất hiện tại TP Buôn Ma Thuột" - ông Thành chia sẻ.

Chuông đá dài 2,5m.

Để quán cà-phê của mình mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên, ông Thành còn tìm mua một ngôi nhà dài của người Ê Đê với đầy đủ "nội thất" như ghế dài, giường, cồng chiêng, ché xưa, thuyền độc mộc, đàn đá, lư đồng, trống cổ. Cứ thế, quán cà-phê Chuông đá trở thành nơi "quy tụ" vô số hòn đá có hình thù kỳ lạ và những hiện vật văn hóa Tây Nguyên.

...Sự bắt đầu chưa bao giờ muộn

"Với tất cả công sức và tiền bạc đầu tư trong một thời gian dài, tôi muốn giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa Tây Nguyên đến với mọi người thông qua cà-phê Chuông đá". Một ngày, cố GS.TSKH Vũ Ngọc Hải - người được biết đến bởi những nghiên cứu về địa chất khoáng sản, từng là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tình cờ ghé quán cà-phê Chuông đá trong một lần thỉnh giảng tại Đại học Tây Nguyên. Chứng kiến hàng nghìn hòn đá lớn nhỏ tại quán, cố GS.TSKH Vũ Ngọc Hải nói với ông Thành đây là một "kho báu" về những loài hóa thạch sinh vật biển mang giá trị lịch sử về địa chất, địa tầng có bề dày hàng triệu năm. Cố GS căn dặn ông Thành: "Anh đừng làm hư, phải giữ gìn cẩn thận. Sau này, Nhà nước sẽ trưng dụng".

Tò mò trước câu nói nửa chừng của vị giáo sư khả kính, ông Thành bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu trên mọi kênh thông tin về các loài hóa thạch sinh vật biển. Qua nghiên cứu và được sự chia sẻ của các nhà chuyên môn, ông Thành biết được từng mẫu hóa thạch là một động vật biển sau khi chết, chìm sâu dưới đáy biển thì được bao bọc bởi các trầm tích và trải qua quá trình hóa thạch để trở thành đá. Đồng thời, ông tiếp tục rong ruổi khắp nơi để tìm mua hóa thạch cổ. Ông Thành kể: "Cứ nghe ở đâu có những viên đá lưu dấu ấn của hóa thạch cổ là tôi lại tìm đến hỏi mua. Một lần, tôi phát hiện một người dân đang giữ một hòn đá chứa đựng quần thể hóa thạch cổ nên đã đến hỏi mua nhưng bị từ chối bán. Sau 2 năm kiên nhẫn theo đuổi, cuối cùng tôi đã mua được viên đá quý ấy"...



Các mẫu hóa thạch tại cà- phê Chuông đá.

Theo thời gian, ông Thành đã sở hữu khoảng 9-10 loại hóa thạch cổ với vài nghìn mẫu khác nhau. Điều đặc biệt, dù biết những hòn đá vô tri, vô giác ấy có giá trị to lớn với lịch sử địa tầng, địa chất mang tầm cỡ quốc gia nhưng chưa một lần ông Thành nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ "kho báu" ấy. Bởi với ông, mẫu hóa thạch nào cũng quý báu và vô giá. Hơn thế, ông tâm nguyện, bằng công sức của mình, hàng nghìn mẫu hóa thạch cổ tại cà-phê Chuông đá sẽ phục vụ tốt cho việc nghiên cứu khoa học và tăng cường hiểu biết của các bạn trẻ về sự thay đổi địa chất, địa tầng hàng triệu năm qua tại Tây Nguyên. Cuối năm 2009, đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam do PGS. TS. Phạm Văn Lực làm trưởng đoàn tìm đến cà-phê Chuông đá để khảo sát. Từ kết quả khảo sát, các nhà chuyên môn nhận định đây là bộ sưu tập mẫu hóa thạch cổ sinh vật rất vĩ đại có giá trị đặc biệt về địa chất và cổ sinh địa tầng của mảnh đất Tây Nguyên. Ý thức được giá trị ấy, vào tháng 6-2010, ông Thành đã làm các thủ tục chuyển giao bộ sưu tập mẫu hóa thạch cổ sinh vật Tây Nguyên (gồm 5 loại, với 892 mẫu, trọng lượng khoảng 11 tấn) cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Nhiều năm nay, cà-phê Chuông đá trở thành điểm tham quan của nhiều đoàn khách du lịch và các nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Chưa dừng lại ở đó, ông Thành vẫn tiếp tục say mê với việc sưu tầm hóa thạch cổ. Với những hiện vật đang có đã nhen nhóm trong ông một ước mơ xây dựng một điểm trưng bày các mẫu hóa thạch cổ và bộ sưu tập văn hóa Tây Nguyên. Ông Thành cho hay: "Để thực hiện được ước mơ đó, tôi sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. Thế nhưng, với tôi sự bắt đầu chưa bao giờ là muộn. Khi đã đam mê thì không có khó khăn nào có thể ngăn bước. Tôi tin là mình sẽ thực hiện được ước mơ đó trong thời gian tới".

Thơ Trịnh