KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHDCND LÀO (2-12-1975 - 2-12-2015):

Người cựu tình nguyện quân tại Lào

Thứ tư, 02/12/2015 09:30

(Cadn.com.vn) - Dù đã gần 90 tuổi, đại tá Trần Phú (P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), người CCB từng có 25 năm chiến đấu, công tác tại Lào, bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm sâu sắc trên đất nước Triệu Voi. Trong kí ức, ông vẫn còn nhớ như in những trận đánh khốc liệt ở cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) và nhiều tỉnh khác trên chiến trường Lào. Tại cánh đồng Chum năm 1963, ông Phú là Chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 673 Sư đoàn 335. Ông nhớ rõ, lúc cao nhất ta đã tập trung ở mặt trận này đến 4 sư đoàn bộ binh, hàng chục đơn vị hỏa lực cùng với bộ đội Pathét Lào phối hợp chiến đấu, do Tư lệnh Lê Trọng Tấn chỉ huy. Bọn Mỹ ném xuống đây 18 trung đoàn ngụy Thái, hàng ngàn quân ngụy Lào, điên cuồng chống cự, phản kích. Cuộc chiến diễn ra ác liệt suốt nhiều năm liền, đến năm 1972 ta chiếm lại được một phần cánh đồng Chum và đến năm 1974 thì giải phóng hoàn toàn vị trí chiến lược quan trọng này.

Đại tá Trần Phú (phải) và các cựu tình nguyện quân tại Lào.

Vị nhân chứng lịch sử bùi ngùi nhớ lại bao đồng đội đã ngã xuống trong các trận đánh trên đất bạn. Ông cho biết, bình quân mỗi chiến sĩ ở cánh đồng Chum phải chịu đựng 3 tấn bom của giặc, quân ta mưu trí, gan góc, đã làm vô hiệu nhiều loại vũ khí địch. Cụ thể như loại bom nhán nhện đánh dọc các tuyến đường hành quân của ta, loại bom này theo tính toán của các nhà quân sự Mỹ, sau khi máy bay ném xuống, sẽ nổ kéo dài trong 8 ngày, như vậy trong 8 ngày đó, đường hành quân và tiếp vận của ta sẽ bị ngăn chặn, đến ngày thứ 9 chúng ném tiếp đợt khác.

Nhưng bộ đội ta và bộ đội Pathét Lào đã khắc phục bằng cách kích nổ để mở đường, bảo đảm giao thông. Giặc Mỹ còn dùng thiết bị điện tử rải xuống các trục đường, thiết bị này phía trên có 3 nhánh tỏa ra giống như một cái cây, thường gọi là “cây nhiệt đới”, có khả năng tự động báo về sở chỉ huy của địch khi có quân ta hoạt động và máy bay chúng sẽ lập tức đến ném bom. Sau những lần tổn thất, ta đúc rút kinh nghiệm, cho bộ phận nhỏ đi trước, quan sát phát hiện “cây nhiệt đới” và bẻ cụp 3 nhánh xuống là thiết bị này hết tác dụng...

Ông Phú kể, Tư lệnh Lê Trọng Tấn thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phải làm vô hiệu từ 70% trở lên bom đạn địch. Tuy vậy, kẻ thù quỷ quyệt, tìm mọi cách đánh phá giao thông, ngăn chặn đường tiếp tế, điên cuồng ném bom, bắn pháo những nơi nghi ngờ, gây cho ta muôn vàn khó khăn. Con đường vận chuyển từ Nghệ An sang Lào nhiều lần bị địch ném bom hủy diệt. Bộ đội ta ở Lào thường phải trú ẩn trong hang núi, hầm hào, công sự và nhiều ngày phải ăn rau rừng vì hết lương thực. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông Phú luôn nhắc nhau câu: “Núi là nhà, hầm hào là quê hương, rau rừng là nguồn sống”. Trong những năm tháng ấy, đơn vị ông Phú đã nhiều lần nhường cả tiêu chuẩn muối ăn và thuốc chữa bệnh để cứu bộ đội và nhân dân Lào. Mặt khác, những lần đường vận chuyển bị địch ngăn chặn, hàng tiếp tế từ miền Bắc không đưa sang được, nhiều thương, bệnh binh của đơn vị phải gửi nhờ các gia đình cơ sở Lào nuôi giấu...   

 25 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn, ông Phú sử dụng thông thạo tiếng Lào, am hiểu các phong tục, tập quán và bao tên đất, tên làng trên đất nước Triệu Voi. Nét mặt rạng ngời niềm tự hào, người CCB già trải lòng: Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào ai cũng khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Giúp bạn chính là giúp mình” và ai cũng thấu triệt tư tưởng xả thân chiến đấu vì mối quan hệ máu thịt Việt-Lào. Rồi ông chậm rãi đọc hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” như thể bộc bạch niềm hãnh diện về một thời chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Lê Văn Thơm