Người đàn bà ăn xin và đứa con trong cũi sắt
30 năm qua, hình ảnh người mẹ già đẩy xe đưa đứa con vô thức đi xin ăn như một bộ phim không lời, buồn da diết...
30 năm qua, người mẹ già ngoài 70 tuổi vẫn đẩy con ngồi trong cũi sắt đi xin ăn. |
Đứa con "xin"!
30 năm nay, mẹ con cụ bà Lê Thị Xuân (73 tuổi, trú thôn Ân Niên, xã Hòa An, H. Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) sống nhờ vào người cháu và xóm làng. Mọi người cho gì mẹ con bà ăn nấy.
Bà Xuân không chồng, "xin" được đứa con rồi làm mẹ, vất vả nhưng chưa được nghe con gọi một tiếng mẹ. Anh 30 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh từ lúc vừa lọt lòng. Nói tới đâu nước mắt bà Xuân chảy tới đó. Mắt nhiều người lại cay, bởi họ hiểu nỗi khổ của một người phụ nữ một mình vượt cạn, rồi tuyệt vọng trong đau khổ, khi đứa con "xin" được này chẳng ra hồn người vì bị bại não từ nhỏ. Rồi 30 năm liên tục, bà mẹ đơn thân ôm đứa con tật nguyền lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để xin ăn, nuôi con và nuôi mình. Bà thầm thĩ: "Nhìn đứa con sống trong trần gian giống như địa ngục, làm sao không thương, làm sao bỏ...". Hai mẹ con cứ thế, sống vạ vật, lay lắt như cỏ dại, giống như bản thể nguyên thủy loài người...
Đứa con đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch như đứa trẻ lên 3. |
30 năm và hành trình cũi sắt
Chuyện cũng bắt đầu từ 30 năm về trước. Người phụ nữ lang thang qua làng, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng xin, không ngần ngại ngồi trước mặt mọi người để có cái ăn cho con. Những người trong làng thủa ấy khi đi qua chỗ bà thường nhổ nước bọt, có người chạy đến trước mặt dậm chân "cút đi". Những đêm trời mưa rét, những lúc nắng cháy da, những vết thương khi đứa con trai không nhận thức được tự hành hạ, tự gây cho mình, bà vẫn nuốt nước mắt vào để xoa dịu cho con. Và cứ thế, năm dài tháng rộng sự chịu đựng chung sống với người con như vậy suốt 30 năm.
Ở tuổi 73, lẽ ra cũng an nhàn bên con cháu, nhưng bà vẫn còn nuôi con như đứa trẻ 3 tháng tuổi. Vẫn đút từng thìa cơm, cho uống từng ngụm nước, vẫn bồng vẫn chăm và vẫn dọn dẹp vệ sinh cho đứa con có cái tên rất đẹp: Lê Gia Hưng. Nhìn cảnh cụ bà quạnh hiu đơn chiếc, ai cũng xót xa. Vậy mà hỏi bà nghĩ gì, lo gì nhất, bà thều thào trong nước mắt bảo chỉ lo cho đứa con. "Sợ không có chi cho con ăn, rồi bứt đứt dây xích bỏ đi thì sẽ không ai đủ kiên nhẫn tìm nó về, ngoài tôi", cụ tâm sự.
Khi màn đêm buông xuống, trong căn nhà ấy không một ánh đèn điện, không chăn màn, không quần áo. Những bữa cơm được người gần đó mang cho mỗi khi rảnh rỗi. Và những lúc vắng người, hai mẹ con lại ngồi thủ thỉ bên nhau. Có lẽ, vào những khoảng khắc ấy, tình mẫu tử khiến người mẹ điên thức dậy, lại chăm con, xoa đầu con, vuốt ve đứa con... như hàng triệu bà mẹ khác trong cuộc đời này.
73 tuổi chưa ngày nào bà ngưng công việc ấy, bởi chẳng có ai thay thế vị trí của bà. Những hôm bà đau ốm nhập viện thì cậu con trai chẳng ai đút ăn, vệ sinh chẳng ai dọn dẹp, lăn lê bên hiên nhà như cây cỏ. Tháng nào bệnh đau nhiều thì mẹ con bà lại thiếu ăn, lại phải đẩy nhau ra làng, ra chợ. Mẹ con bà chẳng có nhà, được con cháu cho ở ké hiên bếp của nhà thờ do người cháu họ trông coi. Vậy mà, bà chưa một ngày bỏ con.
Bà bảo, giờ đứa con trai ngờ nghệch kia chỉ có bà để dựa thôi, mà bà thì không sống mãi để nuôi được. Bà nói thế rồi lại lặng yên bất lực trước cái dáng ngồi bó gối đầy cam chịu. Nếu có lúc tỉnh táo, người con ấy nguyện ước điều gì? Chẳng ai biết! Và cũng chẳng biết người mẹ già đã ngoài thất thập ấy còn gì để mà nguyện ước cho mình và đứa con trai ngây ngô như cỏ dại sau chừng ấy năm?
Nếu ai có về thôn Ân Niên, hãy hỏi tới mẹ con người đàn bà và chiếc cũi sắt thì ai cũng rưng rức. Người ta chẳng còn nhớ tên bà là gì nữa, chỉ còn gọi là "mẹ người điên trong xóm nghèo".
Giờ bà đã 73 tuổi, mai này, bà nằm xuống, đứa con 30 tuổi còn ngây ngô kia biết làm sao?
TIÊU DAO - ĐÀO LINH