Người dân bức xúc trước tình trạng sạt lở vì khai thác cát

Thứ hai, 24/10/2016 10:22

(Cadn.com.vn) - Trước nạn khai thác cát ồ ạt dẫn đến tình trạng sạt lở nặng kể cả của đơn vị có phép lẫn “sa tặc” hoạt động trên sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Quang (TX  Điện Bàn, Quảng Nam) nhiều hộ dân đã bức xúc phản ánh, ngăn cản, thậm chí đã xảy ra xô xát giữa các bên vì lo sợ mất đất sản xuất.

Những ngày qua, người dân ở các thôn Phú Tây, Phú Đông, Văn Ly (xã Điện Quang, TX Điện Bàn, Quảng Nam) đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng để phản ánh về tình trạng sạt lở hai bên bờ sông, đe dọa đến nguy cơ mất đất từ việc hàng chục ghe liên tục thay nhau hút cát trên sông. Ông Trần Kim Khương, phó thôn Phú Tây ngao ngán: “Hàng chục thuyền không biết từ đâu kéo đến hút cát, hoạt động có phép hay không nhưng hậu quả thì tình trạng sạt lở diễn ra mỗi lúc càng nặng. Nhiều hộ dân phải mất dần đất sản xuất mà không biết làm thế nào để ngăn cản”. Cũng theo người dân, từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhiều thuyền có sức chứa từ 90m3 trở lên thay nhau hoạt động rầm rộ trên sông. “Trước đây do lo sợ sạt lở nên nhiều người dân đã tổ chức trồng cây bói ven sông để giữ đất. Thế nhưng, từ khi các thuyền lạ kéo về hút cát thì biện pháp đó không ăn nhập gì nữa, nhiều cây đã chết, thậm chí đổ cả xuống sông”, ông Khương bức xúc.

Chúng tôi khảo sát đoạn sông dài hơn cả cây số mới thấy được nỗi lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Bờ sông sạt lở kinh hoàng với những vách dựng đứng, nhiều mét đất đổ sụp xuống sông, hai mé bờ hỏng gây nguy hiểm. “Mỗi ngày diện tích đất sản xuất lại bị thu hẹp vì đất đổ xuống sông. Hiện tại chưa có mưa bão nhưng vài tháng nữa mưa bão liên miên thì không biết sẽ sạt lở đến mức độ nào nữa”, ông Thái Văn Phước, thôn Phú Tây lo lắng. Việc các thuyền hút cát trên sông Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Lộc (gọi tắt là công ty Gia Lộc) hoạt động. Tuy nhiên từ khi công ty này đến thì tình trạng an ninh trật tự khu vực này nóng lên, người dân không biết được đâu là thuyền của công ty, đâu là thuyền của “sa tặc”. Người dân còn đặt nghi vấn công ty này “bảo kê” việc hút cát khi cho phép các thuyền khác vào hút và thu về 1 triệu đồng/ngày. “Từ 4-5 giờ sáng là các thuyền kéo đến hút cát hỗn độn. Nhiều thuyền cố tình hút vào bên trong mốc quy định, người dân phát hiện truy đuổi và báo cho chính quyền nhưng khi có người xuống thì các thuyền lại lùi vào trong cột mốc đến lúc không có người lại tái diễn cảnh cũ”, ông Trần Tây, thôn Phú Đông phẫn nộ.

Người dân bức xúc vì tình trạng sạt lở nặng đe dọa đến đất sản xuất.

Tình trạng phản đối diễn ra đến đỉnh điểm khi Công ty Gia Lộc tiếp tục được cấp phép hoạt động khai thác các mỏ cát, sạn trên địa bàn xã Điện Quang trong vòng 5 năm. “Chủ trương đã cho phép thì họ mới hoạt động, tuy nhiên cần phải có những giải thích rõ ràng để cho người dân hiểu. Hút cát để thay đổi dòng nước là tốt nhưng nếu trong vòng một năm mà vẫn không có sự thay đổi, thậm chí lại có dấu hiệu sạt lở thì nên dừng lại. Hơn nữa, phải có những quy định về độ hút sâu như thế nào là hợp lý chứ không thể thích hút đến đâu cũng được, khiến việc đất hai bên bờ bồi ra giữa sông dẫn đến người dân mất đất”, ông Tây nói. Ông Lê Thành, Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết: “Trước những kiến nghị của người dân chính quyền xã cũng đã khảo sát tình hình, mời đại diện công ty Gia Lộc lên làm việc và giải đáp những thắc mắc. Những phản ánh về tình trạng “sa tặc” hút cát trên sông khi bị người dân phát hiện đều được địa phương nắm tình hình và đã thành lập tổ bảo vệ khai thác khoáng sản, xử lý được 4 vụ khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía bởi lực lượng địa phương còn khá mỏng”.

 Thiết nghĩ, để kết thúc tình trạng sạt lở, giữ bình yên hai bên bờ sông cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn sự lộng hành của doanh nghiệp lẫn “sa tặc” hoạt động trên sông Thu Bồn, giải quyết kịp thời những vi phạm trong quá trình khai thác cát, có như thế người dân mới có thể an tâm sản xuất.

Phi Nông