Người dân "vùng động đất": Ngổn ngang sinh kế (2)
* BÀI CUỐI: ĐÃ CÓ HƯỚNG, NHƯNG CÒN VƯỚNG
(Cadn.com.vn) - Ngay khi phát sinh những hệ lụy mà thủy điện mang lại, chính quyền H. Bắc Trà My đã bắt tay xây dựng Đề án Phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân giai đoạn 2013-2017. Dù đang trong tình trạng nước sôi lửa bỏng nhưng do còn thiếu tình hình cụ thể nên Sở NN&PTNT đã yêu cầu bổ sung, kiện toàn mới có thể bắt tay hiện thực hóa.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp H. Bắc Trà My, đề án có tổng mức đầu tư khoảng 44 tỷ đồng hướng tới tạo sinh kế bền vững cho cuộc sống người dân vùng động đất, chủ yếu là xã Trà Đốc và Trà Bui. Ngay sau khi nhận được Đề án của huyện, Sở NN&PTNT đã tham vấn ý kiến của các ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và Ban Dân tộc.
Từ đây rất nhiều vấn đề được đặt ra. Đầu tiên các sở đều yêu cầu huyện phải bổ sung thực trạng đời sống sản xuất của các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2, dù chuyện này ai cũng biết. Để được phê duyệt, Đề án phải có thống kê trong số 834 hộ TĐC thủy điện: Có bao nhiêu là đồng bào dân tộc thiểu số? Họ đang sinh sống ở đâu, bằng nghề gì? Mỗi hộ có bao nhiêu đất sản xuất, diện tích từng loại? Thiếu bao nhiêu? Đã được hỗ trợ những gì mà đời sống vẫn còn bấp bênh? Họ sử dụng nguồn tiền đền bù, hỗ trợ TĐC ra sao?...
Học sinh xã Trà Đốc diễn tập ứng phó động đất. |
Về nội dung thực hiện, Sở NN&PTNT đề nghị ngành nông nghiệp huyện lấy ý kiến của cộng đồng để xác định nhu cầu của người hưởng lợi và đưa ra mục tiêu cụ thể về giảm nghèo sau đầu tư. Còn nữa, Đề án chưa thực sự nêu rõ đối tượng hưởng lợi vì 834 hộ di dời, TĐC thì có 413 hộ sống tập trung và 421 hộ sống tự do, mà trong số này lại có 92 hộ TĐC ngoài huyện không thể hưởng lợi, chưa kể những hộ nằm trong huyện nhưng lại không thuộc các xã của Đề án. Trong 70 ha đất dự kiến khai hoang, thực ra ngành Nông nghiệp huyện cũng chỉ nêu về diện tích chứ chưa có một khảo sát nào để chỉ rõ vị trí, hiện trạng, nguồn gốc, loại nào dùng để trồng lúa nước, loại nào trồng cây hàng năm và loại nào trồng cây lâu năm.
Vấn đề cốt tử nhất trong chiến lược sinh kế "cho cá và cho câu", cũng nằm từ cái khó của một huyện miền núi mà chính quyền Bắc Trà My mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất hỗ trợ cây, con giống, vật tư, công cụ sản xuất nông nghiệp mà chưa đề cập đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông... mà theo ông Nguyễn Văn Gặp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thì đây là "yếu tố quan trọng có tính chất lâu dài, nhằm xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu lâu nay". Cũng theo ông Gặp, để có được cơ cấu nguồn vốn đầu tư hợp lý, khả thi thì cần làm rõ từng nguồn vốn dự kiến đầu tư từ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương như: QĐ 615, 102, 134, 135 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông cũng lưu ý, chương trình 165 chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, chương trình 134 chỉ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Rất nhiều người dân tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 gặp khó khăn trong cuộc sống kể từ khi xây dựng thủy điện. |
Chuyện sinh kế cho người dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2 nói đã mấy năm nay. Là chuyện nhà xây kém chất lượng, mùa nắng thì như hấp người, mùa mưa thì bong tróc ẩm ướt, cứ có động đất là rùng rồi nứt. Là chuyện không có đất sản xuất, xa cơ quan y tế, trường học nằm chênh vênh bên núi, không có nơi sinh hoạt động đồng hay đường dẫn nước sinh hoạt nằm dưới nhà dân... Giờ là chuyện buồn vui xung quanh cái sổ đỏ. Có người ở miền núi mà phải ở và canh tác trên đất thuê, có người cầm hai ba cái sổ đỏ không biết để làm gì. Tập quán truyền thống du canh du cư của đồng bào dân tộc thiểu số, xét về lý thuyết đã chuyển sang định canh định cư để tạo sự ổn định sau những cố gắng của các cấp chính quyền.
Nhưng tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống như kỳ vọng xem ra vẫn còn gian nan lắm. 44 tỷ cho Đề án Phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân giai đoạn 2013-2017, như ông Huỳnh Ngọc Thiệu nói, nếu sớm thành hiện thực, chắc chắn sẽ góp phần giải bài toán này, cuộc sống người dân sẽ sớm ổn định. Nhưng nội chuyện bị "trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung" sẽ tốn thêm một thời gian nữa, rồi nếu bắt tay vào thực hiện ban đầu cũng một thời gian nữa.
Và yếu tố con người, đã sẵn sàng để biến ít nhất 44 tỷ đồng ấy thành mặt chân đế vững chắc cho cuộc sống lâu dài của người dân hay chưa? Nằm ngay đó, vai trò, nhiệm vụ của thủy điện sẽ như thế nào? Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My khẳng định: "Cấp quyền sử dụng đất trên diện rộng cho người dân miền núi là một cố gắng đột phá của Bắc Trà My. Không chỉ trao cho họ quyền tự quyết, trong khuôn khổ pháp luật, về đất đai mình sở hữu mà còn là bước đi chiến lược trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Vấn đề còn lại là phải chủ động, cả chính quyền cũng như người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và phối hợp với các ngành liên quan để hoàn thiện đề án, phân kỳ đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân".
Công Khanh