Người “đếm thời gian” trên đỉnh Hải Vân

Thứ sáu, 26/06/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Bạn bè hài hước gọi ông Nguyễn Đình Thông (58 tuổi, trú 447/21-Nguyễn Lương Bằng- Đà Nẵng) là “lão gàn”, bởi suốt 10 năm nay “lão” cứ ở lì trên đỉnh Hải Vân chỉ để “đếm thời gian”. Nhưng, cái việc thoáng nghe tưởng vô bổ ấy lại cũng có ích, nhất là khi chiếc đồng hồ âm dương lịch do “lão” sáng tạo ra vừa được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cấp chứng nhận bảo hộ.

Ngàn đêm trăn trở

Năm 2005 Hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng đó cũng là lúc ông Thông nhận nhiệm vụ bảo vệ trạm thông gió của đường hầm trên đỉnh Hải Vân. Toàn bộ không khí lưu thông trong hầm được đưa vào từ biển qua đường hầm 1,8km nằm trên đỉnh Hải Vân với 2 tua-bin khổng lồ đẩy gió từ biển vào và hút khí bẩn từ trong hầm ra. Nhiệm vụ của ông chỉ là dọn vệ sinh và bảo vệ trạm để những người “vô phận sự miễn vào”. Với đặc thù như vậy nên ông thường phải mang vác thực phẩm lên ăn dầm nằm dề trên đỉnh núi. Như lời ông, làm nghề này phải đứng tuổi, chứ bọn trẻ thì chỉ dăm bữa nửa tháng là bỏ chạy hết.

Bởi vì ở đấy buồn lắm, nhiều bữa hết thuốc lá, thèm quá phải chạy xe máy xuống tận Lăng Cô mới mua được. Ông bộc bạch, ở trên này, thời gian như chết lặng. Nhiều bữa, cảm giác cái đồng hồ điện tử treo tường kia thật vô ích. Nhất là những đêm đông tĩnh mịch, hoang vu, sương lạnh tràn qua cửa sổ chẳng thể nào chợp mắt. Hay những đêm hè, gió từ biển lùa vào rát mặt, ngước mắt qua cửa sổ là thấy sao chạy lố nhố ngay trên đầu ngọn cây. Cũng có lẽ vì thế, ý niệm về thời gian cứ mông lung trong đầu. Thế mà ông luôn trăn trở về một công trình sáng tạo khiến cho mọi người phải sửng sốt. Rồi một đêm hè, sau giấc ngủ chập chờn, ông Thông bật dậy, phóng ý tưởng ngay ra giấy, đó là một chiếc đồng hồ có thể xem giờ âm, dương; tốt-xấu, xem tuổi, xem năm. Tóm lại là chiếc đồng hồ có thể truyền tải ý niệm thời gian đông tây kim cổ và rất cần kíp trong đời sống.

Sau đêm đó, ông bắt đầu tìm các loại sách thiên văn, tìm kiến thức về vũ trụ của NASA, âm dương ngũ hành… để nghiền ngẫm trong những đêm cô lạnh trên đỉnh Hải Vân. Có những đêm ông ngồi hàng giờ quan sát những vì sao từ đỉnh núi mà suy tư… Ông bảo: “Tớ nghĩ nát óc rồi, xã hội tiến bộ đến đâu thì âm dương không thể tách rời, không chỉ mặt thời gian. Nhìn vào đồng hồ của tớ, ngoài xem giờ giấc, cậu còn biết tuổi mình hợp với ai, giờ nào trong ngày là giờ hoàng đạo để khởi hành, khai trương, tuổi dương của cậu đổi sang tuổi âm thế nào… Nói gọn thế, song biểu thị nó trên một mặt phẳng hình học khó lắm, phải tính toán, chiêm nghiệm hết sức khoa học. Để sử dụng tiện ích, lão đang tính toán với các đối tác để có thể hợp tác sản xuất ở các dạng đồng hồ treo tường, đeo tay, in lên lịch…”.

Ông Thông với chiếc đồng hồ âm dương lịch sau 10 năm vật vã sáng tạo.

Những thăng trầm thời gian

Cuộc đời ông Thông cũng bao phen lên bờ xuống ruộng. Ông bảo đời ông gắn với những con số mà xoay ngược xoay xuôi cũng chẳng đổi, số 88 và 96, ứng với các năm 1988, 1996. Ấy là 2 năm ông ốm đau tơi tả phải nằm viện cả tháng mới phục hồi. Ông kể, sau khi rời quân ngũ, ông đi làm cho công ty nhà nước, được cử đi học đại học. Học xong, ông xông xáo ra thương trường làm kinh tế, bởi lúc đó đất nước đang mở cửa hội nhập. Thời kỳ đầu  cũng “phất” lắm, từng làm tới giám đốc, quản lý vài chục nhân viên. Nhưng rồi những tháng ngày huy hoàng cũng trôi qua mau, ông làm ăn thua lỗ, bị vỡ nợ, nhà cửa tài sản phải bán sạch, trắng tay. Cũng may lúc đó còn được ba mẹ cho miếng đất để dựng tạm cái nhà. 3 đứa con thì gửi mỗi đứa một nơi cho bà con nuôi giùm.

Hồi đó nghèo tới mức bữa cơm có 1 quả trứng gà, 2 vợ chồng phải chia đôi. Nhưng rồi dần dà cuộc sống cũng được vực dậy. Giờ thì ông chẳng giàu có gì, song cũng chẳng phải khổ, bởi 3 đứa con trưởng thành cả, lương của ông và vợ là giáo viên về hưu cũng tàng tàng đủ sống. Ông tâm sự rất thật: “Vợ con tớ không ủng hộ cái công trình này, bảo tốn thời gian, sức khỏe lắm. Đã có những lúc tớ định bỏ, nhưng mà tiếc không chịu được, hình như cuộc đời bắt tớ phải gắn bó với nó”. Thế là, ông lại thức đêm hôm lọ mọ làm cái đồng hồ âm dương. Khi cái món này ổn rồi, ông lại mày mò làm cái rubic học tiếng Việt cho trẻ. Ấy là một món đồ chơi, rubic xoay để trẻ vừa chơi, vừa học tiếng Việt, ghép vần, âm… theo những quy tắc. Ông tỏ ra rất thú vị với cái món “con nít” này. Thực ra để dán chữ nào trên mặt rubic quay, để ghép vần, học tiếng Việt hiệu quả là cả một quá trình mày mò, sáng tạo, như từ dùng của ông là nghĩ “nát óc” mới ra được.

Kinh tế khó khăn, ông Thông phải mua món rubic giá chỉ 10 ngàn đồng
để thí nghiệm cho sáng tạo của mình.

“Lão gàn” tâm sự, mong ước lớn nhất của ông giờ đây là tìm được đối tác để các sáng tạo này ứng dụng vào thực tiễn. Bởi có như thế mới chứng minh được cho vợ con biết việc đam mê sáng tạo của mình không phải vô bổ. Cũng bởi, ông muốn các sáng tạo này “đẻ” ra chút ít tiền để bù lại những tổn thất tinh thần, sức lực của mình sau hàng ngàn đêm trăn trở. Ông kể, lương của mình làm được đưa hết cho vợ, còn tiền mua dụng cụ làm các “món” này đều do tiết kiệm. Chẳng hạn đi xe từ đỉnh đèo về nhà thì ông để mo, không nổ máy để tiết kiệm xăng. Cũng vì cái kiểu tiết kiệm này mà đã 2 lần ông bị té xe, may mà có người đi đường đưa đi trạm xá kịp thời. Hoặc để làm được chiếc đồng hồ âm dương lịch phải có máy tính để vẽ, thế là ông mua cái ipad trả góp. Hoặc đơn cử mấy cái rubic, ông phải mua loại rẻ tiền khoảng 10 ngàn đồng/cái, từ nhựa thải của Trung Quốc, mỗi lần xoay đau rát cả tay. Nhưng mà để tìm ra nguyên lý dán được một chữ cái lên mặt rubic ông phải quay cả ngàn lượt, thậm chí vài ngàn lượt…

Chia tay người viết, “lão gàn” bảo 10 năm nay mình chẳng đi chơi ở đâu, cứ chúi đầu vào mấy “món” này. Dù ở tuổi ngũ tuần, nhưng ông thổ lộ vẫn muốn dồn sức lực còn lại để sáng tạo cho được bộ giải mã tiếng Việt trên rubic. Bởi chỉ tiếng Việt thần diệu mới ứng nghiệm hiệu quả trên rubic, chứ tiếng Anh không ăn thua. Và còn bởi, ông sợ rằng mình không còn nữa sẽ chẳng ai làm việc này.

Phóng sự: Hải Quỳnh