Người đi để lại nụ cười

Thứ tư, 09/02/2022 21:44

Không biết có phải bắt đầu từ cái đêm Du Tử Lê giao lưu với bằng hữu đầy cảm xúc hôm ấy hay không mà suốt nhiều năm tôi cứ lặng thầm nghĩ đến câu chuyện tình cảm sâu nặng, tri âm của những thi nhân giữa cuộc đời này. Trong giới văn chương xưa nay biết bao điều đáng nói, ngoài tác phẩm để lại cho đời sau còn rất nhiều điều quý giá từ trong cuộc sống đời thường của họ. Tôi may mắn được gần gũi và lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời ấy của không ít các nhà văn lớn mà tôi hằng ngưỡng mộ.

Nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Trọng Tạo Ảnh: NGUYỄN NGỌC HẠNH

Chỉ trong cái bấm máy bất chợt của đêm mưa Huế, chiếc Canon cà tàng của tôi đã lưu giữ được hình ảnh của hai nhà thơ đầy cảm xúc trước phút chia tay. Đây là một kỷ niệm sâu đậm khó quên trong buổi giao lưu Du Tử Lê và bằng hữu do Tạp chí Sông Hương, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế tổ chức lúc bấy giờ. Đêm ấy, trời mưa to, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ôm chầm Du Tử Lê bằng tất cả tình cảm, trong giây phút rung động tri âm, nụ cười của hai ông chứa chan tình bằng hữu văn chương, thật ấm áp. Ai ngờ chưa đầy ba năm sau, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời và tấm ảnh đó được các báo trong và ngoài nước sử dụng cho những bài viết đầy xúc động về cuộc chia tay tác giả “Khúc hát sông quê” với người hâm mộ. Có phải chính vì cảm xúc ấy mà trong bài thơ viết riêng cho Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Du Tử Lê đã gửi gắm những tri âm rất đồng điệu Sài Gòn: “Không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?/trên quê hương, đất nước của mình. nhưng tôi biết chúng ta đã gặp nhau giữa trái tim Sài Gòn/ chữ, nghĩa. hàng trăm năm trước, cả nghìn năm sau. (Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Thế là không hẹn hò mà hai nhà thơ lại cùng ra đi trong một năm. Hai ông đã gặp nhau giữa trái tim chữ nghĩa một thời mà họ hết lòng lưu giữ. Đầu năm 2019, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia tay “Khúc hát sông quê”, gần cuối năm nhà thơ Du Tử Lê cũng “bay về trời” yên nghỉ, chỉ còn thơ - ca và nụ cười bằng hữu với thi ca ở lại trần gian. Từ lâu, rất lâu rồi, Du Tử Lê luôn mang trong lòng nỗi nhớ quê bất tận. Ông đã từng mường tượng ngày quy cố hương từ lúc rời xa đất nước kia mà: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ hồn không đi sao trở lại quê nhà.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể lại với tôi, năm 2014, lần đầu tiên nhà thơ Du Tử Lê về thăm quê, sau khi gặp gỡ bạn bè thi hữu ở Sài Gòn, ông ra Hà Nội đến thăm nhà thơ Văn Cao, Hữu Loan, Huy Cận, Hoàng Cầm, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo... Nhiều buổi nói chuyện về thơ, giao lưu cùng bạn đọc yêu thích thơ của ông diễn ra sau đó. Du Tử Lê là người quan tâm đến văn học nước nhà, ông luôn tìm đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn trong nước và dành nhiều tình cảm quý trọng với những người ông yêu mến... Và, chính trong những lần giao lưu cùng bằng hữu của Du Tử Lê tại Huế lần này, tôi mới có dịp được gặp nhà thơ và có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời mình, đặc biệt được ngồi ghi chép và lưu giữ từng chi tiết những tình cảm tri âm của nhà thơ và quý giá hơn hết với tôi vẫn là nụ cười nhân hậu của hai ông trong bức ảnh này.

Thật lòng mà nói là tôi may mắn được gần với những tâm hồn lớn, cảm nhận từ lòng nhân ái, giản dị, chân tình của hai ông suốt nhiều năm từ ngày tôi mới in tập thơ đầu đời. Tôi nhớ mãi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi viết một bài bình về bài thơ “Viết ở Mỹ Sơn của tôi”, ông lấy một bút danh xa lạ, cho đến gần 10 năm sau khi quen thân với ông, tôi mới biết tác giả đó chính là Nguyễn Trọng Tạo. Hoặc trước ngày gặp nhà thơ Du Tử Lê, tôi được ông dành cho những lời giới thiệu trân trọng về thơ của mình trên các trang văn nghệ hải ngoại và đặc biệt được Du Tử Lê dành cho lời đề tựa trong tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” (Nxb Hội Nhà văn, 2018), đã mang lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc.  

Tác giả và nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: PHAN TUYỀN

Tôi không có ý định viết gì nhiều về sự nghiệp văn chương nhà thơ Du Tử Lê, lại càng không dám sa đà nhiều về mình, trong bài viết này mà tôi chỉ thầm mong nhớ lại nụ cười nhân hậu của hai ông trong đêm mưa ở Huế. “Người ra đi nụ cười ở lại/ chúng ta cũng có cười với nhau/ dù không đứa nào nói một lời gì/ sợ làm loãng khói, hương cuộc nhậu?”. Đó là những câu thơ mà Du Tử Lê viết chỉ vài ngày sau khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời. Mới đó thôi mà giờ đây, hai ông đã dắt nhau đi về bên kia thế giới, chỉ còn lại thi - ca và nụ cười đầy nhân ái hai nhà thơ gửi lại cho những người mến mộ...

Tôi còn nhớ trên đường lái xe đưa vợ chồng nhà thơ Du Tử Lê từ Huế vô Đà Nẵng để gặp các bạn làm thơ trẻ, ông đã kể về tình bằng hữu vô bờ của ông với nhà văn Mai Thảo, nhiều kỷ niệm của tình bạn tri âm này vẫn luôn hiện diện trong căn phòng làm việc của ông. Nhà thơ Du Tử Lê tâm sự rằng, bây giờ các nhà văn ít quý trọng nhau như ngày xưa, đôi khi họ còn xử sự với nhau nặng nề! Có một thời tình cảm của các nhà văn gắn bó thương yêu quý trọng như một mẫu mực trong đời sống văn chương. Một lần trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, ông cho rằng: “Nhà thơ Du Tử Lê là người luôn trân trọng bạn bè văn chương đích thực. Năm 2014 khi giới thiệu tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” của Du Tử Lê ở Hà Nội, ông mời tôi nói về thơ ông. Thơ Du Tử Lê vừa lãng mạn lại pha hiện đại, luôn tươi mới. Tôi đọc Du Tử Lê từ sau ngày thống nhất, nhưng mãi đến năm 2007 mới gặp được ông ở Sài Gòn trong một cuộc mạn đàm về thơ Việt Nam. Ông Lê rất thích cuốn Văn Cao người đi dọc biển của tôi. Năm 2017, khi sang quận Cam, Hoa Kỳ, tôi gặp lại ông vẫn nụ cười nhân ái, trân trọng quý mến nhau với tình bằng hữu sâu nặng ấy. Tôi đã từng sống với bạn bè văn chương như thế. Và, tôi thấm thía lắm. Còn hôm nay, giữa một thời biến động về kinh tế kéo theo cả đạo đức, nhân cách nữa, thói vô cảm, ích kỷ càng ngày càng lớn, biết bao giờ trở lại ngày xưa như hai câu thơ của Hồng Nguyên viết về các nhà văn ngày ấy: Thức cho trắng một đêm trường/ Ngàn năm chỉ chúng mình thương chúng mình. Thời nay tình cha con, tình anh em còn bị kinh tế chi phối, huống gì bằng hữu văn chương, bạc bẽo cũng là chuyện thường tình. Có phải cái nước mình nó thế như lời thầy Hoàng Ngọc Hiến sinh thời đã từng nói như vậy”.

Tôi đã gặp nhiều nhà thơ nổi tiếng, nhưng lúc nào họ cũng khiêm cung, thân ái với mọi người. Du Tử Lê là người như vậy, ông luôn nhỏ nhẹ từ tốn trong cư xử, nhất là đối với các bạn viết trẻ. Khác với nhiều người, tác phẩm không nhiều, viết chưa hay nhưng bất cứ nơi nào cũng cao giọng, thao thao bất tuyệt về mình. Có phải chính vì lòng nhân ái, tính nhân văn của một nhà thơ lớn mà cả trong tác phẩm và nhân cách ngoài đời của họ càng làm cho chúng ta kính yêu và ngưỡng mộ. 

NGUYỄN NGỌC HẠNH