Người hồi sinh sự sống cho trẻ sơ sinh

Thứ hai, 24/04/2017 08:54

(Cadn.com.vn) - Suốt 35 năm qua, bằng tình thương và sự tận tâm với nghề, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Long (Khoa Sơ cấp cứu, hồi sức tích cực và bệnh lý BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng) đã hồi sinh sự sống cho hàng ngàn trẻ thiếu tháng.Cô như người mẹ hiền của những trẻ sơ sinh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Long là một trong 20 gương mặt được vinh danh tại giải thưởng "Tỏa sáng Blouse trắng" năm 2016 vì những đóng góp cho ngành Y tế thành phố Đà Nẵng. Cô quê gốc ở Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp ngành Y vào năm 1983 đến nay, cô gắn bó với nghề điều dưỡng ở các bệnh viện tại Đà Nẵng. Từ đó đến nay, phụ trách việc chăm sóc, hỗ trợ, phục hồi cho trẻ sinh non, điều dưỡng Long đã nhiều lần "giải cứu" thành công những ca sinh nguy hiểm vì thiếu tháng.

Theo điều dưỡng Long, tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hầu hết 50% trẻ em sinh ra đều thiếu tháng. Đây là một trong những trường hợp gặp rất nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, khả năng phục hồi, phát triển của trẻ, thậm chí là tính mạng của cả mẹ và con. Vì thế, những trường hợp sinh thiếu tháng đều được BV ưu tiên chăm sóc đặc biệt.

Để hồi sinh sự sống cho những trẻ sinh non, điều dưỡng Long đã nghiên cứu, xây dựng thành công phương pháp ấp Kangaro. Với phương pháp này đòi hỏi bố mẹ phải thay nhau thực hiện 24/24 bằng cách ấp con vào sát lồng ngực; đồng thời hỗ trợ, vận động các chi để trẻ duy trì sự sống. "Trẻ em thiếu tháng, phổi sẽ chưa được hoàn thiện, cơ quan hô hấp chưa hoàn chỉnh nên rất cần sự hỗ trợ. Đặc biệt, với những trường hợp đó, mỡ dưới da chưa có nên cơ thể không thể tự giữ nhiệt nên ấp Kangaro sẽ giúp thân nhiệt, nhịp tim trẻ ổn định hơn", điều dưỡng Long giải thích. Từ đó, tên gọi "cô Long Kangaro" đã được các đồng nghiệp dành tặng cho điều dưỡng Long.

Suốt 30 năm qua, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Long đã hồi sinh sự sống cho hàng ngàn trẻ sinh non.

Đều đặn một tuần 3 lần, điều dưỡng Long trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn cho các cặp vợ chồng và người nhà có trẻ sinh non những kiến thức về phương pháp ấp Kangaro. Thực tế, có nhiều trường hợp nhờ áp dụng phương pháp ấp Kangaro mà trẻ sơ sinh đã níu giữ được sự sống. Điều dưỡng Long kể: "Một lần BV nhận một ca sinh rất khó khi người mẹ quê ở Đông Giang, Quảng Nam chỉ mang thai được 30 tuần. Việc sinh gặp rất nhiều nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng cả hai mẹ con. Tuy nhiên, bằng tất cả biện pháp, BV đã hỗ trợ người mẹ sinh thành công và sau đó hướng dẫn mẹ ngay lập tức ấp con bằng phương pháp Kangaro. Qua 8 tuần áp dụng, trẻ có dấu hiệu thích nghi và phát triển tốt nên bố mẹ đưa trẻ về nhà. Thế nhưng, vì thời tiết lạnh thất thường nên một tháng sau trẻ bị viêm phổi rất nguy kịch. Lúc này, bố mẹ trẻ gọi điện thoại xuống làm tôi cũng rất hoang mang, lo lắng liệu họ có rõ cách ấp con như đã được học hay không. Ngay lập tức tôi yêu cầu người mẹ phải ôm con sát vào lồng ngực, thực hiện đúng phương pháp ấp Kangaro trên đường đưa con đến BV. Rất mừng là người mẹ đã tiếp thu tốt nên khi đưa đến các bác sĩ đã dễ dàng cứu sống trẻ".

Điều dưỡng Long cũng đã phát động xây dựng chương trình "Tuần sữa mẹ" thông qua việc tư vấn, hướng dẫn bà mẹ cho con bú, vận động tặng sữa cho những bà mẹ thiếu sữa, hiến sữa xây dựng ngân hàng sữa mẹ. Cô thường xuyên tham gia giảng dạy về phương pháp chăm sóc trẻ sinh non tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… Ngoài giải thưởng "Tỏa sáng Blouse trắng" năm 2016, điều dưỡng Long còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố.

Bs Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, nhận xét: "Điều dưỡng Long chính là tấm gương sáng của những người khoác trên vai tấm áo Blouse. Những đóng góp của điều dưỡng Long thầm lặng, nhân văn, xuất phát từ chính ngọn lửa nghề đang cháy".

Phi Nông