Người “khắc ghi” hình ảnh bác hồ trong tim

Thứ hai, 18/05/2009 00:00

Ông Nguyễn Đức Vũ vẫn hằng ngày đọc, viết,
sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ. 

(Cadn.com.vn) - Hôm chúng tôi đến thăm, đại tá về hưu Nguyễn ĐứcVũ (nay đã 80 tuổi) ở thôn Nhan Biều 3 (Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) vừa mới đi viện mổ viêm túi mật về, sức khỏe còn yếu... Thế nhưng, khi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện xây nhà để thờ Bác, chuyện kháng chiến..., ông Vũ đột nhiên trở nên mạnh mẽ, ngồi trò chuyện với chúng tôi như một người khỏe mạnh bình thường. Và cứ thế, câu chuyện tuôn trào như thể ông đã chuẩn bị trước...

Bước vào “bảo tàng tư gia” của vị đại tá già, lòng tôi cảm thấy lâng lâng, xúc động trước tình cảm cao quý, thiêng liêng mà cả cuộc đời ông Vũ đã dành trọn cho Bác. Chuyện Nhà nước hay người dân tự bỏ tiền ra xây nhà làm nơi thờ tự Bác Hồ không phải là chuyện hiếm vì trong trái tim mỗi người Việt Nam, Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, Người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc. Nhưng ở ông còn có điều đặc biệt hơn trong nhiều câu chuyện, việc làm khiến bao người khâm phục, ngưỡng mộ. Chính giữa gian nhà, ông Vũ trịnh trọng đặt tượng Bác Hồ, bên trên là lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng với dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Hai bên tường, ông kính cẩn treo các khẩu hiệu: “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong sự nghiệp của Đảng ta”. Phía dưới bàn thờ của Bác là một tủ kính, bên trong có nhiều sách quý về Bác Hồ, những tài liệu về Đảng mà ông dày công sưu tầm được.

Người cựu chiến binh ấy may mắn được gặp Bác Hồ 2 lần trong đời. Ông nói đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời ông. Và ông đã nhân niềm hạnh phúc của mình lên bằng cách bỏ nhiều thời gian và công sức để sưu tầm và kể cho mọi người nghe hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về Bác, về Đảng. Đặc biệt, ông còn tự tay chép thành một tập vở dày hàng trăm trang đầy những bài viết về Bác, mẩu chuyện về Bác. Giở tập vở mà ông vừa mới chép ra (gần 200 bài về Bác), chúng tôi thật sự khâm phục bởi nét chữ rất đẹp, rõ ràng với nhiều bài hay, hấp dẫn mà ít ai có thể đọc được ở đâu đó. “Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện về Bác, nói về Đảng là ông ấy nói cả ngày cũng không hết. Những lúc ấy ông vui vẻ, phấn khởi lắm chẳng thiết ăn, thiết uống gì cả. Ông ấy khỏe mạnh được như bây giờ là nhờ tinh thần luôn vui vẻ, hằng ngày vẫn không ngừng học tập và làm theo tấm gương của Bác” - bà Lan, em gái ông góp chuyện với chúng tôi.

Thành kính thắp nén hương lên bàn thờ Bác Hồ, ông Vũ quay lại khoe với chúng tôi câu đối được khắc trên đá rất đẹp, gắn trang trọng ngay ở cửa ra vào của gian nhà. Ông giải thích: “Câu bên trái là Cổ nguyệt chiếu sơn hà (Vầng trăng xưa soi sáng núi sông). Còn câu bên phải là Sĩ tâm quang nhật nguyệt (Lòng kẻ sĩ sáng như mặt trời mặt trăng). Trong chữ Hán, hai chữ Cổ và Nguyệt nếu ghép lại với nhau sẽ ra chữ Hồ, chữ Sĩ nằm trên chữ Tâm là Chí, còn chữ Nhật ghép với chữ Nguyệt là ra chữ Minh. Cái thần của hai câu đối này là ở chỗ nó vừa hay, vừa ca ngợi Bác Hồ, kẻ sĩ ở đây là Bác Hồ”.

Thời kháng chiến, ông Vũ vốn là lính đặc công hoạt động ở quân khu Trị Thiên, đánh đấm suốt ngày, chuyện sống chết chẳng ai màng nghĩ tới. Mỗi khi ngớt tiếng súng, anh em lại ngồi quây quần kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ và khi ấy tinh thần ai cũng phấn chấn, khi xông trận, ai cũng hăng hái, xung phong đi đầu. Và ngay cả bây giờ, ông Vũ cũng xem đó như một liều thuốc cho ông có sức mạnh vượt qua những cơn đau những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ, mảnh đạn còn trên thân thể vẫn hành hạ ông. Ông ấp ủ dự định xây dựng một căn phòng để thờ Bác, để ông có thể chăm lo hương khói hằng ngày. “Tôi dành dụm tiền lương hưu của mình xây một gian nhà để thờ Bác. Để dành từ năm 2002 - 2006 mới thực hiện được, chọn đúng ngày sinh của Bác (19-5) để làm lễ khởi công và đến ngày 2-9 (ngày Quốc khánh) làm lễ khánh thành trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương cùng bà con hàng xóm”.

Người dân thôn Nhan Biều 3 vẫn thường gọi ông Vũ bằng cái tên thân mật pha lẫn khâm phục, kính trọng: “Ông Vũ đại tá”. Năm 1990, khi về hưu với cấp hàm đại tá, Nhà nước cấp cho ông một căn nhà rộng mặt tiền ở TP Huế để an dưỡng tuổi già, tặng ông nhiều dụng cụ sinh hoạt như xe đạp, quạt điện... nhưng ông từ chối với lý do đơn giản “mình có nhà ở quê rồi, tham lam gì nữa. Cả đời chinh chiến cũng đến lúc về quê hương để hương khói cho tổ tiên nữa chứ”. Ngày hôm sau, ông vác ba lô về quê. Ở quê, ông Vũ thấy vườn nhà mình rất rộng mà không làm gì cũng tiếc, thế là ông làm đơn gửi trả UBND xã 1.000m2 cho người khác làm ăn. Nhiều người khen ngợi ông hết lời nhưng cũng có kẻ mỉa mai, ông chỉ cười, rồi nói: “Bác Hồ đã dạy bộ đội đặc công không mê muội trước giàu sang, không lay chuyển trước nghèo hèn, không khuất phục trước khó khăn, uy vũ của kẻ thù. Tôi xem đó như là phương châm, là tôn chỉ để mình thực hiện theo thôi”.

Tiễn chúng tôi ra cổng, ông còn lưu luyến: “Khi nào rảnh các cháu vào đây chơi với bác, còn nhiều chuyện hay nữa về Bác Hồ mà bác chưa kể hết”. Trên đường về tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của “ông Vũ đại tá” và những việc làm đầy ý nghĩa của ông. Triệu triệu người Việt Nam yêu thương, tưởng nhớ đến Bác Hồ nhưng cách yêu Người cha già kính yêu của dân tộc của ông Vũ thì ít có, chắc phải xếp theo kiểu “xưa nay hiếm”.

Nguyễn Minh Đức