Người lưu giữ làng nghề gốm Phước Tích

Thứ năm, 28/12/2017 10:56

Đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Lê Phước Diễn ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, H.Phong Điền, TT-Huế vẫn ngày đêm sưu tầm và trưng bày hàng ngàn sản phẩm gốm của quê hương, nhằm nhắc nhở con cháu hãy trân trọng và lưu giữ nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi. Làng cổ Phước Tích thành lập năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông và làng được bao bọc toàn bộ bởi dòng sông Ô Lâu huyền thoại. Do không có ruộng đồng nên hàng trăm năm qua, dân làng lấy nghề làm gốm để mưu sinh. Theo nhiều bậc cao niên trong làng kể lại, chính vua Gia Long đặt tên cho làng là Phước Tích, và cứ hàng năm chiếu lệ trong lễ tiến vua, dân làng phải làm cái om bằng đất để nấu cơm cho vua dùng (gọi là om ngự). Từ khi hình thành, do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm bị gián đoạn nhiều lần. Sau năm 1975, gốm Phước Tích bắt đầu đỏ lửa trở lại sau thời gian dài ngừng hoạt động. Năm 1986 thì gốm Phước Tích lại đóng cửa, trở lại đến khoảng năm 1989 thì bắt đầu xuống dốc. Năm 1995, lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa...

Những vật dụng bằng gốm có niên đại hàng trăm năm được ông Diễn cất giữ cẩn thận.

Ông Diễn cho biết, ông bén duyên với nghề gốm khi mới 15 tuổi. "Lúc đầu, vì tuổi còn nhỏ nên việc nung gốm chủ yếu là phụ giúp ông nội, dần trở thành thói quen và tôi có niềm đam mê đặc biệt với nghề gốm khi nào không hay"- ông Diễn chia sẻ. Chính niềm đam mê làm gốm đã đưa ông Diễn trở thành một trong những người có tài nung gốm giỏi nhất trong vùng. Và ông cũng là người chứng kiến những nốt thăng trầm nghề gốm của làng. "Từ khi làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi tắt lửa, không chỉ tôi mà người dân trong làng rất buồn. Và điều may mắn là vào năm 2006, người dân vui mừng khi lò gốm đỏ lửa trở lại và sản phẩm thủ công truyền thống chính thức được giới thiệu đến du khách, công chúng khi lần đầu tiên tham gia Festival Huế". Từ đó đến nay, mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghề gốm Phước Tích đều tham gia giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa.

Trở về sau mỗi kỳ Festival, hàng ngàn sản phẩm gốm của ông Diễn lại được trưng bày trong căn nhà rường cổ với kiến trúc 3 gian 2 chái nằm cạnh sông Ô Lâu. Nơi đây trưng bày các sản phẩm đồ gốm Phước Tích do người dân trong vùng sản xuất như: gốm om, ấm, chén, cối tiêu, bình vôi, chum, lu... "Rất nhiều khách Tây ghé về đây tham quan. Dù họ nói mình không hiểu nhưng thấy họ tò mò, xem sản phẩm này đến sản phẩm khác với vẻ thích thú mình thấy vui lắm vì người nước ngoài mà vẫn biết đến gốm Phước Tích"- ông Diễn nói. Dẫn chúng tôi đến một chiếc kệ được bao cẩn thận bởi những lớp kính xung quanh, ông giới thiệu đây là bộ "om ngự", là sản phẩm được làng cổ Phước Tích làm để dâng lên nhà vua Nguyễn. "Những sản phẩm tiến vua đều phải được sản xuất theo một "dây chuyền" riêng biệt. Mỗi sản phẩm để sản xuất tiến vua được làm rất cẩn thận và công phu. Như nồi om tiến vua được sản xuất riêng, đất nung được tìm chọn kỹ càng và công đoạn sản xuất cũng vậy. Những sản phẩm tiến vua đều được nung riêng, nếu nung bị lỗi thì phải đập bỏ ngay chứ gia đình không được sử dụng để bán hay tận dụng trong sinh hoạt vì điều đó bị coi là phạm thượng"- ông Diễn kể. Theo ông Diễn, để phát triển trở lại nghề gốm Phước Tích rất khó khăn vì làng nghề thiếu những người thợ đam mê cũng như thị trường ngành gốm vốn rất khắc ngiệt. Bởi thế, trong ngôi làng vốn nhà nhà, người người làm gốm nay còn mỗi gia đình ông Diễn tiếp tục thắp lửa nung gốm theo cách truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, không còn sản xuất để bày bán thịnh hành như ngày xưa, nay ông chủ yếu làm những sản phẩm thu nhỏ với nhu cầu trang trí nhằm bán cho du khách đến tham quan. Trong những năm qua, ngoài sản xuất, trưng bày gốm, ông Diễn còn nhận dạy nghề và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trong làng nhằm "cứu" nghề gốm vốn nức tiếng trong vùng đang bị mai một theo thời gian. Học trò của ông hiện đã thông thạo nghề để tiếp tục kế nghiệp, đưa hình ảnh gốm Phước Tích đến với người dân và du khách gần xa. "Nghề gốm trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, có nhiều lần cả làng không còn được nghe mùi khói nhóm lò nữa. Những lúc như thế ai nấy đều xót xa, thương tiếc cho nghề gốm, nghề đã nuôi lớn những con người nơi đây. Tôi cũng luôn mong mỏi làm thế nào để khôi phục phát triển trở lại nghề gốm truyền thống của làng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ nghề trong điều kiện có thể" - ông Diễn thổ lộ.

Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết, ông Diễn là một trong những người có công giữ lại nghề gốm của làng. Trong đó, nhà trưng bày đồ gốm của ông đáng được tuyên dương và đã trở thành một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi về làng Phước Tích.

H.LAN-D.ANH