Người nợ tiền đất lao đao

Thứ ba, 26/02/2019 09:53

Ngày 11-2-2019 (mồng 7 Tết) là  ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá dài, nhiều người dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC) đến nộp tiền trả nợ bỗng “chết đứng” khi được biết UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới, quyết định có hiệu lực đúng vào ngày này và nếu muốn trả nợ thì họ phải nộp tiền theo cách áp giá mới của thành phố.

Các hộ dân tổ 19 lo lắng về khoản nợ tiền đất theo giá mới.

Chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho hay, theo Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được UBND tỉnh xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần, công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ.

Trước đây Đà Nẵng thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND ngày 20-12-2016, áp dụng kể từ ngày 1-1-2017. Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản có nhiều biến động, có một số khu vực biến động rất lớn. Ngoài ra, trong năm 2017 trên địa bàn thành phố đã tiến hành đặt mới tên đường một số tuyến đường, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.

Liên quan đến ý kiến người dân nợ đất tái định cư phản ảnh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, ông Hùng cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án. Đó là trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân với đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ gốc hoặc trả nợ theo giá quy định  hiện hành.

Khi được hỏi trước tình thế hiện tại của người dân, thành phố có phương án cụ thể nào để giải quyết, ông Hùng cho hay UBND thành phố đã có một số văn bản liên quan đến chính sách thu nợ tiền sử dụng đất đối với trường hợp tái định cư. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vào ngày 7-8-2017, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 3986/BTC-QLCS ngày 27-3-2017. Cụ thể: Đối với các hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất tái định cư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đến trước ngày 1-3-2018 thì được phép tiếp trục trả nợ theo số nợ đã ghi. Sau ngày 1-3-2018, các hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất phải trả nợ tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Đối với các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-7-2007 thì số tiền sử dụng đất phải nộp được xác định bằng cách quy đổi đã ghi nợ bằng vàng 98% theo giá đất tại thời điểm ngày 1-7-2007 (1.260.000 đồng/chỉ). Đối với các trường hợp ghi nợ từ ngày 1-7-2007 trở đi thì số tiền sử dụng đất phải nộp là số tiền đã ghi nợ.

“Đối với các hộ gia đình bị giải tỏa và nợ tiền đất tái định cư quá hạn 5 năm, thành phố đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan. Trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố thực hiện việc thu nợ tiền sử dụng đất tái định cư theo đúng quy định tại Nghị định 45/2014. Do đó, vấn đề này phải đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng cho hay.

CÔNG KHANH

Quá sốc với giá đất mới

Bao quanh khu hoa viên Nại Thịnh Đông (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có khoảng 100 hộ dân thuộc các tổ 19, 20 cả tuần nay buồn ngơ ngác. Ngồi nơi nào cũng nghe bà con than thở: “Đất chi mà lên dữ rứa trời, tiền đâu mà trả chừ đây”.

Chỉ tay về phía cầu Sông Hàn đang tấp nập người, xe qua lại, ông Huỳnh Luyến (75 tuổi, trú tổ 19 Nại Thịnh Đông, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà-ĐN) nói: Nhà tui hồi đó ở An Đồn, P. An Hải Bắc, ở ngay đầu cầu Sông Hàn kia, năm 1998 được thành phố vận động giải tỏa để làm đường, xây cầu và được di dời về đây. Tui được đền bù tổng cộng khoảng 11, 12 triệu đồng và được mua lại lô đất TĐC này giá 28 triệu đồng, do không có tiền trả ngay nên nợ 100%, quy đổi ra vàng là nợ 59 chỉ vàng nhưng tiền đâu mà trả. Nhà có 60m2, ở chung 4 hộ cả con cháu tổng cộng 11 người, tui già rồi không làm ra tiền, con thì đứa đi biển, đứa làm công nhân, đồng lương cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, không thể trả nợ nổi nên mới phải để đến bây giờ. Theo giá đất quy định năm 2018 thì đất ở đây khoảng 2,5 triệu đồng/m2,  số nợ tiền đất của ông là khoảng 150 triệu đồng, còn theo giá đất mới thì số nợ lên đến khoảng 1 tỷ đồng, tiền đâu mà trả…

Trường hợp ông Luyến cũng là hoàn cảnh chung của phần lớn các hộ dân các tổ 19, 20 P. Nại Hiên Đông, ở đây, số hộ dân nợ tiền đất TĐC chiếm khoảng 80-90% số hộ trong tổ vì hầu hết đều là hộ nghèo hoặc vừa thoát nghèo, chủ yếu là lao động nghề biển, lao động phổ thông, làm thuê, làm công nhân, thu nhập vừa thấp, vừa không ổn định, không có tiền để trả nợ. “Nếu trả khoảng 150 triệu đồng theo giá năm 2018 thì tui cũng cố gắng động viên con cháu vay mượn mà trả chứ giá theo quy định mới thì chịu. Mà có lẽ đến đời con, cháu tui cũng không trả nổi”.

Hộ ông Đặng Ngọc Anh cũng ở tổ 19 gồm 10 người, gồm 3 cặp vợ chồng con cái trong căn nhà 60m2. Trước khi giải tỏa, gia đình ông ở khu vực Nại Tú, P. Nại Hiên Đông, giải tỏa được đền bù 38 triệu đồng mà tiền đất hết 28 triệu đồng, ông đành để tiền làm nhà lấy chỗ ở cho vợ con, còn tiền đất đành phải nhận nợ số vàng khoảng 59 chỉ. “Cả khu này hầu như nhà nào cũng diện tích gần như nhau, số tiền nợ giống nhau và hầu hết đều chưa trả được nợ. Chừ nghe nói phải trả nợ theo giá mới, mấy ngày liền tui ăn không được, ngủ không được, tiền đâu mà trả. Chỉ có nước bán nhà đi trả nợ nhưng rồi ở đâu…”, vợ ông Anh buồn bã  nói.

Hộ bà Huỳnh Thị Gạo (88 tuổi) càng bi đát hơn, năm 1999, khi giải tỏa từ khu vực An Đồn (P. An Hải Bắc) bà được đền bù tổng cộng 4,7 triệu đồng, tiền mua đất lại là 28 triệu đồng, không có tiền trả nên nợ tiền đất TĐC 100%, quy ra vàng như các hộ vừa nêu. Chị Mai Thị Kim Cúc (cháu dâu, hiện đang ở cùng bà Gạo) than thở: Nợ tiền làm nhà đến nay còn chưa trả hết, chừ tiền đất cao như ri làm sao trả nổi. Chị Cúc làm thuê dưới bến cá, thu nhập khoảng 150 ngàn đến 200 ngàn đồng/ngày, chồng lao động phổ thông, nuôi 2 con nhỏ và bà nội, khả năng trả nợ càng xa vời.

Ông Đỗ Em, Chi hội trưởng nông dân khu vực Nại Thịnh Đông cho biết: Trong khu vực đa số là hộ nghèo, làm thuê, kinh tế khó khăn, người đi làm công nhân thì lương được 5,6 triệu đồng. Người đi biển thì thu nhập bấp bênh, như năm 2018, thời tiết không thuận lợi, nghề biển thất thu khiến nhiều hộ phải đi vay nợ bên ngoài để sống qua ngày. Thu nhập như vậy thì biết bao giờ mới trả được nợ. Ông Đỗ Em cũng cho rằng quyết định tăng giá đất như vừa rồi là quá bất ngờ, người dân trở tay không kịp. Ông mong thành phố  cho người dân được trả nợ theo giá vàng hoặc  giữ nguyên mức giá đất năm 2018 để họ có thể trả nợ và cũng cần quy định thời hạn để người dân có sự chuẩn bị chứ bất ngờ, gấp rút thế này khiến người dân rất hoang mang, bức xúc.

Lối thoát nào cho người dân nợ tiền đất TĐC?

Qua khảo sát của phóng viên, phần lớn những người dân hiện còn nợ tiền đất TĐC đều rất khó khăn, khó có khả năng trả nợ chứ không phải “chây ì”, “có tiền không chịu trả”... như phát biểu của một số cá nhân trên mạng xã hội. Có thể những người này chưa bao giờ tiếp xúc hoặc biết về hoàn cảnh thực sự của những người dân nợ tiền đất TĐC; chưa hiểu được cái khó của người dân khi nhận khoản nợ tiền đất quy ra vàng.

Thực tế thì người dân nào cũng muốn có cuốn sổ đỏ của mảnh đất mà mình đang sở hữu chứ chẳng muốn nợ nần dây dưa nhưng những người nợ tiền đất TĐC ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng đuối sức với việc tăng của giá vàng, giá đất. Chẳng hạn hộ ông Luyến nợ 28 triệu đồng, quy ra số vàng nợ là 59 chỉ, ngay sau khi nhận nợ thì ông phải trả nợ theo giá thị trường của 59 chỉ vàng chứ không phải là 28 triệu đồng như ban đầu. Ngay sau thời điểm nhận nợ, giá vàng tăng phi mã, từ 600 ngàn đồng/chỉ lên 2,5 triệu đồng rồi 3,5 triệu đồng, có lúc đến hơn 4 triệu đồng/chỉ, vậy là từ khoản nợ 28 triệu đồng ban đầu đã thành trên dưới 200 triệu đồng. Chưa kịp gom đủ số tiền để  trả nợ theo giá vàng thì đã hết thời hạn 10 năm nợ, người dân lại phải trả theo giá đất quy định... cứ như vậy, việc trả nợ cứ luôn vượt quá khả năng của họ và trôi dài.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà thì toàn quận có khoảng 1.000 hồ sơ người dân nợ tiền SDĐ quá hạn, đứng tốp đầu các quận, huyện của TP. “Việc áp dụng giá đất mới là đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với người dân TĐC nợ tiền SDĐ mà áp dụng giá này thì quá tội nghiệp” – ông Hùng nói.

K.T