Người nữ TNXP năm ấy!
(Cadn.com.vn) - Những năm 1971-1973, Quảng Nam-Đà Nẵng bị địch càn quét dữ dội, hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống mảnh đất này gây bao đau thương tang tóc. Năm 1972, cô gái Lê Thị Bốn, 17 tuổi, quê Phú Thọ (H.Quế Sơn) tình nguyện lên đường tham gia TNXP, hoạt động tại đơn vị vận chuyển Ban Tài mậu Khu 5 phục vụ cho các đơn vị chiến đấu, cơ quan ban ngành ở Bắc Trà My. Tuy nơi chị đóng quân không phải là chiến trường ác liệt nhất nhưng hằng ngày chị vẫn chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trên đường vận tải. Chị từng nhiều lần tự tay chôn cất cho đồng đội và cũng từ đau thương đó, ý chí, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng là động lực giúp chị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong ký ức của chị ngày Tết đơn vị ngày ấy vui lắm. Do ở cách xa đồn địch nên các chị được phép đốt lửa, bên ánh lửa bập bùng, rộn vang tiếng hát, điệu múa của văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu và cả những người lính. Bánh tét, bánh ít được tự tay chị em gói ghém chứa đựng tình đồng chí, đồng đội nồng ấm. Các ngày lễ lớn, chị em còn được tổ chức cắm trại tại địa điểm đóng quân. Trong rừng sâu, giữa khói bom lửa đạn, thiếu thốn vô vàn nhưng nụ cười của những TNXP năm ấy luôn rạng rỡ, tin yêu... Sau này, mỗi khi gặp mặt cựu chiến binh, những kỷ niệm ấy luôn là câu chuyện không bao giờ dứt.
Chị là em út trong tổ 4 do chị Trần Thị Hiệp làm tổ trưởng, được đơn vị phân công làm cấp dưỡng. Hằng ngày nhìn đồng đội phải thồ cả tạ hàng hóa trên chiếc xe đạp cọc cạch vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng... chị thương lắm. Chị tìm hái nấm, rau, măng rừng, xuống suối bắt cá, đảm bảo bữa ăn thêm chất tươi rau, quả để đồng đội có đủ sức khỏe trong suốt mùa chiến dịch. Ngày hai bữa "ít gạo nhiều sắn", sáng thì ăn bắp cho qua bữa, chỉ rau và ít thịt cá từ tăng gia sản xuất nhưng nhờ tài nấu nướng và tinh thần vượt khó, thực đơn cho anh em luôn được thay đổi đa dạng, đảm bảo chất và lượng bữa ăn cho hơn 100 người...
Chị Lê Thị Bốn bên những tấm Huân, Huy chương Nhà nước trao tặng. |
Sau ngày đất nước giải phóng tháng 4-1975, chị vinh dự được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huy chương Giải phóng hạng Nhì. Ngày hòa bình, trở về quê hương khi vừa tròn 20 tuổi-cái tuổi ngời ngời xuân sắc, ấy vậy mà chị chưa dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Ba chị-một tù chính trị Côn Đảo năm 1970, khi trở về đau ốm liên miên. Mẹ đã ngoài 50 tuổi, đàn em thì nheo nhóc, chị phải cáng đáng cả gia đình nên tuổi xuân cứ dần qua. Giờ chị vẫn ở vậy lặng lẽ lo cho những đứa cháu ăn học. Trên mảnh đất cằn cỗi, chị khai hoang làm lúa, kham 2 công ruộng, trồng keo lá tràm. Làm ăn có chút dư dả, chị lại lo cho những gia đình còn nghèo khó trong thôn, trong xã. Chị nuôi bò có lúc lên đến 10 con, bò đẻ lại cho con giống để bà con chăn nuôi giúp họ làm kế sinh nhai. Vài đứa trẻ trong thôn không có điều kiện đi học được chị giúp đỡ đến trường, xem chị như người mẹ thứ hai của mình.
Năm 2009, xã Phú Thọ đẩy mạnh phong trào bê tông hóa, xây dựng nông thôn mới, chị Bốn là một trong những người có công xây dựng tuyến đường liên thôn dài 500m. Chị chia sẻ: "Quê mình toàn đường núi, trời nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt. Nhìn các cháu học sinh đi học về lấm lem bụi đất thấy mà thương càng thôi thúc tôi đóng góp cải tạo tuyến đường này". Nay tuổi đã "lục tuần", chị vẫn còn miệt mài với công việc, tận tâm giúp đỡ người nghèo, góp phần xây dựng quê hương. Chị tâm niệm, sau đạn bom chiến tranh mình may mắn được sống, đó là niềm hạnh phúc nên phải làm việc và cống hiến nhiều hơn cho gia đình, quê hương để xứng đáng với đồng đội đã ngã xuống vì bình yên trên mảnh đất này.
Thảo Nguyên-Thùy Trang