Người Quảng Trị
(Cadn.com.vn) - 1. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève chia cắt nước ta thành hai miền ở vĩ tuyến 17. Sông Hiền Lương, con sông có cái tên hiền lành "mềm như lá lúa" ấy, bỗng trở thành con sông dữ, chia cắt tỉnh Quảng Trị, chia cắt đất nước làm đôi. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị ở bắc sông Hiền Lương, được gọi là Đặc Khu Vĩnh Linh. Thời bao cấp, khi hai miền còn chia cắt, cuộc sống dân Vĩnh Linh no đủ lắm. Vì là "đầu cầu giới tuyến", để thể hiện tính "ưu việt" của chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên được nhà nước có chính sách ưu tiên rất nhiều.
Không đến nỗi vất vả, khó khăn thiếu thốn như các tỉnh khác. Đồng ruộng lúc nào cũng máy cày đỏ chót chạy suốt ngày đêm. Loa phóng thanh được mắc đến từng thôn xã. Dọc sông Hiền Lương là nơi được ưu tiên nhất vì đối diện với bờ bên kia là miền Nam. Cứ mỗi lần đài giới thiệu nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ là dân làng cả hai bờ sông Hiền Lương đều náo nức tập trung để nghe. Vì Châu Loan là người xã Vĩnh Giang ở ngay bờ bắc sông Hiền Lương. Bà có giọng ngâm thơ đầy ma lực. Cái làng ấy là "làng nghệ sĩ". Sau này có nghệ sĩ ưu tú Kim Quý, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng... cũng con em cái "làng nghệ sĩ" ấy.
Làng biển Thượng Luật, quê nội của tôi ở góc biển Nam Quảng Bình, cách quê ngoại Vĩnh Linh 20 cây số. Thời chiến tranh chống Mỹ, bom nổ ở Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, làng tôi nghe rất rõ. Những lúc ấy, mạ tôi thường ra sân đứng chắp tay vái về hướng Nam hàng giờ, hướng quê ngoại tôi, cầu mong cho bà con trong ấy yên lành. Rồi mạ vào nhà vừa ngồi ngoáy trầu vừa khóc. Quê nội tôi có Đại đội pháo binh nữ anh hùng (gọi là C Gái). Đơn vị này, vào năm 1971, đã đẩy pháo vào Vĩnh Linh để pháo kích sang cứ điểm địch ở Cồn Tiên- Dốc Miều hỗ trợ cho quân dân Quảng Trị đánh giặc trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Tham quan di tích cầu Hiền Lương vĩ tuyến 17. |
2. Vì Quảng Trị là quê ngoại nên lớn lên tôi thân quen rất nhiều người Quảng Trị. Hồi sinh viên Đại học Thương Nghiệp Hà Nội, tôi chơi thân với anh Võ Văn Đảm, học khóa 2, hơn tôi 2 tuổi, quê Vĩnh Giang, Lê Văn Trung học khóa 6, nhỏ hơn tôi 3 tuổi, quê Vĩnh Nam. Trong sách hồi ức "100 ngày vượt Trường Sơn", tôi đã viết về Võ Văn Đảm và Lê Văn Trung. Hồi vượt Trường Sơn, Trung mới 20 tuổi, đang học năm thứ hai Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Trung giỏi kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hư. Đêm ở "bãi khách", sau khi mắc võng xong là Trung đi kể chuyện Tam Quốc diễn nghĩa, lấy thù lao bằng thuốc lào để mang về cho anh em trong trung đội xài. Trung chiến đấu đến cuối tháng 4-1975. Ngày 29-4, Trung đoàn độc lập 205 của Lê Văn Trung là mũi chủ lực đánh từ Long An lên giải phóng Sài Gòn và Trung tử trận. Tôi đã khóc hu hu khi nghe tin. Ôi, chỉ còn một ngày nữa thôi là hòa bình, là được về với mạ Vĩnh Linh, về lại giảng đường hại học...
Còn Võ Văn Đảm sinh ra bên sông Hiền Lương mà đến năm 1972, 24 tuổi, Đảm vẫn chưa bao giờ qua cầu Hiền Lương. Tháng 9-1972, tôi và Đảm, Trung nhập ngũ từ Trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội cùng hơn 30 sinh viên khác. Sau 3 tháng "đeo đá" tập leo núi, vượt rừng trên đất Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, đầu tháng 1-1973, chúng tôi được trên phổ biến là sắp đi B. Mấy đứa bàn nhau việc "cấp bách" trước khi lên đường là chúng tôi phải tổ chức đám cưới cho đôi uyên ương Đảm- Quỳnh.
Chị Đỗ Thị Quỳnh người Thái Nguyên, vóc người mảnh khảnh, hay cười, học lớp Công nghệ phẩm khóa 2 Trường Đại học Thương Nghiệp, trước tôi hai năm. Chị và Đảm yêu nhau thắm thiết ba bốn năm, hứa hẹn dắt nhau vượt qua bom đạn vào tận xã Vĩnh Giang bên bờ sông Hiền Lương thăm mẹ, thăm bà con Vĩnh Linh nằm hầm đánh giặc. Đám cưới Quỳnh -Đảm được tổ chức tại Cửa hàng Bách Hóa thành phố Thái Nguyên, nơi chị Quỳnh công tác. Đám cưới thời chiến tranh nhưng cũng đàng hoàng lắm. Sau đám cưới, chị Quỳnh theo Đảm về Lương Phú, Phú Bình. Để có phòng tân hôn cho hai người, chúng tôi lấy tấm bảng lớp học của Trường cấp I đầu thôn, kê lên bàn học trò, trải chiếu chăn bộ đội, tăng võng mới phát đi B quây xung quanh rồi đẩy hai người vào.
Sáng sớm ra, mấy đứa lại đập cửa đánh thức đôi uyên ương dậy, lại kê trả lại bàn ghế cho học sinh đến lớp. Phòng tân hôn "dã chiến" ấy hoạt động được hai đêm thì có lệnh hành quân. Thế mà Đảm đã kịp để lại cho vợ đứa con. Trước khi chia tay lên xe ở sân ga Phổ Yên, Đảm dặn vợ rằng nếu có thai sinh con gái thì đặt tên Giang, sinh con trai thì đặt tên là Vĩnh. Vĩnh Giang là tên xã của Đảm. Cô gái Võ Thị Hồng Giang sinh năm 1973, nay đã là bà mẹ hai con ở thành phố Thái Nguyên. Cách đây 10 năm, vợ chồng cháu Giang đã vào tận Huế tìm nhà tôi để tìm hiểu thêm về ba Đảm. Tôi lục hết "Nhật ký Trường Sơn", ảnh lưu ra, cháu vừa xem vừa khóc...
Dọc đường vượt Trường Sơn, khi qua địa phận Hướng Hóa, nghe anh giao liên cho biết đây là sông Sêbănghiêng. Con sông này, trước khi mang nước ngược sang đất Lào, nó chảy qua thung lũng Cù Bai, trở thành đầu nguồn sông Hiền Lương, Bến Hải,... Đảm nghe nói, nước mắt giàn giụa, rồi khóc hu hu như trẻ con. Đảm bảo sông Sêbănghiêng là đầu nguồn sông Hiền Lương, con sông giới tuyến. Nhà Đảm ở xã Vĩnh Giang, ngay sát bờ bắc sông. Chỉ mấy chục cây số thôi là đến nhà. Thế mà Đảm chưa một lần qua cầu Hiền Lương. Đến tuổi bộ đội phải vượt sông bằng đường Trường Sơn! Đảm xúc động cởi quần áo, nhảy ùm xuống sông, rồi ngẩng lên, hướng về phía Đông, gọi to: "Mạ ơi, con vô đến sông Hiền Lương đây rồi! Đánh xong giặc con về với mạ!". Mấy đứa chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Chao ôi, Đảm phải đi cả ngàn cây số Trường Sơn, vào tận miền Đông Nam Bộ, đánh giặc xong rồi, nếu còn sống lại đi ra cả ngàn cây số nữa để qua cầu Hiền Lương về với mạ. Giờ đây chỉ vài chục cây số thôi mà không sao về thăm nhà... Tối, tôi lại bấm đèn pin ghi vội mấy dòng thơ tặng Đảm:
Ơi nhịp cầu tuổi thơ
Hiền Lương xanh con nắng
Xót xa bao lời Đảm
Nhịp cầu thời trẻ thơ
Mình chưa lần được sang...
Đảm ơi còn nhớ không
Dìu nhau chiều vượt dốc
Đầu nguồn Sêbănghiêng
Giấc mưa rừng rỉ rắc
Trắng đêm mé làng Ho
Ngo ngoe vời sên vắt
Hát đỡ cơn thèm thuốc
Đầu võng nối cây rừng
Ta nối với Cửa Tùng
Sông vọng lời quê kiểng...
Năm 1973, Đảm, Trung phiên chế vào Trung đoàn độc lập 205. Trung đoàn đang chiến đấu chống địch lấn chiếm, bảo vệ Hiệp định Paris ở Gia Nghĩa (Đắc Nông ngày nay). Đảm là tiểu đội trưởng. Khi trung đội trưởng và trung đội phó hy sinh, Võ Văn Đảm đã đứng lên, thay chỉ huy, động viên anh em đánh địch. Rồi Đảm bị dính đạn M79 hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ...
3.Tôi đi bộ đội vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Mới tuần đầu tiên đặt chân đến đất Lộc Ninh, "Miền Đông gian lao mà anh dũng", tôi đã gặp mấy chị người Quảng Trị, tù binh được chính quyền Sài Gòn trao trả khi thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam 1973. Đó là chị Hồng, chị Ngân, chị Hương. Chị Ngân hiện còn sống ở Khu chung cư Đống Đa, Huế. Tôi đã viết bài hồi ức rất xúc động về các chị có tựa đề "Đêm nói tiếng Quảng Trị ở Lộc Ninh". Gần 40 năm sống ở Huế, tôi chơi rất thân thiết với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Trương Bé, NSƯT Kim Quý, NSND Xuân Đàm, kỹ sư xây dựng Phùng Thế Ủy, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Xuân Đức, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, nhà văn Cao Hạnh, nhà văn Nhất Lâm, rồi Phan Văn Quang, Xuân Lợi, Đức Tiên, Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến... những người Quảng Trị tài hoa và khí khái.
Ký: Ngô Minh