Người tâm huyết 20 năm sưu tầm cổ vật

Thứ bảy, 19/10/2019 11:58

Dày công sưu tầm và hiến tặng nhiều cổ vật quý báu cho Bảo tàng, Nhà lưu niệm, góp phần làm nên thành công tại các triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam", nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh (trú thị trấn Châu Ổ, H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã có 20 năm sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn đồ cổ. Bảo tàng thu nhỏ hơn 1.000 hiện vật được trưng bày của ông đã góp phần lưu giữ một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.



Nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh và hiện vật được trưng bày.

"Hiện giờ người ta sưu tầm những cái bóng loáng, hào nhoáng, đẹp và dễ giao lưu hơn thì đối với riêng tôi thích những cái gì nó cổ xưa, của quê hương mình tôi cố gắng bằng tâm huyết của mình mà cố sưu tầm và giữ lại", chia sẻ về niềm đam mê của mình, ông Lâm Dũ Xênh tâm sự.

Ông Xênh cho biết: "Trong ngôi nhà cổ này tôi sắp xếp và trưng bày hơn 1.000 hiện vật, nhưng nổi bật nhất là nền gốm Mỹ Thiện Châu Ổ, là dòng gốm lâu đời tại địa phương này hơn 200 năm tuổi. Dòng gốm này có đặc điểm phục vụ dân dụng, phục vụ đời sống chủ yếu cho đồng bào Tây Nguyên".

Bén duyên với nghề sưu tầm cổ vật hơn 20 năm, đến nay, ông Lâm Dũ Xênh được biết đến là người gìn giữ những giá trị văn hóa thuộc về quê hương, biển đảo, những mảnh vỡ chìm tàu, di tích Hoàng Sa, Trường Sa và 4 nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là nền văn hóa Sa Huỳnh và gốm Mỹ Thiện, một nét đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi. Ông Xênh khẳng định: "Đối với gốm Sa Huỳnh thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh thì có nhiều loại: đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, đặc biệt là đồ trang sức. Và đây là một bình gốm đặc biệt ở gốm Sa Huỳnh của Bình Châu là nó có một viền chì, mọi người hãy tưởng tượng cách đây mấy nghìn năm mà người ta làm được như vậy, hoàn toàn bằng thủ công, rất độc đáo".

Để có được những cổ vật quý báu, độc nhất vô nhị có niên đại từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm, đối với ông Xênh là một hành trình lắm gian nan. Bên cạnh việc trưng bày, bảo tồn tại nhà lưu giữ, ông còn trao tặng nhiều cổ vật cho Nhà lưu niệm, Bảo tàng khắp cả nước, bởi lẽ theo ông, chỉ có trao tặng thì những cổ vật ấy mới được bảo tồn, lưu giữ qua nhiều thế hệ.

"Việc sưu tầm cũng rất là công phu, tốn nhiều thời gian đi học hỏi những người bạn nghiên cứu sưu tầm, thì mất phải từ 17 đến 20 chục năm ròng thì mới có thể sưu tập, gìn giữ đến ngày hôm nay. Không có gì vui hơn khi được cống hiến một chút sức lực của mình để bảo tồn văn hóa của quê hương", ông Lâm Dũ Xênh cho biết thêm.

Bằng tâm huyết và niềm đam mê của mình, ngày qua ngày, ông Xênh đều dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của từng hiện vật. Và với hơn 1.000 cổ vật được trưng bày tại đây như đã tái hiện nên một không gian văn hóa lịch sử đa sắc màu, góp phần giới thiệu đến công chúng những cổ vật vô cùng độc đáo.

TRUNG THÀNH