Người thương binh năm ấy
(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Tám (Tám Túc) nay đã ở tuổi 80, là phó Chủ tịch Hội tù yêu nước, Hội Người cao tuổi xã Tam Hiệp, H. Núi Thành (Quảng Nam), trong kháng chiến chống Mỹ là Trại trưởng thương binh A1 thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam. Dù tuổi cao nhưng trí nhớ của ông rất sâu đậm về những kỷ niệm, một thời oanh liệt...
Thời kỳ 1969-1972 chiến tranh giữa ta và địch ngày càng khốc liệt, mỗi tháng hàng trăm thương binh từ các đơn vị chiến đấu trong tỉnh chuyển đến trại thương binh ngày càng tăng. Thương binh nhẹ, sức khỏe hồi phục nhanh thì đưa lại đơn vị tiếp tục chiến đấu, thương binh nặng, ban quản lý trại chuyển về địa phương, nếu quá nặng phải chuyển về hậu phương lớn (miền Bắc). Có hôm, bất ngờ nhận lệnh, chúng tôi phải tiếp nhiều thương binh nặng giữa đêm khuya, rất lo ngại. Có lần, sau khi đón anh em vào trại, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vì đa số không có ai nguy kịch, chỉ có gãy xương ống chân, cẳng tay... Làm xong thủ tục nhập trại, tôi thấy mệt nhoài, nhưng chưa thể nghỉ ngơi được ngay, vì lo có thương binh bị ốm đột xuất!
Cụ Nguyễn Tám (Tám Túc) đang kể lại chuyện về người thương binh năm ấy. |
Sáng hôm sau, khi ánh nắng nhạt nhòa yếu ớt giữa tháng 10 chưa xua tan màn sương sớm, tôi chuyển 20 thương binh về miền Bắc an dưỡng. Bỗng có người gọi tôi: “Anh Tám, anh Tám! Có thương binh về thêm trại mình”. Tôi sực nhớ ngày hẹn nhận thương binh đã đến. Tiếp nhận thương binh mới, đa số đi nạng, số được khiêng trên võng. Các anh đều thấm mệt, tôi xúc động nhìn từng gương mặt và đưa tay bắt, vừa an ủi, động viên, chúc anh em nghỉ tại trại chóng bình phục. Một thương binh nói: “Tôi bị sưng tay, trầy tróc cả nách và hông vì phải đi nạng qua đường rừng dài ngày; đau buốt cả người thủ trưởng ơi!”. Bỗng, tôi gặp một thanh niên chừng dưới tuổi hai mươi, cầm một chiếc nạng gỗ và nói: “Anh em đi đường bằng nạng gỗ quá khó khăn, qua thử thách này, sắp đến em sẽ tìm cách, làm chân giả để anh em tự đi lại, không phải tốn người khiêng mỗi khi di chuyển. Thủ trưởng có tin em không?”!
Tôi thầm nghĩ, người thanh niên có đôi mắt và gương mặt sáng, hy vọng anh sẽ làm đươc việc có ích cho cuộc sống, hay ít ra cũng giúp những gì có thể trong trại thương binh này. Trong trại, các anh còn rất trẻ nhưng người thì mất chân, mất tay, có anh đầu quấn lớp băng dày chưa kịp thay, máu thấm ra ngoài khô cứng. Tôi thấy lòng mình trào dâng bao nỗi thương cảm! Phía góc lán trại, một anh thương binh nặng bị gãy xương đùi, phải bó bột từ thắt lưng xuống, bàn tay phải của anh bị gãy 1 ngón; gương mặt anh tái nhợt vì đau đớn, nhưng khi tôi đến thăm hỏi, anh vẫn cười tươi làm tôi cảm động vô cùng! Nhiều người không tự đi lại, tôi ước mong tìm cách để giúp họ, tôi động viên người thanh niên vừa gặp để có thể làm được chân giả cho thương binh trong trại mình như lời anh đã hứa!
Sau mấy ngày tĩnh dưỡng, tôi đến thăm người thương binh hôm ấy và được biết tên là Nguyễn Đăng Phòng. Biết tôi muốn đến động viên mình, thực hiện lời hứa làm chân giả, Phòng nói ngay: “Thủ trưởng giúp em vài dụng cụ đơn giản để em làm chân giả! “Tai nghe không bằng mắt thấy”, em sẽ làm chân giả giúp thương binh đi lại thuận tiện hơn”. Tôi nói: “Em nói cho có đấy nhé? (Tôi lặp lại): “Tai nghe không bằng mắt thấy”? Với vẻ cương quyết và dứt khoát của Phòng, tôi phân công một nữ phục vụ, mua mấy thứ cần thiết theo yêu cầu của Phòng như cưa gỗ, đục, bào...giao cho Phòng.
Một buổi trưa mùa thu, khi những chiếc lá vàng trên cây chưa kịp rụng xuống, cả khu trại sản xuất, lá cây trở nên vàng rực. Cảnh vật êm đềm hao hao giống bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Lê Vi-tan. Thiên nhiên thật lạ, đẹp và huyền diệu vô cùng. Tôi tìm đến gặp người thanh niên có tên Phòng bên trại A2, một thanh niên đi ngược lại phía tôi. Bất chợt, người thanh niên reo lên: “Ồ! Thủ trưởng!”, “Có phải em Phòng đây không?” (tôi nói). Tôi và Phòng tay bắt, mặt mừng và ôm nhau mừng rỡ, khiến cả trại A2 đứng nhìn ngơ ngác. Phòng không đi nạng như trước mà đi chân giả như người có đôi chân thật. Sau giây phút bất ngờ, mọi người cùng cười vang, khiến tôi cũng hòa vào không khí vui nhộn của những người lính thương binh đầy năng động và trẻ trung. Tôi không còn biết nói gì hơn trước tình cảm thân yêu của đồng đội và rất ngỡ ngàng không thể tả hết niềm vui trong đời với sự thành công làm được chân giả của Phòng. Cô Hồng, người phục vụ trong trại nói: “Anh Phòng trở thành người nhà của đơn vị chúng ta rồi thủ trưởng ạ, mọi người đều rất quý anh, anh Phòng là người có chí và óc sáng tạo tuyệt vời, anh miệt mài ngày đêm làm chân giả như thật, thủ trưởng có quà thưởng cho anh Phòng không!”? Thời gian không lâu, sức khỏe Phòng khá hơn rất nhiều, Phòng nói: “Báo cáo thủ trưởng, em đã tìm được một loại cây làm chân giả rất nhẹ và dẻo, dùng lâu hỏng, đó là cây đu đủ rừng!...".
Ông Tám nhớ lại một kỷ niệm: “Những ngày hè, cây rừng khô khốc; sau trận mưa tối qua, cây cối sáng nay xanh tươi hẳn lên, chim chóc và những cánh bướm vàng bay dập dìu khiến tâm hồn mọi người trong trại thương binh trở nên thư thái hơn bao giờ hết. Tôi bỗng thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ khi nghĩ về những người thương binh trong doanh trại này, mỗi người có được đôi chân đi lại, đó là niềm an ủi và cũng là món quà tinh thần rất có ý nghĩa lớn! Cảm động nhất là khi anh Phòng và tôi trao tặng chân giả cho anh em, có anh ôm chân giả vuốt ve, trìu mến như người bạn thân thiết nhất, tra chân vào là thích thú đi đi, lại lại reo mừng như nhận được món quà đặc biệt! Nhờ có sáng kiến làm chân giả do anh Phòng khởi xướng, những trại thương binh các nơi chuyển hàng trăm thương binh cụt chân đều không cần đến một ai theo khiêng nữa, tiết kiệm được sức người và kinh phí trong lúc chiến đấu trên chiến trường không có xe cơ giới, không có đường mòn. Anh Phòng ban đầu đã tự mày mò làm được một chân giả chỉ một cái rựa đốn cây, phát rừng làm nương rẫy, thế nhưng Phòng cứ kiên trì đẽo, gọt, cưa, mài ...dần dần tạo nên một cái chân giả rồi nhiều cái khác tiếp tục được tạo thêm. Ban đầu một người làm, sau anh Phòng làm “thầy”, huấn luyện cho nhiều người cùng làm theo, tạo thành một trại làm chân giả. Anh Phòng rất lấy làm mãn nguyện, anh nói: “Đâu có ngờ, “sáng kiến” đơn giản và nhỏ bé của mình lại có giá trị thực tiễn lớn”...
Giờ đây, đất nước thanh bình, các anh đã trở về từ sau cuộc chiến tranh, họ đều không lành lặn, một phần xương thịt đã hòa vào với đất, nhưng nhiều người vẫn giữ được ý chí vươn lên mạnh mẽ, sống có ích cho đời. Riêng với trường hợp của người thương binh Nguyễn Đăng Phòng tại trại thương binh năm ấy thì phút “làm nên lịch sử” chính là cái phút anh nung nấu ý nghĩ phải làm ra sản phẩm chân giả thiết thực, giúp nhiều thương binh di chuyển trong đường rừng hàng trăm cây số, không phải tốn người khiêng như thời gian trước đây. Thật vậy, chính sự sáng tạo này còn đi vào lịch sử chống Mỹ của dân tộc ta, vì đã tạo nên Phân xưởng làm chân giả thực tiễn đời thường, thật đáng trân trọng biết bao!..
Huy Hoàng
(ghi)
Người thương binh có tên là Phòng ra miền Bắc từ năm 1972. Cụ Nguyễn Tám rất mong tìm gặp lại ông, qua bài viết nhỏ này, ai biết tin ông Phòng, xin liên lạc theo địa chỉ: Nguyễn Tám, thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
ĐT: 01665481955.