Người trở về bên dòng sông Hiếu
Gợi nhắc lại khoảng thời gian là "trại viên" tại Trại tạm giam CA tỉnh Quảng Trị, anh Nguyễn Ngọc Chủng bảo nhớ nhất là quản giáo Nguyễn Hoài Nam, người đã thắp lên trong anh những tia sáng hy vọng lúc cùng quẫn nhất và giúp anh hướng thiện. Sau 3 năm trút bỏ áo tù, hôm nay anh có thể tự tin kể về thành quả lao động bên dòng sông Hiếu của gia đình với tất cả niềm say mê, tự hào.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Chủng dần vượt qua những thăng trầm, khó khăn của cuộc sống. |
Anh Chủng sinh năm 1975, trú Bích Giang, xã Cam Hiếu, H. Cam Lộ, Quảng Trị. Vì hoàn cảnh gia đình nên sớm thất học, lớn lên, anh làm đủ nghề, hết việc ruộng đồng thì phụ hồ, đốn cây rừng trồng. Năm 2000, anh lập gia đình với chị Hồng Cúc, người con gái nết na, cần cù xã bên. Một năm sau, vợ chồng anh đón con gái đầu lòng. Vài năm tiếp, gia đình lại "bổ sung" thêm 2 nhóc tì, cơm áo gạo tiền càng nặng hơn. Chị Cúc làm nông còn anh Chủng chuyển sang nghề rà phế liệu, không biết bao nhiêu lần đối diện với cái chết khi cùng bạn nghề cưa bom lấy thuốc nổ. "Bán thuốc nổ thì nhiều tiền hơn, cũng sợ nguy hiểm nhưng lúc đó nghèo nên ham. May mà thoát...", anh Chủng rùng mình khi nhớ lại. Nhưng cái chuyện nơm nớp sợ CA bắt vận chuyển, mua bán thuốc nổ sớm muộn cũng tới. Tháng 3 - 2010, anh và 4 bạn nghề bị CA bắt vận chuyển với tang vật gồm 58kg thuốc nổ vừa được cả nhóm cưa bom lấy phế liệu. Đận này, anh bị tuyên án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cái án lơ lửng khiến anh không muốn dính dáng cái nghề rà phế liệu nữa. Song, cũng vì máu liều, anh chuyển sang nghề bắt trâu hoang, là loại trâu chăn thả rông trong rừng của nhiều hộ dân, lâu ngày thành hung dữ và khó tìm. Để bắt được về, người dân phải thuê những thợ săn có kinh nghiệm, thành quả sẽ chia đôi. Tích lũy ít nhiều kinh nghiệm, lại có sức khỏe nên anh đã nhiều lần chinh phục thành công và kiếm được số tiền kha khá. Nhưng đây cũng là một nghề quá mạo hiểm, lại dễ mắc lỗi lầm. Trong một lần săn trâu, anh và nhiều thợ săn lùa cả những con trâu có chủ ra khỏi rừng về nơi tập kết. Hành vi trộm cắp tài sản đã được cấu thành, lại đang trong thời gian thử thách án treo, anh bị tòa án tuyên phạt 27 tháng tù, chấp hành thêm bản án 30 tháng tù trước đó và thụ án tại Trại tạm giam Quảng Trị. Được sự quan tâm giáo dục của giám thị, sự động viên của vợ và người thân, Chủng chấp hành tốt quy định của Trại và được cho lao động bên ngoài. Anh được 2 lần giảm án tổng thời hạn 21 tháng, trong đó có 1 lần giảm đến 15 tháng... Ngày ra trại, vừa về nhà, anh đã ra thẳng bờ sông, vốc nước lên rửa mặt và tự nhủ: "Mình sẽ bắt đầu lại từ đây. Sẽ quyết tâm tới cùng!".
Chị Cúc hoàn toàn tin tưởng ở mọi quyết định của chồng nên khi nghe anh bàn tính nuôi vịt, chị liền ủng hộ. "Rứa còn vốn thì răng đây, có phải ít mô", câu hỏi của vợ khiến anh có phần chững lại. Anh biết thời gian anh ở tù, chị Cúc quần quật lam lũ cũng chỉ đủ bữa cơm đạm bạc, không dành dụm được gì. "Mình sẽ làm từng bước, vay từ từ, đừng vội, đừng nản", anh trấn an vợ. Cái nghề nuôi vịt mỗi năm mấy lứa không dễ gì, rủi ro, dịch bệnh, rồi chạy đồng, cơ cực muôn vàn. Thất bại, thua thiệt cũng đã tìm đến vợ chồng nghèo, bà con xóm giềng thêm phần ái ngại. Thế nhưng, vợ chồng đồng lòng, anh chị quyết tâm bám sông, bám đồng, không lùi bước. 2 năm sau đàn vịt đã lên hàng ngàn con. " Đến mùa vịt chạy đồng, phải đi từ 1, 2 giờ sáng để lùa đàn, nhiều lúc phải huy động con cái, cũng thương con lắm", anh Chủng kể. Có vốn, anh chị đầu tư thêm chăn nuôi bò. Rảnh rỗi tí, anh lại đi khai hoang trồng cây tràm. Nghị lực của vợ chồng anh Chủng khiến bà con xóm giềng nể phục.
Đợt lũ ống tháng 10 - 2016, cả đàn vịt gần 3.000 con đến thời điểm bán của vợ chồng anh bị cuốn phăng. "Mới chiều trước, thương lái Huế đã đặt mua 73 ngàn đồng/con, hẹn sớm mai ra bắt toàn bộ. Xe gần đến thì lũ ập về, cuốn sạch sành sanh", chị Cúc rưng rưng kể. Mất trắng 180 triệu đồng, vợ con điêu đứng. Thương vợ con, anh Chủng nén lo âu, quyết tâm lo cho đàn mới. "Vụ mới đây gia đình xuất bán 7.000 con, tuy không được giá lắm song cũng có lãi. Khoảng chừng tháng nữa là xuất bán thêm gần 2.000 con. Riêng đàn bò đã tăng lên 10 con. Học phí của tụi nhỏ đó, bây chừ 4 đứa rồi, từ mẫu giáo đến cấp 3, mướt mặt cũng phải lo cho con học hành đàng hoàng", anh Chủng chia sẻ. Trước quyết tâm và cơ nghiệp nhà nông của anh chị, chúng tôi cũng lấy làm phấn khởi và tin tưởng đây cũng là động lực quý giá cho nhiều số phận đang loay hoay làm lại cuộc đời sau những lầm lỗi đáng tiếc.
BẢO HÀ