Người trồng rừng trắng tay sau bão
Sau khi bão số 9 (Molave) đổ bộ, vùng nông thôn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) có hơn 2.000ha rừng trồng (chủ yếu keo lai) bị ngã đổ, người dân đang nỗ lực tận thu bán với giá rẻ để vớt vát được đồng nào hay đồng đó.
Người trồng rừng xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) thuê lao động khai thác keo gãy đổ, vớt vát tài sản sau bão. |
Ở xã miền núi Hòa Phú, nhiều hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn nhờ vào cây keo. Thực tế hàng chục năm qua, bà con chỉ chủ yếu tập trung cho loại cây này, lý do giá keo tăng hàng năm. Rừng trồng là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương, nên thiệt hại của bão gây ra vô cùng to lớn. Những rừng keo mới ngày nào còn xanh tươi, giờ bị gió vặn gãy ngang lưng, la liệt ôm chồng lên nhau gục xuống. Nhìn rừng keo gần đến ngày thu hoạch, ông Trần Xuân (thôn Hòa Phát) vừa đưa tay rờ rẫm những thân cây bị đổ, vừa thở dài: "2 ngày nay, tôi không ăn không ngủ được. Trước bão, tôi lên thăm rừng thấy cây tươi tốt nên mừng thầm trong bụng. Nào ngờ, cả một đống tiền đổ vào, giờ coi như mất trắng. Trời cho thấy mà không cho ăn. Nếu bán củi, chắc cũng chẳng ai mua vì vùng này rừng ai cũng bị gãy đổ cả ".
Còn ở thôn đồng bào Cơ Tu Phú Túc (xã Hòa Phú), vừa chạm mặt chúng tôi, bà Đinh Thị Nhom mỏi mệt: "Trắng tay rồi các anh ơi!". Khi nghe hỏi: "Thiệt hại bao nhiêu?". Không cần tính, bà trả lời luôn: "Hơn 80% người dân ở đây sống nhờ vào rừng, tất cả vốn liếng, công sức người dân đều đổ vào đây. Cơ hội thoát nghèo và làm giàu theo cây keo đến với người dân, giờ lại tuột khỏi tầm tay. Bởi nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo đều có thể được nhanh chóng sửa chữa lại, còn cây keo là vốn liếng lớn nhất qua một quá trình dài tích cóp, đầu tư, chăm bón của người dân thì không thể khắc phục được trong ngày một ngày hai".
Chạy xe qua thôn Diêu Phong (xã Hòa Nhơn), chúng tôi gặp ông Lê Văn Phước cũng đang đứng thẫn thờ trước rừng keo gần 3 năm tuổi. Nhìn quang cảnh rừng keo 5ha xanh tốt bạt ngàn của ông trước đây, nay bị ngã đổ, ai cũng thấy xót xa. Theo ông Phước, thu nhập của vợ chồng ông chủ yếu nhờ vào cây keo, nhất là việc trang trải sinh hoạt trong gia đình, lo cho các con ăn học. Giờ đây, rừng keo của ông bán cũng khó, do phần lớn keo bị gãy ngang thân buộc phải thu hoạch khẩn trương nếu không sẽ thành củi. Hơn nữa, giá gỗ rừng trồng từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tấn trước khi bão đổ bộ, hiện giảm xuống từ 300 đến 400 ngàn đồng/tấn... "Vấn đề thu mua gỗ sau bão chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì chưa thấy thương lái tìm đến dạm hỏi. Thêm nữa, người ta mua nguyên cây, cây tươi để dễ bóc vỏ, trong khi bão làm gãy đổ nhiều khúc và chỉ 2 ngày sau là cây héo, khó bóc vỏ thì ai mua cho. Hơn nữa, bão to làm rừng keo của nhiều địa phương gãy đổ chứ đâu chỉ có nơi đây, nếu thương lái có tích cực thu mua thì họ cũng chọn những nơi thuận lợi trước. Cứ đà này, không khéo hàng ngàn tấn gỗ keo của người dân trong thôn phải chặt làm củi", ông Phước trải lòng.
Có thể nói, ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, miền núi H. Hòa Vang, trồng rừng lấy nguyên liệu gỗ là nguồn sống của bà con hàng chục năm nay. Thế nhưng, sau trận bão lớn, tất cả đều trắng tay. Và giấc mơ đổi đời từ những cánh rừng của người nông dân tưởng đang rất gần giờ lại xa thêm vì bão.
VY HẬU