Người về từ Hoàng Sa

Thứ ba, 10/09/2013 12:58

(Cadn.com.vn) - Trong khi phần lớn những người tù cộng sản Việt Nam bị Pháp đưa ra Côn Đảo  thì riêng ông lại được chúng đày ra Hoàng Sa. Chuyến đi ấy đối với ông là cả một hành trình gian khổ, nhưng bây giờ, đó là niềm tự hào không dễ mấy ai có được. Câu chuyện cựu tù Trần Thanh Kim (trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) . . .

Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Trần Thanh Kim vẫn nhớ những kỷ niệm ở Hoàng Sa.

Đã bước vào cái tuổi 93, nhiều sự kiện xảy ra trong đời ông có thể đã quên, nhưng khoảng thời gian sống ở Hoàng Sa lúc nào cũng in đậm trong tâm trí ông Kim. Ông Kim nhớ lại: "Khi luồng gió cách mạng tháng 8-1945 ùa đến thì ông đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng, sau đó gia nhập Vệ quốc đoàn, trở thành Tiểu đội trưởng của Trung đoàn 67 (còn gọi là Trung đoàn Tây Sơn). Hưởng ứng Lời kêu gọi Bác Hồ toàn quốc kháng chiến, ông cùng đồng đội xông pha trên nhiều chiến trường. Và trong một lần hành quân như thế, ông cùng nhiều đồng đội bị quân Pháp bắt giữ.

"Ngày 4-1-1949 khi tôi cùng đồng đội về đóng tại làng Yến Nê (Hòa Tiến, H. Hòa Vang) thì có người chỉ điểm nên  bị quân Pháp bắt được. Sau đó chúng đưa tôi về giam ở nhà lao Con Gà. Lúc nào chúng tôi cũng nung nấu ý định vượt ngục để tiếp tục chiến đấu. Ở trong tù được vài tháng, tôi tổ chức vượt ngục cùng với nhiều anh em khác. Tuy nhiên, trước đêm chuẩn bị vượt ngục thì tôi bị bọn Pháp biệt giam, còn những anh em khác đều thoát được. Sau lần đó, chắc sợ tôi tiếp tục vượt ngục nên chúng mới đày tôi cùng 9 anh em khác ra Hoàng Sa, nơi Pháp gọi là Paracel. Tôi còn nhớ lúc đó là vào tháng 8-1950", ông Kim kể lại.

Hoàng Sa lúc ấy đã có bia chủ quyền, doanh trại để lính Pháp và cả lính Việt đồn trú, còn có cả các trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn. "Trước lúc bị đày, tôi chỉ mới biết Hoàng Sa qua sách vở chứ chưa biết nó nằm ở đâu và như thế nào. Pháp áp tải 10 anh em chúng tôi lên tàu, rồi chạy hơn một ngày đêm thì đến đảo. Cảm giác đặt chân lên đảo của tôi rất khó tả, vừa lo sợ bị giam cầm lại thấy vui khi đến vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cả đảo chỉ có 4 ngôi nhà: nhà thiên văn, nhà kho có mái đúc để chứa vũ khí và các loại quân cụ, 2 nhà lợp tôn dành cho khoảng 20 lính Pháp ở, nhà còn lại dành cho tù nhân. Ở ngoài đó được vài ngày thì lính Pháp bắt anh em chúng tôi đi khuân vác đá, xây dựng cầu cảng.

Khổ nhất là việc phá san hô, tạo rãnh để cho ca nô có thể chạy thẳng vào đảo, tất cả đều dùng sức người chứ không có máy móc gì hết thế nên  nhiều người bị va vào đá, san hô chân tay tóe máu. Một lần tôi bị một tên lính đánh suýt chết, sau này hỏi ra mới biết rằng đơn vị của tên này từng bị đơn vị của tôi đánh bại, khi ra đảo biết tôi từng là tiểu đội trưởng của Trung đoàn 67 nên nó đánh trả thù", ông Kim kể.

 Đào giếng tìm nước ngọt trên đảo Hoàng Sa.

Đến bây giờ ông Kim cũng chẳng hiểu vì sao Pháp lại đày ông và đồng đội  ra Hoàng Sa vì thông thường chúng đều chuyển tù binh đến Côn Đảo hoặc các nhà lao khét tiếng khác. Chính điều đó khiến ông và đồng đội nghi ngờ rằng sẽ bị địch thủ tiêu. Song điều đó không xảy ra. "Ngoài việc lao động nặng nhọc, cuộc sống của chúng tôi ở Hoàng Sa tương đối rất dễ chịu. Lương thực có đủ, chỉ lo thiếu nước thôi.

Hải sản ngoài đảo nhiều vô kể, muốn ăn chỉ cần xuống biển bắt. Lính Pháp ở đây khoảng hơn 20 tên thường xuyên đi tuần tra quanh đảo. 10 tù nhân chúng tôi được chúng chia thành 3 tổ, mỗi ngày 1 tổ cùng đi tuần tra với họ. Pháp tuần tra rất nghiêm ngặt, có dấu hiệu bất thường nào là lập tức báo cáo về đất liền, đưa tàu chiến đến bảo vệ thế nên chẳng có tàu nước nào dám lại gần. Có lần cắt tóc cho một sĩ quan Pháp, tôi nghe y nói rằng quần đảo Paracel là của Việt Nam, mà Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên quân đội Pháp có trách nhiệm bảo vệ. Điều đó chứng tỏ, từ lâu người Pháp đã xác định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam".

Biết rằng Hoàng Sa rất xa cách đất liền nhưng lúc nào ông Kim và các đồng đội như Nguyễn Kim Châu, Dư Phước Nên, Phạm Công Phụng, Nguyễn Văn Cung, Lê Ngọc Ánh... vẫn nung nấu ý định vượt đảo, trở về đất liền chiến đấu. Lợi dụng sự chủ quan của lính Pháp, họ lấy được một chiếc thuyền cũ, gia cố lại, chờ cơ hội trở về đất liền. Tuy nhiên chuyến vượt biển chưa kịp thực hiện thì sau 3 tháng bị cầm tù ở Hoàng Sa, ông Kim và đồng đội đã được trở về đất liền. Thời gian sau ông Kim được trả tự do và tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước giải phóng.

Bây giờ nhắc lại quãng thời gian sống ở Hoàng Sa, ông Kim vẫn còn thấy luyến tiếc: "Cái cách tôi đến Hoàng Sa dù không ai mong muốn, đó là bị đi đày, nhưng cũng là dịp may hiếm có. Mong ước của tôi là câu chuyện của mình cũng là một tư liệu quý, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu và nhắc nhở về quần đảo Hoàng Sa, "dải cát vàng" thiêng liêng của Tổ quốc...", ông Kim thổ lộ.

 Minh Hà