Người vợ Liệt sĩ gần nửa thế kỷ “thủ tiết thờ chồng”

Thứ ba, 25/07/2023 07:20
Trước khi lên đường vào miền Nam chiến đấu, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền (1946), quê xã Nam Cát, H.Nam Đàn (Nghệ An) đã dặn vợ rằng:“Anh đi được 10 năm, nếu không về nữa thì em hãy đi lấy chồng”. Nhưng người vợ quả quyết “đời em chỉ lấy chồng một lần, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về…”. Suốt nửa thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Lương (1947), quê ở Cửa Hội, H.Nghi Lộc (Nghệ An)  vẫn thủy chung, son sắt một tình yêu dành cho chồng, một mình vò võ nuôi con “thủ tiết thờ chồng”...

+ Bài 1: Một chuyện tình đầy xúc động

Bà Nguyễn Thị Lương xúc động khi kể về câu chuyện cuộc đời mình.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền và vợ Nguyễn Thị Lương khi còn trẻ.
Những cánh thư là kỷ vật của chồng mà bà Lương gìn giữ suốt 48 năm qua.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

Chúng tôi gặp bà Lương trong ngày bà cùng con gái đến Bảo tàng Quân khu 4 trao tặng 10 bức thư là kỷ vật do liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền gửi cho bà trong giai đoạn 1971-1974. Những bức thư được người vợ liệt sĩ ấy gối đầu giường, gìn giữ suốt gần nửa thế kỷ qua với tấm lòng thủy chung, son sắt tưởng nhớ về người chồng đã hy sinh tại chiến trường phía Nam. Thời gian bà sống bên chồng chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, nhưng nỗi nhớ nhung, khắc khoải, chờ đợi thì kéo dài hàng chục năm. Câu chuyện tình yêu của họ thật giản dị, chân thật và vô cùng xúc động. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mình, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc.

Tình yêu của chàng trai Nguyễn Văn Kiền và cô gái Nguyễn Thị Lương chính thức nảy nở vào thời điểm hai người tham gia học lớp Chi ủy viên do Thành ủy Vinh tổ chức vào năm 1969. “Thời điểm đó, anh Kiền công tác tại Công ty lương thực Nghệ Tĩnh, còn tôi công tác ở Hợp tác xã Trần Phú Thành Vinh. Từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã cảm mến nhau và sau khoảng 1 tháng rưỡi học tập, tình yêu đã “đơm hoa kết trái”. Tháng 7-1970, sau một thời gian tìm hiểu, gia đình anh xin phép hỏi cưới” – bà Lương bùi ngùi nhớ lại.

Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ nhân lên gấp bội khi bà Lương mang thai đứa con gái đầu lòng. Vợ có bầu được 4 tháng thì anh Kiền lên đường nhập ngũ, được cử đi Thanh Hóa học tập và huấn luyện. Kết thúc khóa huấn luyện, anh tranh thủ ghé về nhà thăm vợ con trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam công tác, chiến đấu tại Tiểu đoàn 16, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Ngày 29-4-1975, chiến sỹ Nguyễn Văn Kiền đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại tỉnh Tây Ninh.

“Tôi sinh con gái vào tháng 5-1971 thì đến cuối năm đó anh ấy được nghỉ phép, ghé về nhà trước khi vào miền Nam. Lúc đó cháu Thu Hiền mới được 5 tháng tuổi. Đó cũng là khoảng thời gian cuối cùng, gia đình nhỏ chúng tôi được đoàn tụ bên nhau. Trước khi đi, anh ấy dặn con “ở nhà giữ mẹ cho bố”. Rồi dặn dò tôi rằng “Anh đi 10 năm, nếu không về nữa thì em hãy đi lấy chồng”. Nghe xong, tôi giận lắm. Tôi nói “Em chỉ lấy chồng một lần thôi, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về...”. Không ngờ, đó cũng là lần cuối chúng tôi gặp nhau...” - bà Lương ứa nước mắt.

Những cánh thư đẫm nước mắt

Từ khi chồng lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hơn 30 bức thư trao gửi giữa 2 vợ chồng là tình cảm, là những niềm thương, nỗi nhớ, là những mong ước tưởng chừng giản đơn nhưng rất đỗi xa vời bởi chiến tranh, bởi chồng bà đang thực hiện nhiệm vụ cao cả.

Suốt gần nửa thế kỷ, bà Lương vẫn khắc khoải, nhớ thương chồng.
Bà Nguyễn Thị Lương xúc động khi kể về câu chuyện cuộc đời mình.

Chồng đi bộ đội, một mình vừa làm kinh tế vừa nuôi con, vất vả, mệt nhọc nhưng may mắn bà Lương luôn nhận được rất nhiều sự động viên, quan tâm, giúp đỡ từ hai bên nội ngoại. Bản thân người vợ ấy cũng đã làm tròn bổn phận làm dâu với nhà chồng.

Trong những lá thư ố vàng, in dấu thời gian gửi về cho vợ, ông Nguyễn Văn Kiền vẫn đau đáu về nơi ăn chốn ở của gia đình nhỏ. Ông thường xuyên an ủi, động viên vợ cố gắng vượt qua khó khăn đợi ngày hòa bình, non sông thống nhất thu về một mối. “Nói làm sao được, vợ chồng mới chung sống thời gian quá ít đã phải xa nhau. Không được gần nhau để giúp đỡ nhau khi vui buồn hoặc động viện nhau trực tiếp. Anh đi để lại cho em bao khó khăn, gian khổ….Anh phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm. Anh nghĩ rằng đó là cái khó nhất lúc xa em trong thời đại bây giờ nhưng biết làm sao. Chỉ biết làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ để khỏi phụ lòng chung thủy, đảm đang mà em đã gánh vác cho anh…”- liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền viết trong nhưng ngày huấn luyện ở miền Bắc. Và trong quá trình hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu, ông Kiền đều tranh thủ viết thư gửi về cho gia đình. Những cánh thư là lời dặn dò, là tình cảm nhớ thương ông dành cho vợ con. Đó cũng là sự động viên với niềm tin ngày chiến thắng sẽ gặp nhau. “Có lẽ do đặc thù về đơn vị công tác nên anh ấy rất ít khi nhắc đến nhiệm vụ chiến đấu của mình, thỉnh thoảng trong thư anh cũng nói về sự ác liệt nơi chiến trường…”- bà Lương cho hay.

Dù nhớ thương đến quặn lòng nhưng người chiến sỹ ấy vẫn luôn tự trấn an lòng mình và động lực để anh hoàn thành nhiệm vụ là vợ và con. “Em ạ! Nguồn động viên nhất cho chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của ta đó. Anh vui vẻ, anh phấn khởi nhất, an tâm công tác để lên đường vào đánh Mỹ. Chính đứa con đầu lòng đó thôi thúc anh vượt qua chông gai, mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, mai sau sẽ trở về hôn con, gần em được thoải mái…Anh cũng muốn thực hiện cái ước mơ của vợ chồng khi tuổi xuân đang còn xanh” – trích thư liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền.

Năm 1974, bà Lương nhận được lá thư cuối cùng của chồng, vẫn là sự động viên an ủi dành cho vợ con, là niềm tin đoàn tụ ngày chiến thắng, là những ước mơ rất giản dị, thường ngày nhưng chiến tranh đã biến những điều đó trở nên xa vời. “Em ơi! Cái tình cảnh chung đất nước rất phổ biến. Chẳng ai muốn xa vợ, xa con làm gì. Anh cũng muốn thực hiện ước mơ của hạnh phúc vợ chồng,… Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương, cố gắng công tác đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan đợi ngày hết giặc anh về sum họp”, liệt sĩ Kiền viết.

Dương Hóa