Nguy cơ bất ổn chính trị tại Indonesia sau khi “giáo sĩ lửa” hồi hương
Sự trở về của Rizieq Shihab - một thủ lĩnh Hồi giáo có sức ảnh hưởng ở Indonesia - sau một thời gian sống lưu vong tại Saudi Arabia đã làm dấy lên những lo ngại mới về bất ổn và bạo lực tại nước này.
Giáo sĩ Hồi giáo Rizieq Shihab (giữa) trong vòng vây những người ủng hộ khi ông đến khánh thành một nhà thờ Hồi giáo ở Bogor hôm 13-11. Ảnh: AFP |
Gần 10 triệu người Indonesia thất nghiệp do Covid-19 Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 24-11 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Indonesia tăng thêm 2,67 triệu người lên 9,77 triệu người do đại dịch Covid-19 đã làm “tê liệt” các ngành kinh tế của Indonesia. Trong số 2,67 triệu lao động mất việc làm, có tới 2,36 triệu người bị sa thải và 0,31 triệu người không tìm được việc làm do đại dịch. Trong khi đó, số lượng lực lượng lao động bị ảnh hưởng là 29,12 triệu người. Trong số này, có tới 2,56 triệu người thất nghiệp, 700.000 người không tham gia lực lượng lao động, 1,77 triệu người thất nghiệp tạm thời và 24 triệu người làm việc nhưng ít giờ hơn. Bà Sri Mulyani cũng cho biết, vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến mức phúc lợi của người lao động. Trong khi đó, trợ cấp xã hội có thể sụt giảm đáng kể từ 10,69%, xuống còn 9,69%. Bộ trưởng Tài chính Indonesia nhấn mạnh đây đang là một thách thức mà Indonesia phải giải quyết. Trước đó, Bộ Tài chính Indonesia cho biết, hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức trợ giúp xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) khá hiệu quả trong việc hạn chế đói nghèo trong xã hội. Ước tính, có 3,43 triệu người đã được cứu thoát khỏi đói nghèo nhờ chương trình bảo trợ xã hội PEN. |
Tổ chức tụ tập hàng nghìn người
Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Argo Yuwono mới đây thông báo, cảnh sát trưởng ở Jakarta và Tây Java bị cách chức sau khi để xảy ra cuộc biểu tình chào đón sự trở về của thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan Rizieq Shihab hôm 10-11 và cho phép hàng nghìn tín đồ không đeo khẩu trang chen chúc nhau trên một con phố trung tâm tham dự đám cưới của con gái ông này một ngày sau đó. Nana Sudjana và Rudy Sufahradi Novianti, đều là tướng lĩnh hai sao, và hai cảnh sát trưởng cấp huyện đã bị cách chức vì để những buổi tụ tập diễn ra mà không thực hiện bất kỳ biện pháp y tế hoặc an toàn nào. Shihab đã tổ chức các cuộc tụ tập đông người bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nước này. Theo các đoạn video trên truyền hình và mạng xã hội, tín đồ dự sự kiện chẳng những không tuân thủ giãn cách xã hội mà còn không đeo khẩu trang.
Chính phủ Indonesia đã ra thông cáo chống lại Shihab sau khi Tổng thống Widodo và các quan chức an ninh cấp cao cảnh báo ông ta rằng, những hành vi phá vỡ nền dân chủ và đoàn kết dân tộc sẽ không được dung thứ. Cảnh sát có kế hoạch triệu tập Shihab để thẩm vấn và cho biết họ sẽ cấm mọi cuộc tụ tập đông người của FPI trong tương lai, đề cập đến mối lo ngại của ông Widodo về mối đe dọa đối với “các quy trình dân chủ và sự thống nhất, đặc biệt là bạo lực” tại phiên họp Nội các ngày 16-11. Các nhà phân tích cho rằng, tổng thống đã mất cảnh giác trước khả năng thu hút sự ủng hộ của người đàn ông 55 tuổi này, người đã tuyên bố mình là một nhân vật đối lập lớn và có thể là “vua” trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Widodo không thể tranh cử trở lại nhưng đại dịch đã khiến những kế hoạch nhiệm kỳ thứ hai của ông trở nên xáo trộn. Rõ ràng, ông muốn bảo tồn những di sản của mình và đảm bảo rằng đất nước luôn đi đúng hướng như một quốc gia thế tục khi đối mặt với chủ nghĩa bảo thủ ngày càng tăng của Hồi giáo.
Hành động của Shihab diễn ra trong bối cảnh Indonesia đang phải vật lộn để kiểm soát đại dịch. Các nhà dịch tễ học của nước này liên tục chỉ trích việc chính phủ muốn mở cửa nền kinh tế sớm.
“Giáo sĩ lửa” là ai?
Habib Shihab, giáo sĩ Hồi giáo được mệnh danh là “giáo sĩ lửa” và là lãnh đạo tối cao của tổ chức Hồi giáo cứng rắn nhất tại Indonesia - Mặt trận bảo vệ Hồi giáo (FPI). Shihab đã bỏ trốn khỏi đất nước đến lưu vong tại Saudi Arabia vào giữa năm 2017 để tránh bị xét xử với cáo buộc tham gia vào việc nhắn tin khiêu dâm trên Internet, nhưng cảnh sát đã bác bỏ điều này sau đó.
Giới chuyên gia cho rằng, sự trở lại của “giáo sĩ lửa” sẽ có tác động lớn đối với các vấn đề chính trị và tôn giáo tại Indonesia trong thời gian tới. Shihab và các nhân vật chủ chốt trong FPI đã được Ahmad Syafii Maarif, cựu lãnh đạo của tổ chức Muhammadiyah tại Indonesia ủng hộ mạnh mẽ. Muhammadiyah là một tổ chức Hồi giáo nổi tiếng tại Indonesia, được cho là bị ảnh hưởng lớn bởi các tư tưởng Hồi giáo cực đoạn tại Arab. Tổ chức này thường xuyên sử dụng các hoạt động bạo lực nhằm xóa bỏ các tệ nạn trong xã hội Hồi giáo và kiên quyết loại bỏ những hành động được coi là phi đạo đức, đi ngược lại với đường hướng của Hồi giáo.
Bắt đầu từ năm 2005, giáo sĩ Shihab và FPI đã mở rộng hoạt động của tổ chức này từ các vấn đề đạo đức sang thần học. Cũng kể từ năm 2005, FPI đã tham gia nhiều hơn vào các vấn đề chính trị tại Indonesia. Chẳng hạn, trong các cuộc bầu cử trước đây, những người đứng đầu của FPI đã có những thỏa thuận ngầm với các ứng cử viên tiềm năng, các quan chức hoặc các thống đốc tại những thành phố lớn để thực hiện và duy trì luật Hồi giáo (shariah), đồng thời tìm cách cấm hoặc ngăn chặn các nhóm tôn giáo có hệ tư tưởng trái ngược khác hoạt động tại Indonesia.
Thực tế cho thấy, Shihab đã đạt được những thành công rất lớn trong vai trò chính trị và ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử Thống đốc tại Jakarta vào năm 2017. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử này, Shihab đã tổ chức thành công một loạt cuộc biểu tình quy mô lớn với tên gọi Aksi Bela Islam (hành động bảo vệ Hồi giáo). Các cuộc biểu tình đã thu hút được hàng triệu tín đồ Hồi giáo tham gia và ngăn chặn thành công việc tái đắc cử của Thống đốc Jakarta lúc bấy giờ là ông Basuki Tjahaja Purnama.
Giáo sĩ Shihab trở lại Indonesia chỉ 1 tháng trước cuộc bầu cử địa phương tại Inodnesia, dự kiến được tổ chức vào ngày 9-12. Sự trở lại của ông diễn ra đúng vào thời điểm mà người dân Indonesia đang thể hiện sự chán trường và thất vọng nhất đối với Tổng thống Jokowi và Chính phủ Indonesia vì hàng loạt yếu kém trong vấn đề xử lý dịch bệnh, thông qua luật lao động mới Omnibus – một bộ luật được cho là sẽ chỉ đem lại lợi ích cho giới thượng lưu mà bỏ qua quyền lợi của hàng chục triệu người lao động tại Indonesia. Trong bối cảnh đó, phe đối lập do Liên minh cứu nước Indonesia (KAMI) lãnh đạo đang tận dụng triệt để các vấn đề xã hội để phản đối chính phủ của ông Jokowi và thu hút người ủng hộ. Do đó, sự trở lại của giáo sĩ Shihab được cho là có thể sẽ củng cố thêm sức mạnh cho các nhóm Hồi giáo chống chính phủ tại Indonesia.
AN BÌNH