Nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới

Thứ bảy, 03/12/2016 11:11

(Cadn.com.vn) - “Trò chơi” Chiến tranh Lạnh mới có nguy cơ bùng nổ trong bối cảnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ vừa kết thúc tập trận quy mô lớn chưa từng có tại vùng biên giới Na Uy, sát vách Nga.

Khu vực biên giới cực bắc giữa Nga với các nước trong khối liên minh quân sự NATO đang nóng hầm hập bởi sức ảnh hưởng của cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Na Uy trong tuần qua. Cuộc tập trận chung này, mang tên Rein 2 có sự tham gia của 5.000 binh sĩ Na Uy và 200 lính Mỹ. 

Nga tất nhiên theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Nhưng vấn đề khiến Moscow quan tâm hơn nữa là khoảng 300 lính thủy đánh bộ Mỹ cũng chuẩn bị đến đồn trú vĩnh viễn ở Na Uy kể từ tháng 1-2017 như một phần của gói các biện pháp trấn an của Washington đối với một trong những thành viên NATO này.

Nguyên nhân hàng đầu khác khiến Oslo sốt sắng tập trận chung và “mời” binh sĩ Mỹ đến đồn trú tại nước này là “bóng ma u ám” của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vốn khiến mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đang căng như dây đàn. Na Uy lo ngại trước sức mạnh ngày càng lớn của Nga bất chấp việc Moscow khẳng định, họ chủ trương “cần bạn chứ không tìm kiếm kẻ thù”.

Binh sĩ Mỹ trong cuộc tập trận với Na Uy ngay sát biên giới Nga. Ảnh: CNN

Ngoài ra, theo CNN, việc Tổng thống Mỹ đắc cử Trump có khả năng sẽ nhắm mục tiêu ưu tiên là đánh giá lại bản chất của liên minh NATO - mà ông cho là đã “lỗi thời” - khiến Na Uy lo lắng. Oslo đã nói nhiều đến khả năng Mỹ dưới thời ông Trump sẽ rời xa NATO và tiến gần đến Nga. Theo Điều 5 của NATO, bất kỳ thành viên nào có yêu cầu đều nhận được hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump lập luận, các thỏa thuận “tiêu tốn của chúng tôi quá nhiều tiền”. Vị tổng thống đắc cử này thậm chí gợi ý có thể sẽ xem xét lại việc đóng góp tiền bạc cũng như nhấn mạnh có thể sẽ không hỗ trợ quân sự cho một quốc gia đồng minh NATO trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

“1 năm trước, chúng ta sẽ không phải nghi ngờ gì về cam kết của Mỹ về Điều 5 và hệ thống quốc phòng của chúng ta”, một quan chức Na Uy nói với CNN. “Mỹ hiện nay và cả trong tương lai là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi”, quan chức này nói thêm. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu các chính sách của ông Trump được thực hiện đúng theo những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, truyền thống lâu đời trong chính sách hoạt động của NATO và của cả Mỹ sẽ bị phá vỡ.

Không chỉ Na Uy, các nước Baltic cũng lo rằng, khi chính quyền mới lên nắm quyền ở Mỹ, kế hoạch triển khai các tiểu đoàn của NATO ở những nước này có thể bị xét lại. Các nước thành viên NATO, trong đó dẫn đầu là Mỹ, quyết định vào năm 2017 sẽ bố trí 4 tiểu đoàn quốc tế ở Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan, ngay trước cửa ngỏ Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống đắc cử Trump đã đúng khi nói  “các nước phải trả một phần lớn hơn” chi phí tài trợ cho NATO. Các quốc gia đồng minh có nghĩa vụ phải dành ít nhất 2% GDP quốc phòng. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, chỉ có 5 quốc gia là Mỹ, Hy Lạp, Anh, Estonia và Ba Lan đáp ứng mục tiêu đó. Theo thống kê,  Mỹ chi khoảng 650 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2015 - nhiều hơn gấp đôi số tiền chi tiêu của 27 quốc gia đồng minh NATO khác cộng lại. Trong thời điểm hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, Mỹ tính toán bước ra từ một liên minh đã kéo dài hơn 60 năm như thế này là thật sai lầm.

Bởi lẽ, đã có những đồn đoán về tương lai căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng giữa Mỹ với Nga. Nhiều người cho rằng, cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga theo mô hình điển hình: leo thang chậm nhưng đáng lo ngại. Nhưng nhiều người lạc quan với khả năng ông Trump tiến gần Nga hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ đã dành những lời có cánh cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và mong muốn tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow. Hôm 1-12, ông chủ Điện Kremlin cũng phát đi thông điệp mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Khả Anh