Nguy cơ chiến tranh mạng Nga - phương Tây

Thứ tư, 18/04/2018 10:13

Cả GCHQ và FBI đều cảnh báo, hàng ngàn máy tính xách tay và máy tính cá nhân tại nhà riêng trên khắp nước Anh đã bị thâm nhập để phục vụ cho các mục tiêu chính trị khác nhau.

Chính phủ Anh lại tiếp tục cáo buộc Điện Kremlin hậu thuẫn các cuộc tấn công mạng. Ảnh: Getty Images

Reuters ngày 17-4 đưa tin: cả Mỹ và Anh đã bất ngờ cùng nhau cáo buộc chính phủ Nga tấn công mạng toàn cầu để thu thập tin tức mật về vấn đề chính trị và kinh tế. Cả hai chính phủ trên cho rằng, các hoạt động, được cho là liên quan đến việc cài mã độc vào các bộ định tuyến mạng và các thiết bị khác, cũng có thể đặt nền tảng cho các cuộc tấn công không gian mạng trong tương lai.

Cảnh báo mới nhất về sự xâm nhập của Nga là dấu hiệu khác cho thấy không gian mạng đang trở thành một trong những điểm nhấn cho sự căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây.

Chiến dịch “gián điệp qua mạng”

Cơ quan Tình báo Chính phủ Anh (GCHQ) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra cảnh báo, hàng ngàn máy tính xách tay và máy tính cá nhân tại nhà riêng trên khắp nước Anh đã bị thâm nhập để phục vụ cho các mục tiêu chính trị khác nhau. Tuy nhiên, tuyên bố chung không cung cấp chi tiết.

Một cảnh báo kỹ thuật chung nhấn mạnh, cả 2 quốc gia đều có sự “chắc chắn cao” trong phát hiện này. Cảnh báo này cho rằng, các vụ can thiệp mạng được nước Nga hậu thuẫn được nhiều nguồn báo cáo từ hồi năm 2015. Tài liệu này cũng hối thúc các Cty và các tổ chức khu vực bị ảnh hưởng phải hành động để nâng cấp các thiết bị có độ bảo mật thấp. Phía Anh lên án điều mà cả họ mà Mỹ mô tả là chiến dịch “gián điệp qua mạng” này, và cho rằng, đây là ví dụ khác về việc Nga coi thường các quy tắc quốc tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát hành động của các đối thủ Nga và sẽ nỗ lực chống lại họ trong mọi không gian của không gian mạng”, Phó Giám đốc của FBI Howard Marshall nói.

Tại Australia, hàng trăm Cty cũng bị tin tặc “thăm viếng” trong chiến dịch tấn công mạng toàn cầu, mà nước này cũng cáo buộc do Nga hậu thuẫn. Nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Australia Malcolm Turbull ngày 17-4 cho biết, các thiết bị kết nối bị tấn công có nguy cơ rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm và có thể được sử dụng để xâm nhập vào mạng lưới thông tin toàn cầu thông qua kết nối mạng. Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy các nguồn thông tin tại Australia bị rò rỉ, bất chấp việc hàng loạt Cty trong nước bị tấn công mạng.

Đòn gây áp lực lên Nga

Việc phát hiện các thiết bị kết nối mạng và định tuyến mạng có khả năng trở thành mục tiêu bị tấn công đã được Australia đưa ra cảnh báo từ tháng 8-2017. Tuy nhiên, giờ đây, Canberra mới chỉ đích danh Moscow đứng sau chiến dịch này.   

Động thái lần này của cả Mỹ, Anh và Australia, được giới chuyên gia nhận định là nhằm gây áp lực lên Điện Kremlin, do những lo ngại về khả năng Tổng thống Vladimir Putin sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn nữa sau vụ hàng trăm nhân viên ngoại giao Nga bị trục xuất do cuộc khủng hoảng đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

Nga và phương Tây cho đến nay vẫn chưa thể tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng này. Anh và các đồng minh phương Tây vẫn khăng khăng cho rằng, Nga đứng sau vụ đầu độc này, cáo buộc mà Moscow hoàn toàn bác bỏ. Trong diễn biến mới nhất, Anh ngày 17-4 nhấn mạnh, họ đã phát hiện ra rằng, chất độc thần kinh đã được sử dụng “dưới dạng chất lỏng” trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia. Và mục tiêu chính là nhà của cha con ông Skripal tại Wiltshire. Khi phân tích mẫu phẩm lấy từ nhà của ông Skripal, nồng độ chất độc Novichok được tìm thấy nhiều nhất trên các tay nắm cửa.

Nguy cơ chiến tranh mạng lần này đánh dấu căng thẳng mới nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương, trong bối cảnh cả hai bên đang đứng trước bờ vực xung đột nguy hiểm tại chiến trường Syria và vẫn bị phủ bóng bởi cuộc khủng hoảng đầu độc cựu điệp viên Nga.

KHẢ ANH