Nguyễn Bính - người đồng hành cô độc

Thứ tư, 04/12/2013 09:29

(Cadn.com.vn) - Tôi lớn lên, sổ tay thơ chép đầy thơ Nguyễn Bính-những "Lỡ bước sang ngang", "Cô lái đò", "Cô hái mơ", "Tương tư", "Chân quê", "Người hàng xóm", "Giời mưa ở Huế","Hành phương Nam"... Tôi cũng không hiểu mình thành chàng trai trước hay thuộc thơ tình Nguyễn Bính trước! Con gái Hà Nội, con gái tỉnh Nam xưa thuộc Kiều và thuộc cả tập thơ "Lỡ bước sang ngang". Nhà thơ của chúng ta đồng hành với ông thợ cắt tóc, với cô lái đò, các cô gái ngoại ô bơi thúng hái rau bên sông Tô Lịch cho đến các bà các cô trong phòng khuê nhung lụa.

Nhà văn Chu Văn kể câu chuyện về Nguyễn Bính và cô lái đò bên bến sông Châu tên Thoa thật cảm động: Nguyễn Bính hàng ngày đi chợ vẫn nhờ cô lái đò đưa sang nhưng không lấy tiền. Và hình như thi sĩ cũng có tặng cô thơ, nên cô rất quý ông. Khi nghe tin Nguyễn Bính mất, cô Thoa đã nấc lên nghẹn ngào, gục mặt lên mái chèo. "Ước chết thay cho thi sĩ !". Thế mới biết thơ thật diệu kỳ. Có lẽ vì có nhiều người đọc, nhiều người thuộc nên Nguyễn Bính là trường hợp nhà thơ hiện đại duy nhất thơ có nhiều dị bản. Khi còn sống, ông đã có nhiều bài thơ bị in nối dài thêm khổ, thêm câu.

Trong Tuyển tập Nguyễn Bính (NXB Văn học, 1986), chỉ riêng 60 bài thơ tuyển từ các tập thơ trước 1945, đã có 24 trường hợp có các đoạn thơ, câu thơ, chữ thơ có các bản in khác nhau, ấy là thơ đã tự nối dài cuộc đời, tự hóa thân để đồng hành được với nhiều tâm trạng. Có một Nguyễn Bính si tình-lại có một Nguyễn Bính thi sĩ của cuộc kháng chiến. Bài hát "Tiểu đoàn 307" phổ thơ Nguyễn Bính từ Nam Bộ chống Pháp đã cùng hành quân với các binh đoàn trong cả nước cho tới những ngày chống Mỹ thắng lợi với giọng hát liêu trai của ca sĩ Quốc Hương.

Nhà thơ Nguyễn Bính

Đồng hành thân thiết với nhiều thế hệ, nhưng Nguyễn Bính lại là một người cô đơn, cô độc. Ông cô độc cả về cảnh ngộ và tâm trạng thi sĩ, là một lữ khách giang hồ. Chỉ trong vòng 15 năm, từ 1939 đến 1954, theo địa danh ghi dưới các bài thơ Nguyễn Bính đã "lăn lóc có dư mười mấy tỉnh" Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vinh, Huế, Sài Gòn, lục tỉnh miền Đông. Ông đi và sống được nhờ lưng vốn thơ với tâm tình độc giả mến mộ. Rồi ở trọ một mình, xê dịch một mình. Hồi vô Sài Gòn năm 1939, có lúc phải ngã giá bán từng câu thơ đăng báo để kiếm sống. Tiền ít nhưng "Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết / Ngày mai ra sao rồi hãy hay... (Hành phương Nam). Kiếp giang hồ, nhiều khi nhà thơ  bơ vơ nơi sông khách:

Quê người đứng ngắm mây lưu lạc

Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng

Có lúc đơn chiếc đến tê dại trên sân ga:

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân ly

Nguyễn Bính yêu nhiều, yêu si mê, đã hiến cho tình yêu nhiều bài thơ đặc sắc, nhưng ông mãi mãi là người cô đơn trong tình yêu. Nhà văn Tô Hoài kể rằng, ngày trước, Nguyễn Bính đi đâu cũng kè kè cái hộp sắt tây, loại hộp bánh bích quy, nhưng không đựng bánh mà đựng toàn thư tình, thơ tình. Nguyễn Bính thỉnh thoảng lại mở ra đọc, ngắm rồi lại vuốt lại, xếp lại, đêm ngủ gối cái hộp trên đầu. Thì ra những bức thư, là thư tình cũ của các cô nương luôn thề non hẹn biển, có lúc dọa cắt tóc đi tu hay uống thuốc phiện, dấm thanh cho chết (!), nhưng chẳng ai chịu "ăn đời ở kiếp" với nhà thơ nghèo khó! Nguyễn Bính cắp cái hộp đựng tình yêu cũ ấy đi từ Bắc vào Nam như một bảo vật! Ông đi cô độc giữa cái mê hồn trận cay đắng ấy, để rồi chạm đến là ngân thành thơ.

Một thứ thơ nồng nàn mà se xiết phận người! Trong hồi ký "Cát bụi chân ai", Tô Hoài kể rằng, thời kỳ Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956) có một người con gái đã đến với ông. Họ có với nhau một mụn con đặt tên là Hiền. Rồi hai người xa nhau, cô gái mang cậu con trai đến trả cho Nguyễn Bính! Ngày ngày nhà thơ vác cậu bé một bên vai, như mèo tha con. Một tối kia, Nguyễn Bính say rượu bế con thẫn thờ ra phố. Rồi không hiểu sao, trong vô thức nhà thơ lại trao con cho một người đàn ông xa lạ trên đường. Trở về, cơn say vật Nguyễn Bính thiếp đi. Quá nửa đêm quờ tay không thấy con, lật đật chạy đi kêu cứu bạn bè, mặt mày tái nhợt. Mọi người đổ đi tìm khắp thành phố, đi báo nhờ Công an tìm... Nhưng, đứa con ấy ba chục năm ròng vẫn không tìm thấy... Ôi, cuộc đời nhà thơ sao mà đau khổ, thương tâm thế!

Nguyễn Bính-người đồng hành cô độc tuyệt vời của chúng ta  mất sáng 30 Tết Bính Ngọ, tức ngày cuối cùng năm Ất Tỵ (20-1-1966). Cuối năm 2007, trong đợt về thăm thành phố Nam Định, tôi đã cùng  người bạn thân nhạc sĩ Huy Tập về làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, H. Vụ Bản cách Nam định gần chục cây số viếng mộ Nguyễn Bính. Thắp nhang vái ông, tôi lại nhẩm những câu thơ ông viết về Huế  trong đợt hành phương Nam của nhà thơ đầu những năm 40 của thế kỷ trước.  

Giời mưa ở Huế  sao buồn thế

Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày

Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói

Trời mờ ngao ngán một loài mây

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại

Đập Đá mênh mang bến nước đầy

Đò vắng khách chơi nằm bát úp

Thu về lại giở gió heo may...

(Giời mưa ở Huế)

Nguyễn Bính đã sống và viết nhiều thơ về Huế. Trong hai tập "Người con gái lầu hoa" và "Mười hai bến nước" của ông có nhiều bài thơ đặc sắc về Huế, đã trở thành tài sản tâm hồn của mọi người. Người Huế không ai không thuộc đôi đoạn, đôi câu trong các bài "Giời mưa ở Huế", "Vài nét Huế", "Người con gái lầu hoa", "Lửa đò" "Xóm Ngự Viên"...

Từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều tập thơ và tuyển thơ Nguyễn Bính lại được in đi in lại, đến với độc giả yêu thơ cả nước.

Nguyễn Bính lại đồng hành với tuổi trẻ hôm nay và sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ lứa đôi mai sau. Thi sĩ ơi, thi sĩ là người cô độc, nhưng thơ mãi mãi là bạn đồng hành cùng trái tim con người.

Ngô Minh