Nhà nông thời nay (2)

Thứ ba, 14/10/2014 09:30

* Kỳ cuối: Nhà nông cần gì?

(Cadn.com.vn) - Nhiều nông dân ở Hòa Vang tâm sự với chúng tôi: “Làm giàu không khó...”. Nhưng cũng như cuộc sống vốn dĩ muôn đời, của người nông dân, dù cho có mô hình sản xuất nông nghiệp nào tiên tiến, hiện đại tới đâu chăng nữa, bà con vẫn phải “một nắng hai sương” tần tảo trên những cánh đồng của mình. Như lời lão nông Nguyễn Hữu Lời ở thôn Cẩm Nê, Hòa Tiến tâm sự: “Vất vả mấy tụi tôi cũng không sợ, chỉ cần được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ  là thành công...”.

Các cán bộ Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho chúng tôi một danh sách các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố năm 2014. Điểm qua những gương mặt nông dân điển hình, đều là những nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  Ông Lê Văn Chiến, tổ 10, P. Xuân Hà, Thanh Khê với hoạt động sản xuất, đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa, làm chủ 2 con tàu đánh bắt xa bờ, với 20 lao động. Sản lượng khai thác hàng năm đạt 1.200 tấn, đạt doanh thu 240 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động 80 triệu đồng một năm,  lãi ròng mỗi năm của chủ tàu 1 tỷ đồng.

Vườn lan cảnh được đầu tư hơn 550 triệu đồng của anh Nguyễn Xuân Hùng,
thôn Dương Sơn 1, Hòa Châu, H. Hòa Vang. Ảnh: H.T

Ông Lê Văn Khoa, tổ 63, P. Hòa Cường Nam, Hải Châu, đã tận dụng 6.000m2 đất quy hoạch còn bỏ hoang trồng cây cảnh, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên, với thu nhập 4,5 triệu đồng mỗi người một tháng; 40 lao động mùa vụ với thu nhập 6 triệu đồng người/tháng. Tổng doanh thu của ông Khoa hơn 2,4 tỷ đồng mỗi năm. Ông Lê Cao Thứ ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang với mô hình sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi, thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động có thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng mỗi người một tháng, doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm, lãi ròng trên 700 triệu đồng. Ông Trương Công Giáo, thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang với mô hình sản xuất kinh doanh hàng thủ công, mỹ nghệ, hàng năm dạy nghề cho hàng chục  người lao động có công ăn việc làm ổn định...

Chỉ vài gương mặt điển hình như vậy, cũng cho thấy nông dân ở Đà Nẵng làm ăn  giỏi như thế nào. Trong bài viết này, chúng tôi chưa có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu hết con đường làm giàu của những nông dân điển hình nêu trên, dĩ nhiên, mỗi con người một số phận, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người tự tìm tòi vươn lên với phương pháp sản xuất kinh doanh riêng của mình, nhưng tựu chung, tất cả là sự vượt khó, là sự tần tảo mà vốn dĩ sẵn có trong mỗi người nông dân cần cù ấy...

Quay trở lại với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những địa phương chúng tôi đã đến, theo chân anh ông Ngô Văn Lâu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu (H. Hòa Vang), chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Xuân Hùng, ở thôn Dương Sơn 1. Anh Hùng hiện là một xã viên cốt cán, đồng thời cũng là “bà đỡ” cho mô hình trồng “Hoa lan kết cành” đang được triển khai đầu tư xây dựng của Hòa Châu. Năm nay mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhưng từ năm 2012-2013 anh Hùng đã lặn lội, tìm tòi khắp trong Nam ngoài Bắc về một mô hình phát triển sản xuất, sao cho phù hợp với địa phương mình, gia đình mình.

Đầu năm 2013, anh Hùng lặn lội vào tận Đà Lạt, nghiên cứu, học hỏi mô hình trồng hoa lan cảnh, trở về  địa phương, từ nhiều nguồn vốn  của gia đình, kể cả vay mượn, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 550 triệu đồng, xây dựng mô hình trồng hoa lan cảnh  trên diện tích khoảng 400m2 vườn. Kết quả thật không ngờ, hoa lan cảnh hợp với thổ nhưỡng đất đai, khí hậu phát triển rất tốt, hoa lá xanh tươi, rực rỡ. Hiện anh có hơn 1.000 gốc lan, giá  gốc lan tùy loại ở thị  trường Đà Nẵng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Nhiều khách hàng đã tìm tới mua lan, và anh Hùng cũng nhận được nhiều hợp đồng cung cấp hoa lan cảnh ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Hiện anh Hùng đang là người tiên phong trong công tác tập huấn, hướng dân người dân ở Hòa Châu về kỹ thuật, phương pháp trồng hoa lan cảnh, khi mô hình trồng lan kết cành ở Hòa Châu đi vào hoạt động.

Vườn bí của gia đình ông Nguyễn Hữu Lời trên dự án trồng rau sạch Cẩm Nê, Hòa Tiến.

Đến tham quan mô hình trồng rau sạch, an toàn ở Hòa Tiến, các lão nông Ngô Ngọc Kiên, Nguyễn Hữu Lời ở thôn Cẩm Nê đều cho chúng tôi biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận một mô hình sản xuất khoa học, tiên tiến và hiện đại...”. Đúng như lời ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ nguồn vốn ADB, UBND xã đã triển khai mô hình ban đầu trên diện tích 18 ha, xã đầu tư cải tạo mặt bằng, xây dựng đường điện, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu, hệ thống nhà lưới che chắn mưa, gió, nắng,  trên mỗi khu vực đã khoanh vùng đều có hệ thống nhà chứa, hệ thống nước rửa, làm vệ sinh sản phẩn rau trước khi đưa ra thị trường. Lão nông Nguyễn Hữu Lời phấn khởi: “Hiện gia đình tôi nhận 1.700 m2 trên mô hình dự án trồng rau sạch của xã,  tức là hơn 3 sào, trung bình mỗi sào tôi thu nhập trên 5 triệu đồng một lứa rau, gấp 3 lần trồng lúa. Tôi đang cố gắng động viên gia đình nhận thêm diện tích để trồng rau...”.

Nắm trong tay tiền tỷ, nhưng những người nông dân tôi gặp trên những cánh đồng rau sạch vẫn còn những trăn trở: “Vất vả đến mấy chúng tôi cũng không sợ, chỉ cần Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi về vốn để mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất, phương tiện máy móc để đảm bảo về điện, nước khi mùa mưa bão, khô hạn xảy ra... hỗ trợ về đầu ra của sản phẩm rau làm sao có nơi cung cấp ổn định về giá cả, sản lượng...”, lão nông Nguyễn Hữu Lời tâm sự.

Ông Nguyễn Đình Anh nhận xét, lo lắng, trăn trở của bà con nông dân là rất đúng, bởi khó khăn lớn nhất là đầu ra của các loại sản phẩm nông nghiệp, từ rau, nấm, lúa, cho tới các sản phẩn chăn nuôi như heo, gà, vịt... Chính vì vậy, không riêng gì ở Hòa Tiến, các địa phương khác như Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương... mặc dù đã có các mô hình sản xuất, người dân đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, nhưng số hộ nông dân tham gia chưa cao. Nên chăng, trong thời gian tới, chính quyền và ngành chức năng các cấp của thành phố cũng cần có những kế hoạch,  nghiên cứu như thành lập các hiệp hội, HTX, doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân ở những  vùng có dự án, có mô hình đã quy hoạch triển khai sản xuất. Hỗ trợ về giá cả, về nguồn vốn để phát triển sản xuất... để người nông dân yên tâm sản xuất trên đồng đất của mình, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt nhất, phục vụ cho xã hội và  mang lại hiệu quả thu nhập làm đổi thay hơn nữa đời sống nông thôn ở Đà Nẵng.

Ghi chép: Hồng Thanh