Nhà nông thời nay

Thứ hai, 13/10/2014 10:00

* Kỳ 1: Nông dân làm khoa học...

(Cadn.com.vn) - Một điều dễ cảm nhận và hiển hiện trước mắt là nông thôn ở Đà Nẵng bây giờ đổi thay thấy rõ. Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) thực sự là một động lực quan trọng làm thay da đổi thịt bộ mặt của nhà nông. Cũng từ đây. Những người nông dân chân lấm tay bùn thuở nào đã tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch đa dạng hóa ngành nghề, đưa sản phẩm nông nghiệp ra với thị trường nhanh nhất, hiệu quả nhất...

Mô hình trồng rau sạch, an toàn ở Hòa Tiến, Hòa Vang.

Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến giới thiệu: Hòa Tiến có tổng diện tích đất gieo trồng là 1.482 ha, trong đó đất trồng lúa hơn 1.000 ha, ngô 70 ha, đậu phụng 90 ha, rau màu các loại 320 ha. 9 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 6.688 tấn.  Trong số diện tích đất nông nghiệp nói trên, có 160 ha chuyên canh trồng lúa giống chất lượng cao, cung cấp cho các Cty giống Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước. Xã cũng đã tổ chức sản xuất thí điểm mô hình cánh đồng Mẫu lớn tại 2 thôn Yến Nê và La Bông, trên diện tích 50 ha. Tức là trên cánh đồng này được canh tác một cách đại trà, cùng cày bừa, xuống giống, chăm bón cùng một thời điểm, ứng dụng những phương pháp khoa học, kỹ thuật như nhau, cho ra sản phẩm là loại gạo thương phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Đây là mô hình do Đại sứ của  3 nước Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tài trợ  lần đầu tiên được triển khai ở khu vực miền Trung.  Mô hình trồng rau sạch, rau an toàn bằng phương pháp khoa học, công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng đã được triển khai hơn 18 ha đem lại hiệu quả rất cao. Từ năm 2011, xã đã thành lập hẳn một Hợp tác xã trồng nấm, thu hút hơn 70 hộ xã viên tham gia, thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng một năm. Xã  đã có 10 trang trại chăn nuôi heo theo mô hình công nghiệp tiên tiến, trong đó một trang trại có lượng lên tới 1.000 con heo mỗi lứa, 9 trang trại còn lại hơn 300 con heo, toàn bộ sản lượng heo khi xuất chuồng đều được một Cty ở Thái Lan bao tiêu sản phẩm.

Xã  cũng đã có 10 doanh nghiệp với các ngành nghề như xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, may xuất khẩu... thu hút hơn 1.500 lao động tại địa phương và vùng lân cận. Hiệu quả nhất vẫn là 2 HTX nông nghiệp hình thành và phát triển từ ngày giải phóng đến nay, nhiều năm liền là những HTX đi đầu của Đà Nẵng và Liên minh HTX Việt Nam. Đây chính là những “bà đỡ” cho hầu hết các mô hình xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn xã.

Lão nông Nguyễn Hữu Lời, ở thôn Cẩm Nê, Hòa Tiến chăm sóc vườn khổ qua
trên dự án vùng rau sạch.

 Với những mô hình xây dựng và phát triển KT-XH mạnh mẽ, Hòa Tiến đang trở thành một địa phương đi đầu trên cả nước trong mô hình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Đình Anh kết luận: “Tất cả các mô hình phát triển kinh tế ở Hòa Tiến đều vận dụng và ứng dụng trên cơ sở khoa học kỹ thuật”.

 Ông Ngô Văn Lâu,Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu cũng khẳng định với chúng tôi, chỉ có chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới làm thay đổi đời sống người nông dân được.  Từ tháng 12-2012, trên địa bàn xã đã thành lập HTX chuyên trồng hoa cảnh, hoa tết, đã có 14 hộ xã viên tham gia. Từ mô hình ban đầu này, nhà nước đầu tư hơn 600 triệu đồng, bao gồm hệ thống đường điện, máy bơm, hệ thống tưới tiêu... bà con xã viên cũng bỏ vốn mua giống, phân bón, Hội Nông dân, HTX tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật...

Trên diện tích ban đầu 3 ha tại thôn Dương Sơn chuyên trồng các loại hoa cúc chậu, mào gà, hoa bán ngày mồng 1, ngày rằm, hoa phục vụ tết... Thành công ban đầu đã đạt kết quả vô cùng khả quan: năm 2013, doanh thu đạt hơn 2 tỷ, lãi ròng hơn 400 triệu đồng... Từ thành công ban đầu này, UBND xã, Hội Nông dân quyết định nâng cấp mô hình lên tầm cao hơn, UBND TP hỗ trợ 300 triệu đồng, UBND xã và các hộ xã viên góp vốn đầu tư thêm 800 triệu đồng, triển khai trên diện tích hơn 1.000 m2 cũng tại thôn Dương Sơn với mô hình trồng “Hoa lan kết cành”, theo kế hoạch cuối năm 2014 này, mô hình sẽ đi vào hoạt động.

Mô hình trồng nấm cũng đang phát triển ở Hòa Châu, hiện nay đã có  20 hộ nông dân tham gia, Hội Nông dân cũng đã mở các lớp tập huấn, mô hình đã đi vào hoạt động sản xuất có hiệu quả, bình quân thu nhập mỗi hộ nông dân từ 40 đến 50 triệu đồng một năm. Ông Ngô Văn Lâu cho biết, Hòa Châu là địa phương cũng có nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch, giải tỏa đền bù, hiện trên địa bàn xã có hơn 1.000 hộ nông dân không còn đất sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng hoa, trồng nấm sẽ là cơ hội tạo việc làm, tạo thu nhập cho người nông dân trong thời gian tới...

Cũng như ở Hòa Châu, mô hình trồng hoa và rau sạch đang phát triển ở Hòa Phước. Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ tháng 11-2013, đã thành lập một HTX trồng hoa cao cấp, trên diện tích 6 ha. UBND xã chuẩn bị mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, như hệ thống điện, nước tưới tiêu với kinh phí ban đầu hơn 300 triệu đồng,  xã viên góp vốn, mua cây giống, phân bón... Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên về kỹ thuật chăm sóc cây. Với 14 xã viên ban đầu, chỉ ngay vụ hoa tết năm 2013, đã đạt doanh thu hơn 700 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi xã viên đạt hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Điều đáng mừng là theo kế hoạch, tết năm 2015 sắp tới, thành phố sẽ hợp đồng để HTX cung cấp sản phẩm hoa cảnh cho dự án đường hoa tết của thành phố.

Như vậy, bà con nông dân càng yên tâm sản xuất hơn. Cùng với hoa, cánh đồng rau sạch hơn 16 ha triển khai ở thôn Giáng Nam 1, hiện đã canh tác ổn định 3 ha với các loại rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm  gồm bí, dưa, khổ qua, rau cải... toàn bộ quy trình trồng rau, cho đến đầu ra của sản phẩm rau sạch được Cty Việt Thiên Ngân đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Vậy là, khi người nông dân đã làm quen và bắt tay vào sản xuất bằng khoa học kỹ thuật, không phải tìm đâu xa, ngay trên đồng đất của mình, cuộc sống đang ngày một đổi thay...

H.T
(còn nữa)