Nhà nông trắng tay sau trận lụt “trái mùa”

Thứ bảy, 28/03/2015 20:29

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê ban đầu, trận lũ lụt “lịch sử giữa tháng 2 âm lịch” trong những ngày qua khiến nhà nông xứ Quảng thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Theo đó hàng trăm hecta hoa màu, ruộng lúa dọc những triền sông mất trắng. Nhiều người dân đang lâm vào cảnh nợ nần. Đặc biệt, trận lũ lụt này đã khiến một cháu bé tử nạn.

“Dưa đắng”

Sau hai ngày bị nước lũ ngâm, sáng 28-3, khi nước đã rút, hàng chục hộ dân sống dọc triền sông Vu Gia qua các xã Đại Nghĩa, Đại Đồng, Đại Cường… (H. Đại Lộc) hối hả ra đồng vớt vát những gì còn sót lại trong đống bùn non. Những đám dưa bạt ngàn đến mùa thu hoạch nằm trải dài dọc triền sông. Ông Phạm Nhân (trú thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa) ngậm ngùi: “Rứa là mất trắng. Dưa hấu mà ngâm nước lũ thì ruột thối hết. Không thể bán được! Tiếc công, tiếc của nên mới vớt về để cho bò ăn thôi”.

Ông Nhân cho biết thêm, ông sống ở đây gần hết đời người rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ lại xảy ra vào tháng 2 Âm lịch. Được biết, những đám dưa trên được người dân trồng vào tháng 11-2014 (ÂL), đến nay sau 3 tháng đã bước vào giai đoạn thu hoạch. “Thương lái cũng đã đến đặt cọc giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg nhưng nay dưa đã hư hỏng hết đành phải trả lại tiền cho họ. Thậm chí có gia đình lỡ tiêu tiền nhận cọc rồi chừ không biết tính răng. Ước tính, mỗi hacta dưa hấu cho thu về khoảng 100 triệu đồng, chừ mất trắng hết rồi”- ông Nhân cho biết thêm.

Giữa cánh đồng Mỹ Thuận, ông Nhân cùng gia đình và hàng chục người dân khác lội bì bõm giữa nước lũ để chất dưa lên thuyền chở về. Chỉ tính riêng diện tích hoa màu dọc sông Vu Gia qua địa bàn các xã trên đã có hơn 60ha bị ngập lụt. Ngoài ra, nước lụt cũng đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa trong thời kỳ làm đòng. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc cho biết: “Mưa lớn với lượng mưa trên 200mm liên tục những ngày qua, cộng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân Đại Lộc. Thiệt hại nặng nhất là các hộ trồng dưa hấu, vì dưa hấu ngâm trong nước lụt vài ngày coi như bỏ”.

Còn chị Trương Thị Lào (trú thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang) cho biết: Tôi bỏ ra 24 triệu đồng mua phân bón, giống và thuê người chăm sóc. Một sào dưa đạt năng suất 1-1,5 tấn, với giá bán giá rẻ nhất là 3.000 đ/kg thì tôi sẽ thu được khoảng  60 triệu đồng/12 sào dưa. Thế nhưng, lũ về đã mất sạch. “Nước lũ lên quá nhanh, có nơi ngập 1-2 m, thấy dưa nổi lềnh bềnh nhưng không vớt được, vì nước chảy mạnh. Từ sáng đến giờ vớt được 5 tạ dưa chưa chín nên thương lái chẳng mua. Hiện mang về, ai mua được giá nào cũng bán, vớt vát tiền phân bón”, chị Lào chua xót…

Đặc biệt, chiều ngày 27-3, khi nước lũ đột ngột đổ về, cháu Nguyễn Hoài An (10 tuổi, trú thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường, H. Đại Lộc) đi theo người thân ra đồng. Khi đến khu vực bờ kè thôn 8 thì bất ngờ trượt chân ngã xuống nước và bị nước cuốn trôi. Đến sáng ngày 28-3, người dân mới tìm thấy thi thể của cháu An.

Không riêng gì các xã của H. Đại Lộc, nằm bên kia sông Thu Bồn, người dân trồng dưa, rau màu các xã Điện Trung, Điện Quang, Điện Phong (H. Điện Bàn) cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong khi đó, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão H. Nông Sơn (Quảng Nam), do mưa lớn, nước lũ dâng cao đã làm hơn 50 ngôi nhà bị ngập, sạt lở. Mưa lớn cũng đã làm sạt tuyến đường đi Đại Bình, Quế Phước đi Quế Lâm với khoảng 180 m3 đất đá, bồi lấp một số tuyến kênh, hư hại hơn 120ha ngô và rau màu các loại, 150ha lúa vụ đông xuân đang làm đòng. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 7 tỉ đồng.

Nước lũ tràn đồng, dân đòi… kiện xã

Trời hại đã đành, trong khi đó, tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành, Quảng Nam) hàng trăm hộ dân của thôn cho biết đang chuẩn bị làm đơn khởi kiện chính quyền vì để... nước lũ tràn lên đồng phá hoại hoa màu, rau lúa. Theo trình bày của người dân cho biết, do mưa liên tục trong các ngày nên trưa 27-3, nước sông Thạch Kiều dân lên cao tràn vào các cánh đồng dưa, lúa. “Mấy năm trước trời cũng mưa to vậy, nhưng nước không dân cao lên đồng. Năm nay do địa phương vừa nâng cấp đập Bá Thắng nên nước không có đường thoát. 11 giờ trưa ngày 27-3, dân chúng tôi điện báo xã để nói người lên tháo cửa đập để nước có đường thoát. Nhưng xã không tin, cho rằng chúng tôi nói đùa. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, khi nước đã ngập trắng đồng thì Ban thủy lợi của xã mới mới lên mở cửa đập cho nước thoát”- bà Trần Thị Nhị kể lại.

Trong biên bản hiện trường lập chiều ngày 27-3 của người dân thôn Thạch Kiều cho thấy, có đến khoảng 100ha hoa màu, rau lúa của người dân bị thiệt hại. “Biên bản hiện trường của Ban nhân dân thôn là đúng sự thật. Do đập Bá Thắng chắn ngan nên nước mưa ối làm ngập vào cánh đồng gây thiệt hại cây trồng…”-ông Đỗ Ngọc Lợi, Trưởng thôn Thạch Kiều xác nhận.

Ngày 28-3, có mặt tại thôn Thạch Kiều chúng tôi chứng kiến cảnh người dân hối hả mang máy bơm, gàu sòng ra đồng để hút, tát nước. “Hút là hút vậy thôi, chứ dưa này mà nước lụt ngâm vào rồi thì hư hết. Tiếc công tiếc của bỏ ra nên chừ chúng tôi với vát vậy thôi chứ hư hết rồi”- ông Trần Thanh Phương, người có gần 6 sào dưa bị ngập nước than thở. Cạnh đó, những đám đậu phụng chưa đến kỳ thu hoạch của người dân nằm triền sông cũng bị nước tràng lên gây xói lỡ, trơ gốc, hạt nổi lên mặt đất nằm trắng xóa…

Khác với những cánh đồng dưa ở Đại Lộc, Điện Bàn đã đến thời kỳ thu hoạch, dưa người dân thôn Thạch Kiều chỉ mới trong giai đoạn kết trái. Song nước lũ tràn lên đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. “Mưa không lớn lắm nhưng nước ngập lên đồng lớn hơn cả lụt năm Thìn. Ngoài dưa, đậu ra, lúa ở thôn này đang giai đoạn làm đòng mà gặp phải nước lụt ngâm vào thì lép hạt hết. Nếu chính quyền cho xả đập sớm như chúng tôi điện báo thì đã không gây thiệt hại lớn như vậy. Giờ nếu xã không có phương án hỗ trợ thích hợp cho người dân thì chúng tôi sẽ kiện ra tòa”- ông Phạm Văn Danh, đại diện cho người dân thôn Thạch Kiều bức xúc.

Thiệt hại nặng

Chiều ngày 28-3, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (BCH PCTT) tỉnh Quảng Nam cho biết, theo thống kê ban đầu, do ảnh hưởng của mưa lũ diễn biến trong những ngày qua, tại địa phương có 8 huyện bị thiệt hại với giá trị ước tính gần 82 tỉ đồng. Cụ thể, các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ gồm: Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn và Nông Sơn với tổng diện tích lúa bị hư hỏng hoàn toàn là 130ha, lúa bị ngập và ngã đổ hơn 2.780ha; diện tích hoa màu bị hư hại gần 1.560ha.

Theo BCH PCTT tỉnh Quảng Nam, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là Phú Ninh (tổng thiệt hại hơn 23 tỉ đồng) và Điện Bàn (thiệt hại hơn 22 tỉ đồng).

“Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh nước lũ tràn về vào thời điểm tháng 3 như vừa qua. Đây là một hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan. Tuy nhiên, trong đợt lũ này, thủy điện không xả lũ mà xảy ra lũ là do lượng mưa quá lớn tập trung phía thượng nguồn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục thống kê các thiệt hại do trận mưa lũ này gây ra”- ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết.

Bão Bình