Nhà thơ Đông Trình và thơ thiếu nhi
Nhắc đến nhà thơ Đông Trình, bạn đọc thường mường tượng đến một tác giả với những câu thơ giàu cảm xúc, sâu nặng tình yêu quê hương đất nước và đầy tính chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Hơn 40 năm làm công tác dạy học, công tác mặt trận và cầm bút làm thơ, làm báo, những tưởng trong suy nghĩ và cảm xúc của ông sẽ trở nên nặng trĩu tư duy của một người lớn tuổi, luôn có cái nhìn suy tư và trầm mặc về thân phận con người, đất nước. Thế nhưng, bên cạnh những bài thơ sôi nổi mang tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc trong những năm trước 1975, những bài thơ mang nặng tính ưu tư về cuộc sống, con người, nhà thơ Đông Trình còn là một người cầm bút viết cho thiếu nhi.
Nhà thơ Đông Trình và cháu nội. |
Tâm sự với độc giả trong lời mở đầu tập sách “Nếm mật” (NXB Đà Nẵng, 1995) ông viết: “Mỗi người lớn chúng ta, ai cũng có một đứa bé đang dần mất đi trong tâm hồn. Ở mỗi các cháu, cũng đang có một người lớn dần hình thành để tự khẳng định. Tôi viết tặng một người lớn trong trẻ con và một trẻ con trong người lớn. Qua những bài thơ viết cho thiếu nhi, tôi muốn tâm sự với các cháu điều này: Thế giới tâm hồn trẻ thơ là một thiên đường có thật, lung linh và kỳ diệu đến mức làm cho người lớn choáng ngợp. Hạnh phúc lớn nhất đối với các cháu là được sống hồn nhiên trong thiên đường không bao giờ trở lại của đời người. Đối với người lớn, tôi cũng muốn nhắn gởi một điều đã cũ nhưng hình như ngày càng ít được quan tâm: Ai không hiểu được con cái mình thì thật khó trở thành bố mẹ…”.
Và cứ thế ông thỏ thẻ từng lời như tâm sự với con với cháu qua những vần thơ trong trẻo hồn nhiên. Những câu thơ thật ngộ nghĩnh nhưng không kém phần sâu sắc gợi nên những ý tưởng và suy nghĩ trong tâm hồn trẻ con.
Như trong bài “Nâng” ông viết:
Cành cây nâng tán lá non/Mặt sông nâng chiếc thuyền con bồng bềnh/Gió nâng bổng cánh diều lên/Bàn chân nâng bước người trên đường dài/Đôi tay nâng cháu bà ngồi/Ngày mai có một mặt trời biển nâng…
Ngôn ngữ và hình ảnh trong bài thơ thật dễ hiểu để một học sinh cấp 1 có thể dễ dàng nắm bắt và cảm nhận được nhưng bài thơ lại mang nội dung sâu xa, hàm súc, chứa đựng tình cảm, tình yêu con người, tình yêu bà cháu và niềm hy vọng thật trong sáng và tươi đẹp trong bước đường tương lai của trẻ thơ. Bài thơ viết cho trẻ em mà cũng lại là viết cho người lớn. Hình ảnh người bà “nâng cháu trên tay” với ước mơ ngày mai lớn khôn cháu sẽ nên người, cũng là ước mơ chung của biết bao gia đình, ông bà, cha mẹ khác với tình cảm yêu mến đặc biệt, sự nâng niu, bảo bọc chăm sóc với con cháu mình trong mỗi gia đình Việt Nam.
Ở bài thơ khác như “Tạm biệt Trung thu” ông viết:
Đứa đóng vai ông Địa/Lại trở về … bạn Sơn/Nhìn đầu tóc mới tỉa/Bạn bè trông thật hơn!/Cái đứa mang đầu Lân/Nay nguyên hình … bạn Thái/Múa may rất mềm mại/Giờ vào lớp im khô!/Tạm biệt nhé, Trung thu/Hẹn sang năm gặp lại/Nhìn bạn Sơn, bạn Thái/Cả lớp khúc khích cười!/Những ông Lân, ông Địa/Chỉ là đóng kịch chơi/Lâu dài và bền bỉ/Phải học để làm người.
Bài thơ như một lời nhắn nhủ đầy yêu thương với những em thiếu nhi, học sinh phải luôn nỗ lực học tập nhưng cũng là sự hòa đồng cùng con trẻ trong niềm vui, sự hồn nhiên thích thú khi được chơi múa lân trong mùa Trung thu.
Ở bài “Bà và Cháu”, người đọc lại nhận ra một khía cạnh khác trong ý nghĩa của từ ngữ, sự phong phú và đa nghĩa của tiếng Việt. Những từ đồng âm nhưng lại mang ý nghĩa rất khác nhau. Những cụm từ “ngựa đen – ngựa ô”, "chó đen – chó mực", … "con trẻ - trẻ con" như tạo nên sự thú vị cho người đọc. Sự tò mò của đứa trẻ trong những câu hỏi về từ ngữ tiếng Việt với người bà của mình tạo nên sự riêng biệt cho bài thơ: Gà đen gọi là… gà quạ/Ngựa đen gọi là… ngựa ô/Chó đen là con… chó mực…/Cháu nghe quá đỗi bất ngờ!/-Con la là con của lừa/Trâu con là con trâu nghé/-Tiếng nói của mình hay thế!/-Bò cái sinh ra chú …bê…/-Con bê, con nghé, con la…/Chẳng ai gọi là… con trẻ!/-Bà ơi, tại sao thế nhỉ?/-Con trẻ dành cho… trẻ con!
Bìa 2 tập thơ dành cho thiếu nhi đã xuất bản của nhà thơ Đông Trình. |
Sự kết nối giữa trẻ con và người lớn hài hòa tạo nên một tổng thể của sự vật và cuộc sống xung quanh trong một thế giới đầy sinh động và nhiều màu sắc. Người lớn cùng chơi với trẻ, cùng làm với trẻ em và cũng là người giáo dục, định hướng bước đi hành trình trong tương lai của các em thiếu nhi…
Với khoảng chừng hơn 100 bài thơ được in trong hai tập sách “Những chiếc xe màu lửa” (NXB Đà Nẵng, 1992) và "Nếm mật" ( NXB Đà Nẵng -1995), nhà thơ Đông Trình đã để lại những bài thơ đặc sắc giàu tính giáo dục, chan chứa tình cảm, tình yêu thương dành cho các em thiếu nhi. Những bài thơ ngắn với hình ảnh, nội dung dễ hiểu nhưng chứa đựng ý nghĩa, mang nội dung sâu sắc tạo nên sự gắn kết giữa trẻ em và người lớn, để từ đó người đọc trở nên hiểu hơn rằng: Trong tình yêu thương gia đình, sự đùm bọc lẫn nhau, tình yêu thương con cháu và sự giáo dục đúng cách sẽ là những nhịp cầu nối tình cảm giúp trẻ con lớn dần lên trong nhận thức và hiểu biết; Giúp trẻ em trở thành những con ngoan, trò giỏi và là người có ích cho xã hội sau này.
Chính vì vậy, hai tập sách “Những chiếc xe màu lửa”, “Nếm mật” đã được nhiều bạn đọc yêu mến. Tập sách “Những chiếc xe màu lửa” đã nhận được giải thưởng của Ủy Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam (1994).
Nguyễn Hữu Hồng Sơn