Nhà thơ Ngô Xuân Hội với "Những quả me chín dần"
(Cadn.com.vn) - Nhớ hôm đi Đại hội Nhà văn tháng 7-2015, Ngô Xuân Hội khoác vai bảo:"Em có tập thơ "Những quả me chín dần" gồm 50 bài. Nhờ bác đọc, loại những bài yếu kém (theo ý bác), rồi viết cho em một bài giới thiệu, khen chê thoải mái". Ai chứ Ngô Xuân Hội thì không từ chối được. Vì Ngô Xuân Hội là chỗ quen thân từ mấy chục năm nay, anh lại lấy vợ Huế. Hơn nữa Ngô Xuân Hội là người tử tế, văn chương tử tế.
Tập thơ Những quả me chín dần là tập thơ thứ 4 của Ngô Xuân Hội. Các tập trước là Tiếng chim miền gió (1989), Con mắt than (1989), Những con chim kêu đêm (1995). Nghĩa là 20 năm nay anh mới xuất bản tiếp tập thơ mới. Nói là mới thực ra có rất nhiều bài thơ trong tập viết từ hai ba chục năm trước, nay tập hợp lại. Cái tít sách Những quả me chín dần thật gợi. Người đọc chưa mở tập thơ đã nghĩ ngay đến sự chín dần của cảm thức thơ, cảm thức thời cuộc, chín dần về nghề nghiệp văn chương, chín dần về khả năng nhặt nhạnh chất liệu, ấp ủ, cần mẫn trong tìm tòi và cẩn trọng trong viết lách của tác giả. Hãy đọc bài thơ mà tên của bài lấy đặt cho tên tập thơ: Những cây me làng tôi/ Có từ thời Nguyễn Huệ/ Trải qua bao dâu bể/ Như sông núi trường tồn... Nhưng rồi thời đổi mới, cây me không còn nữa, mà bị đốn vì quy hoạch, vì dự án, vì làng lên phố, nên Cây vì người, hy sinh... Buồn quá! Thơ Ngô Xuân Hội không tượng trung, siêu thực, hậu hiện đại hay tân hình thức, không mới về câu chữ, ý tứ hay cấu trúc lạ. Thơ anh là thơ tự sự với thể thơ truyền thống, ngôn ngữ truyền thống, chân chất, dân dã. Đó là những câu chuyện đời, chuyện đất nước, quê hương anh từng trải, được kể lại một cách cô đọng bằng thơ.
Có điều tự sự Ngô Xuân Hội khác người ở chỗ, phía sau câu chuyện anh lẩy ra được nhưng day dứt, băn khoăn, những chiêm nghiệm về đạo lý và nhân sinh, nên dễ găm vào lòng người đọc. Quan sát Chú bé nhìn lên vòm lá, say mê nhìn con chim sâu đang nhảy nhót trên cành, tác giả không hiểu tâm trạng chú bé đang thích thú với chú chim sâu. Cho đến khi con chim vụt biến vào trời/ Chú mới giã từ vòm cây nuối tiếc/ Nhặt cái rổ lên cặp nách/ Bé đi, nắng chiếu lung linh, tác giả mới phát hiện ra một điều hệ trọng: Tôi đứng mãi theo bóng em xa hút/ Biết nhiều niềm vui đã bỏ rơi mình. Đó là sự nhạy cảm, sự bừng thức run rẩy của hồn thơ trước cái đẹp tuổi thơ bị mất!
Bài thơ Những ông bố thời bao cấp lại tự sự về những điều hệ trọng hơn của một thế hệ người Việt thời hậu chiến. Câu chuyện tỉ tê về những ông bố nuôi dạy con: Không nghiện hút, mê game, không cờ bạc kim tiền/ Đến lớp vâng lời thầy, về nhà vâng lời bố... Nhưng thời thế thay đổi làm con người mất phương hướng sống, dẫn đến mất niềm tin vào tương lai: Những ông bố thời bao cấp khốn khổ/ Lo cho con mà chẳng biết lo gì/ Nuốt nước mắt vào trong ngày tiễn con đi/ Thư gửi con chiến trường toàn động viên, nhắc nhở/ Rồi cơ chế bao cấp vỡ/ Những ông bố bao cấp già/ Con các ông đứa nằm lại trong rừng, / đứa trở về từ những chiến trường xa/ Sấp ngửa thị trường trước mặt... Đúng là không thể lường được. Tôi đọc bài thơ với niềm ngậm ngùi chia sẻ và cảm thông sâu sắc!
Xin nói thêm về những chiêm nghiệm, chiêm cảm của Ngô Xuân Hội trong bài thơ Nhớ tiếng mèo ngõ vắng. Chỉ nghe thiếu vắng một tiếng mèo trong ngõ thôi mà tác giả nghĩ đến con người đang tàn phá môi trường sống của mình: Những chú miu con hóa hổ đồng bằng/ Quán sá ngổn ngang hạ cám thượng vàng/ Con người đua nhau băm viên nướng chả/ Trời không còn chim, sông sâu hết cá... Rồi tai họa sẽ đến với con người khi kết cấu tự nhiên của môi trường bị phá vỡ:
Bỗng thấy thiếu tiếng mèo đến thế
Tôi nằm lo một cái gì như thể
Một tai ương sắp dội xuống phàm trần.
Hay bài thơ Luật trời, mưa nắng theo mùa là quy luật của trời đất. Nghĩ về chuyện mưa nắng, Ngô Xuân Hội day dứt về cõi nhân gian sớm nắng chiều mưa: Chúng ta sống trong cõi nhân gian lắm toan tính, đổi thay/ Việc trời luôn giữ luật nắng mưa với nhiều người đã thành niềm an ủi/ Hay cõi nhân gian sớm nắng chiều mưa thay đổi.
Một mảng thơ đậm đà trong Những quả me chín dần là mảng viết về gia đình, bố mẹ, vợ, con. Ngô Xuân Hội là nhà văn có cuộc sống xê dịch, lang thang ta bà nhất trong các nhà văn tôi quen biết. Anh học nghề mỏ, rồi làm thợ khai thác, làm cán bộ mỏ than Thống Nhất, một mỏ chuyên khai thác than hầm lò ở thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chẵn 10 năm. 3 năm học Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội; 5 năm công tác ở Hội Văn Nghệ thành phố Nha Trang; rồi 5 năm nữa làm Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Chán đời công chức tù túng, năm 1991 bỏ Nxb Nghệ Tĩnh làm người tự do, lang bạt vào Huế lấy cô gái bán sách xinh đẹp tên Giao Trinh làm vợ, rồi hai vợ chồng vào sống ở TPHCM đến nay. Xa quê từ lúc trẻ đến năm nay đã 64 tuổi, Ngô Xuân Hội vẫn đau đáu về quê hương Yên Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An của mình. Những bài thơ anh viết về mẹ rất cảm động: ...Bây giờ con về lại/ Với làng quê bến bãi/ Nơi mẹ sinh con/ Không thấy mình lớn hơn/ Chỉ thấy nhà mình nhỏ lại/ Và mẹ một thời con tin cậy/ Bây giờ yếu đuối mong manh...
Ngô Xuân Hội đi khắp miền Tây sông nước Cửu Long, trực chỉ biên giới phía Bắc, đến Hữu Nghị Quan, cao nguyên đá Đồng Văn, lên Điện Biên, Sìn Hồ (Lai Châu) ngược Kon Tum, Đăk Lăk... và có lẽ ngoài nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người lính Hải quân từng công tác ở đảo Trường Sa, Ngô Xuân Hội là một trong ít nhà văn Việt Nam ra Trường Sa sớm nhất. Hội kể: "Hồi đó, ở Phú Khánh tỉnh tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế ở Trường Sa cả tháng trời". Có lẽ nhờ thế mà anh có mảng thơ về Trường Sa- biển đảo rất chi tiết, sống động, không "viết vọng" như tôi và các nhà thơ khác.
Ngô Minh