Nhà thơ Thanh Quế và sự chuyển động không mệt mỏi

Thứ sáu, 13/01/2023 17:14
"Sự chuyển động" tuyển tập thơ Thanh Quế, Nhà xuất bản Thanh Niên (2022), dày 240 trang. Nội dung chia làm hai phần. Phần I gồm những bài thơ được xem là dòng chính của tác giả từ sau năm 2000. Phần II là phần nối tiếp với dòng cũ trước năm 2000. Bên cạnh đó, còn có một số bài viết chia sẻ, cảm nhận của bạn bè, đồng nghiệp về thơ Thanh Quế trích dẫn từ nhiều tờ báo trên cả nước.
Tập "Sự chuyển động" của nhà thơ Thanh Quế.
Tập "Sự chuyển động" của nhà thơ Thanh Quế.
* Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945, tại xã An Chấn, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Với 50 tác phẩm đã xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao như "Về Nam", "Thơ Thanh Quế", năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hiện ông sống và làm việc tại Đà Nẵng.

Theo dõi các tác phẩm của nhà thơ Thanh Quế trong suốt nhiều thập niên qua, bạn đọc dễ dàng nhận ra: ông là một trong những tác giả liên tục nỗ lực tích cực trong việc thể hiện tìm tòi cái mới, hay nói đúng hơn, ông luôn thay đổi, chuyển động, khát khao hướng về phía trước…Trong lời thưa đầu tập thơ Sự chuyển động, Thanh Quế bộc bạch: " Từ những năm 1980, 1990 thế kỷ trước, tôi đã có ý thức cố gắng thay đổi thơ mình khác với thơ viết hồi chiến tranh. Thể hiện rõ nhất là tập Giãi bày (1988) với những bài thơ nói lên chính kiến của mình trước những biểu hiện của đời sống. Tuy vậy, sự thay đổi không rõ nét, không đều, còn chìm trong lối viết cũ, suy nghĩ cũ. Cho tới khoảng cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 (tôi lấy mốc là năm 2000), tôi đã có một bước cố gắng rõ rệt trong việc đổi mới thơ mình về đề tài, về cách biểu hiện, khác trước: gồm những bài thơ ngắn, kiệm lời, nói thẳng vào lõi vấn đề, có cấu tứ chặt chẽ".

Ở bài thơ đầu tiên của phần I, Thanh Quế viết: "Tôi muốn đổi thơ tôi/ Khác trước/Dù một từ, một dấu phẩy/ Chẳng để làm gì/ Chẳng mong ai biết đến/ Tôi tự chuyển động/ Chỉ để báo rằng mình còn sống" (Sự chuyển động). Thậm chí, có lúc ông nôn nóng đổi thay đến mãnh liệt: "Đôi lúc muốn phát điên/ Tôi muốn quát to lên:/Mọi cái phải đổi thay/ Cả thơ nữa/ Cứ ngọt ngọt êm êm hoài chán lắm" (Không thể ngày mai). Và trên hành trang tìm kiếm con đường đổi mới ấy, với Thanh Quế là những trăn trở, suy tư về cuộc đời, về phận người : "Làm sao mình có thể/ Sống tốt hơn/ Làm việc tốt hơn/ Yêu thương nhiều hơn/ Trước khi mình thành hạt bụi/ Tan biến vào bầu trời bất tận kia" (Dưới bầu trời).

Nhà thơ Trúc Thông - bạn cùng thời với ông nhận định: Càng ngày Thanh Quế càng cô chắt, sự kìm nén càng bình tĩnh, tự nhiên… Thanh Quế chiến đấu cho thơ mình bằng thứ ngôn ngữ ít cách điệu hay nói thật chính xác là anh đã cách điệu bằng thứ ngôn ngữ sát sạt đời sống, sâu xa ẩn kín trong vỏ thô tháp… Ngay cả những bài viết về quê hương đất nước trong tập, dẫu cảm xúc có đầm đìa nhưng ngôn từ vẫn được chắt lọc, ta thấy qua các bài: "Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa", "Gặp lại Hải Phòng", "Tuy An" hoặc mô tả nơi chôn nhau cắt rốn trong bài "Về làng xưa nhớ ba", nhà thơ chỉ điểm xuyết: "Ngay đầu làng Phú Thạnh/ Con đường cát trắng dẫn về nhà xưa/ Bàu Ngòi nước xanh, dập dềnh bông súng đỏ/ Tiếng bê kêu khản giọng ngoài đồng…". Đặc biệt, trong tập "Sự chuyển động" của Thanh Quế, Trúc Thông rất thích sự "cách tân" trong hai bài thơ " Khi người khác" và "Tại sao anh chẳng nói?". Ông viết: "Hãy xem cách phối trí hiện đại các đoạn thơ ngắn và ngắn hơn ở hai bài. Không thừa câu, dôi chữ đâu nhé. Cấu tứ chặt đã đành nhưng không khoá kín lại mà mở ra, nỗi buồn trầm lặng xuống, ngân sâu, nghĩ ngợi ngấm ngầm, cắn rứt mãi…".

Cụ thể hơn, cây bút Hoàng Xuân trích đoạn một số câu ở bài thơ "Tại sao anh chẳng nói?": " Có dạo tôi nói:/ "Sai rồi, sai rồi, các người đừng làm như thế"/ Chẳng ai thèm nghe nói/ Có dạo tôi nói:/ "Các bạn ơi, đúng rồi, đúng rồi, làm thế là rất tốt"/ Chẳng ai thèm nghe tôi/ Những năm sau này/ Tôi không nói nữa/ Mọi người nhìn tôi phẫn nộ:/ - Ý kiến như thế nào/ Tại sao anh chẳng nói?", và ông cho rằng: "Bài thơ nêu lên một hiện thực của đời sống, phản ánh bi kịch của những người dám bày tỏ chính kiến. Vậy là khi anh chê cái xấu, người ta chẳng nghe anh; khi anh khen cái tốt, người ta chẳng nghe anh; khi anh chán không nói nữa, thì người ta lại phản đối anh".

Trong khi đó, ở phần hai, theo Thanh Quế là còn "níu kéo" chút ít vào cách cảm, cách nghĩ theo lối cũ của mình, viết những bài thơ dài hơn, giàu tình cảm và giãi bày. Ở phần này ông dành nhiều bài thơ viết về những kỷ niệm thời trai trẻ cùng bạn bè từng trải qua những ngày chiến tranh gian khổ, và về những người thân yêu trong gia đình như mẹ, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại…: " Soi vào gương mặt cháu/ (Đoán tương lai đời mình)/ Những gì ông sẽ mất/ Nhờ cháu mà tái sinh" (Viết cho cháu cây).

Xin chúc mừng tác phẩm mới của nhà thơ Thanh Quế và mong ông sức khoẻ bền vững để tiếp tục không ngừng chuyển động trong lao động nghệ thuật trong những mùa xuân đến.

Trần Trung Sáng