Nhà văn Nhật Chiêu nói về chiếc áo dài Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Bên lề Festival Di sản Quảng Nam và Festival Tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam-Châu Á, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Nhật Bản Nhật Chiêu. Bằng kiến thức của một nhà giáo cũng như nhà nghiên cứu, nhà văn Nhật Chiêu đã chỉ ra mối tương quan giữa hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam trong văn học Việt Nam và thế giới cũng như việc ứng dụng áo dài trong đời sống hiện đại.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu (bìa trái) tại buổi nói chuyện về áo dài và tình yêu văn học. |
P.V: Trong khuôn khổ Festival Tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam và Châu Á, hình ảnh chiếc áo dài được thể hiện rất nhiều và là đề tài sáng tạo của các nhà thiết kế trong chương trình Đêm hội phương Đông. Vậy theo ông, tại sao áo dài lại có sức hút mạnh mẽ như vậy?
* Nhà văn Nhật Chiêu: Khác với những trang phục truyền thống của các quốc gia trên thế giới, áo dài là một trong số ít những trang phục vừa kín đáo vừa dễ ứng dụng trong đời sống. Nhìn rộng ra, rất ít quốc gia nào sử dụng áo dài trong giảng đường như nước ta. Học sinh, giáo viên, bà mẹ, trẻ em ai cũng có thể mặc áo dài
- Là một nhà văn, áo dài gợi cho ông cảm xúc gì?
* Với người phụ nữ Việt, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thương và đáng tự hào. Còn với thế giới, chiếc áo dài chính là đặc điểm nhận diện người phụ nữ Việt Nam. Còn với tôi, một nhà văn và là người yêu thích nghiên cứu văn hóa áo dài, nó không chỉ là phục trang mà nó là thơ, là nhạc...
- Ông có thể nói gì hơn thế?
* Tôi tự tin khi “thách” các bạn tìm ra trong văn học thế giới có những vần thơ viết về trang phục truyền thống hay như của Việt Nam.
“Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay” (Thơ Nguyên Sa)
Bạn thấy không, chiếc áo dài đẹp vô cùng nhất là khi nó được hiểu như một linh hồn, một linh hồn rất Việt.
- Việt Nam là một nước Á Đông, còn ông là người chuyên nghiên cứu về văn học nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, ông có sự so sánh nào về hồn nước qua những bộ phục trang truyền thống?
* Tôi lấy ví dụ như bộ kimono Nhật Bản. Kimono rất khó mặc và cũng khó ứng dụng trong đời sống. Kimono truyền thống có tới 12 lớp và người phụ nữ Nhật muốn mặc kimono phải nhờ đến người khác giúp. Chính vì vậy mà kimono chỉ được dùng trong những dịp lễ quan trọng. Còn ở Việt Nam, áo dài mỏng và nhẹ vô cùng nên tính ứng dụng cao hơn. Người phụ nữ Nhật mặc kimono bước đi trong tuyến giống như đang đi trong một giấc mộng còn người phụ nữ Việt mặc áo dài đi trong gió biển đầy xao động, heo may trong tà áo dài không bao giờ mất đi.
- Việc đưa áo dài truyền thống vào đời sống như hiện nay ngoài ý nghĩa giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống còn có hàm nghĩa nào nữa không thưa ông?
* Nó còn là tự do của phụ nữ Việt. Nghe có vẻ vô lý nhưng với tôi, phụ nữ Việt Nam được tự do nhất là khi họ mặc chiếc áo dài. Nó vừa kín đáo thể hiện sự tự tôn của người con gái, vừa phất phơ bay nhảy. Mỗi bước chân lại là một lần tà áo đung đưa. Hiểu được những giá trị này ta sẽ thấy rằng mặc áo dài không khó.
- Vậy phải làm sao để hiểu được điều đó?
* Bao giờ cũng vậy, muốn hiểu được ai, trước tiên ta phải yêu thương người đó. Mà muốn yêu thương chiếc áo dài, nuôi dưỡng tình yêu áo dài thì cách gần gũi nhất là yêu những vần thơ viết về nó. Chính vì thế mà tôi mới tham gia buổi nói chuyện “Áo dài và tình yêu văn học” trong khuôn khổ festival lụa năm nay. Thơ ca viết về áo dài rất nhiều nhưng chiếc áo dài vẫn luôn là đề tài mới. Người phụ nữ Nhật mặc kimono như được gói trong một chiếc hộp xinh xắn thì người phụ nữ Việt trong áo dài lại là hình ảnh sinh động, tràn đầy nắng gió, thiên nhiên. Mà thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca.
- Nếu có một lời nhắn nhủ về việc giữ gìn văn hóa áo dài, ông muốn nói gì?
* Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Áo dài còn, nước Việt còn.
Đồng Dao (thực hiện)