Nhắc nhở, khơi dậy tinh thần hiếu hạnh trong mỗi con người
Trong 2 ngày, 2 và 3-9 (nhằm ngày 12 và 13-7 Âm lịch), tại động Âm phủ thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) diễn ra Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn 2017. Đây là lễ hội văn hóa dân gian, tôn giáo về hiếu đạo và tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu
Ở động Âm Phủ thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo. Từ hàng trăm năm trước, những người thợ làng đá mỹ nghệ Non Nước đã đặt ở cửa ngõ vào động Âm phủ chiếc cầu Âm Dương bắc qua sông Nại Hà định mệnh, nơi linh hồn con người khi chết phải đi qua theo luật âm ti. Chính vì vậy, khi vào thăm động Âm phủ sẽ cho mọi người cái nhìn khái quát về một thế giới tồn tại giữa ác và thiện, răn đe con người nên làm điều lành, tránh điều dữ, biết hướng tới một cuộc sống hòa bình, an vui và hạnh phúc. Đặc biệt, đến với động Âm Phủ, mọi người còn được chứng kiến Phật tích "Mục Kiền Liên - Thanh Đề", một câu chuyện về tính nhân quả đầy nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong động Âm Phủ, lối xuống Địa Ngục Môn có các cửa ngục được sắp đặt từ cao xuống thấp và dưới cùng là ngục A Tỳ, nơi giam giữ bà Thanh Đề vốn gây nhiều tội lỗi khi ở dương gian. Con trai bà là Ngài Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được. Song, Ngài vẫn tâm nguyện tu luyện để chuộc tội cho mẹ. Chính lòng hiếu thuận của Ngài Mục Kiền Liên đã làm cho người mẹ ăn năn sám hối và tiếp tục tu tâm sửa tính để trở lại cuộc sống an vui hạnh phúc...
Chị Bùi Thị Tuyết Ngọc (du khách đến từ TPHCM) cho biết: "Tôi đến với lễ hội này để được cài "bông hồng hiếu hạnh", biểu tượng của lễ hội Vu Lan báo hiếu và để tham gia các nghi lễ Phật giáo, những hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Đồng thời, có thể một lần đặt bước chân xuống động Âm phủ, để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, chân thiện hơn". Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q. Ngũ Hành Sơn, lễ hội Vu Lan báo hiếu xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên. Ngài là người đại hiếu đã cứu mẹ của mình là bà Thanh Đề ra khỏi kiếp đọa đầy ở địa ngục bằng cách y theo lời Phật dạy. Ngài đã thiết lễ Vu Lan bồn, thỉnh Chư Tăng cầu nguyện cho mẹ và cũng nhờ thần lực đó, các vong linh khác cũng được siêu thoát vào cõi giới an lành. Từ đó, những người con Phật noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, ai ai cũng phát tâm tụng kinh Vu Lan báo hiếu thỉnh Chư tăng để cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên siêu sanh miền Cực Lạc. Ngoài ra, lễ hội Vu Lan báo hiếu còn mang đậm sắc thái nhân văn về việc tri ân, báo ân, nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long bằng cách cài những đóa hoa hồng lên áo. "Đóa hồng thắm tươi này nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên công ơn trời biển của cha mẹ", Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.
Như kinh Phật đã viết "Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu". Ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho rằng, lễ Vu Lan là dịp để muôn triệu trái tim cùng ôn lại công sinh thành, dưỡng dục cao dày của cha mẹ. Đồng thời, qua đó nhắc nhở, khơi dậy tinh thần hiếu hạnh trong mỗi con người cần phải noi theo gương đại hiếu của Đức Mục Kiền Liên. Ngài đã khai đường chỉ lối cho chúng ta thực hiện đúng nghĩa đạo hiếu đối với các bậc sinh thành, như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước đã thấm sâu vào cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam. "Trong tâm thức mỗi người dân Việt, lễ Vu Lan từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng; để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình... thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc", ông Nguyễn Hòa nói.
Nguyện cầu bình an cho cha mẹ
Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Chính vì vậy, việc đi chùa thắp hương khấn Phật, cầu siêu là điều nên làm. Điều đó sẽ mang lại may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình. "Ngày Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng. Trong dịp lễ này, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên, cúng dường trai tăng, công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc", Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày diễn ra lễ hội, hàng ngàn người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước đã tạm gác lại công việc, dành thời gian đến động Âm phủ và các chùa trong Khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn để lễ Phật cầu bình an cho cha mẹ. Những ngôi chùa như: Tam Thai, Linh Ứng, Tam Tôn, Từ Tâm và động Âm phủ nhộn nhịp khói hương. Chị Nguyễn Thị Hoa (trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) cho rằng, Lễ Vu Lan báo hiếu mang một ý nghĩa lớn đó là ngày báo hiếu cha mẹ, ngoài ra còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Bên cạnh đó, Lễ Vu Lan báo hiếu còn mang đến một thông điệp nhân văn của cuộc sống: "Hãy nghĩ về cha mẹ, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn". Vì vậy, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Vu Lan báo hiếu, chị và người thân đều đến chùa để cầu bình an cho mọi người, cho cha mẹ. "Mỗi lần đến chùa, tôi đều cảm thấy tâm tịnh và thấy trân trọng cuộc sống này hơn, hơn nữa tôi thấy mình may mắn khi còn cha mẹ bên đời", chị Hoa bày tỏ.
Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới hối hận vì chưa tròn chữ Hiếu. Và đâu đó vẫn đang vang lên câu thơ:
"Tiết tháng bảy mưa ngâu sụt sùi thương nhớ mẹ
Hội Vu Lan hương trầm quyện tỏa niệm ân cha!".
LÊ HÙNG
Đông đảo người dân và du khách dự lễ Vu Lan báo hiếu tại động Âm phủ. Nghi thức cài "bông hồng hiếu hạnh", biểu tượng của lễ hội Vu Lan báo hiếu.