Nhạc sĩ La Hối với ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ"

Thứ sáu, 12/01/2018 13:08

Ngôi nhà người nhạc sỹ tài hoa trên phố cổ

Một ngày cuối năm 2017, đoàn chúng tôi gồm nhà thơ Đông Trình, nhạc sỹ Đình Thậm, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh và tôi, vào Hội An thăm nhà và mộ nhạc sỹ La Hối. Tại ngôi nhà cổ số 91-Nguyễn Thái Học, nơi La Hối sống ngày xưa bây giờ là một tiệm may thời trang mang tên  Đường Lụa (Silk Road). Qua chiếc cầu thang nhỏ hẹp dẫn lên nơi để bàn thờ tổ tông và gia tộc họ La, chúng tôi nhìn thấy tấm ảnh thờ người nhạc sỹ tài hoa được xếp hàng chung trong khung ảnh thờ những người đã quá cố trong dòng họ. Căn nhà xưa dẫn dắt chúng tôi về những kỷ niệm cũ, nơi có chàng thanh niên gốc Hoa với dáng người thanh mảnh, tay cầm chiếc đàn mangdolin ngân nga. Nghe đến tên ông, chắc hẳn mọi người đều nhớ đến một ca khúc nổi tiếng viết về mùa Xuân với nhan đề "Xuân và Tuổi trẻ".

Ca khúc được nhiều người Việt Nam ưa thích và nhiều ca sỹ chọn hát trong các chương trình ca nhạc về mùa Xuân được sáng tác bởi một nhạc sỹ người Việt gốc Hoa sống ở phố cổ Hội An. Nhạc sỹ La Hối đã vĩnh viễn ra đi ở mùa Xuân của tuổi 25 (La Hối sinh năm 1920 và mất vào năm 1945). 25 mùa Xuân ở lại trên đời như một cơn gió thoảng, La Hối đã để lại một giai điệu và ca từ tươi trẻ. Bà La Vĩnh Cúc (cháu gọi nhạc sỹ La Hối bằng chú ruột) òa khóc khi thắp nén nhang trên bàn thờ gia tộc La. La Hối tên thật là La Doãn Chánh. Ông sinh năm 1920 tại thành phố Hội An trong một gia đình gốc Quảng Đông (Trung Quốc) đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936- 1938, La Hối học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. La Hối am hiểu và biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ như acordeon, guitar, mangdolin. Năm 1939,  nhạc sỹ La Hối và các bạn thành lập Hội yêu nhạc (Société Philharmonique) và ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)... đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc. Năm 1945, La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát-xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5-1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát-xít Nhật ở Hội An.

Người chắp cánh cho ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ" bay xa

Theo nhiều nguồn tư liệu để lại cho biết, "Xuân và tuổi trẻ" nguyên là một bản nhạc không lời, có đầu đề Pháp ngữ là "Le Printemps et la Jeunesse" được La Hối viết đầu năm 1944. Sau đó, một người bạn gốc Hoa, thi sĩ Diệp Truyền Hoa, đã đặt lời Hoa với tiêu đề "Thanh niên dữ Xuân thiên"  để phổ biến trong cộng đồng Hoa kiều ở Hội An. Đầu năm 1946, Đoàn Ca Vũ Nhạc Kịch Anh Vũ từ Thủ đô Hà Nội lưu diễn  xuyên Việt đến các tỉnh miền Trung và Hội An. Đoàn gồm các thành viên nổi danh như nhà thơ Thế Lữ và vợ, nghệ sĩ Song Kim, các nhạc sĩ: Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát...

Nghe tiếng La Hối đã lâu nên khi đến Hội An, Thế Lữ và các nhạc sĩ đồng hành muốn tìm gặp người nhạc sĩ của Hội An thì được biết La Hối không còn nữa. Đoàn đến thắp hương viếng La Hối, được gia đình ông tặng một số bản nhạc, trong đó có nhạc phẩm "Le Printemps et la Jeunesse". Lập tức, Thế Lữ và các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Bùi Công Kỳ đã cảm nhận được đây là một tuyệt phẩm âm nhạc của người quá cố. Xúc động trước tấm gương người nhạc sĩ - liệt sĩ đã hiến dâng tài năng và tuổi trẻ cho đất nước và tác phẩm đầy sức sống của ông, Thế Lữ xin phép gia đình nhạc sĩ đặt lời ca tiếng Việt và dàn dựng nhạc phẩm của La Hối trên sân khấu Đoàn Anh Vũ. Chỉ trong một đêm thức trắng, hóa thân vào thế giới âm thanh rạo rực, thổn thức, say đắm tình yêu, niềm vui sống hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ trong nhạc phẩm của La Hối, Thế Lữ đã viết xong lời Việt cho bản nhạc, ca từ hòa hợp kỳ lạ với từng nốt nhạc, với giai điệu và tiết tấu của nhạc phẩm. Chính Thế Lữ là người đã chắp cánh cho tác phẩm âm nhạc không lời của một nhạc sỹ gốc Hoa sinh sống ở thành phố Hội An bay xa trên khắp đất nước Việt Nam.

Từ trái sang: nhạc sỹ Đình Thậm, tác giả, nhà thơ Đông Trình, bà La Vĩnh Cúc trước bàn thờ nhạc sỹ La Hối ở Hội An.

Với cảm xúc tươi tắn và yêu đời trong ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ", ông đã để lại tất cả những gì tinh hoa, tâm hồn trong trẻo, lòng yêu đời mãnh liệt và tràn trề khát vọng  trước cuộc đời. "Xuân và Tuổi trẻ" ngàn đời vang vọng như tình yêu sâu sắc, nồng cháy của tuổi thanh xuân La Hối. Trong ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ" ta như nghe thấy những dòng âm nhạc réo rắt ngân vang như dòng suối chảy ngọt ngào: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/Lòng đắm say bao nguồn vui sống/Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng".

Những ngày cuối năm, những cơn mưa nhẹ bay lất phất  trên phố cổ Hội An xinh xắn và hiền hòa khiến tâm hồn chúng tôi trở nên nhẹ nhàng hơn sau khi đến thắp hương cho người nhạc sỹ tài hoa của đất nước mà mỗi khi nghĩ đến ông, sự khâm phục và mến mộ tài năng của người nhạc sỹ này đã kịp dâng tràn. Ngôi mộ tập thể được xây dựng và thiết kế đặc biệt và chạm khắc bằng những dòng chữ Hoa ngữ trên bia mộ khiến người vào thăm viếng ông như lạc vào khu mộ của những người Hoa kiều tại Hội An. Hiểu thêm về cuộc đời của người nhạc sỹ tài hoa La Hối khiến chúng ta càng kính trọng và yêu quý ông hơn. Ngày nay, ở thành phố Hội An có một con đường mang tên La Hối. Điều đó cho thấy sự ghi  nhận sự đóng góp to lớn của nhạc sỹ La Hối trong nền âm nhạc Việt Nam. Chỉ với một vài ca khúc trong đó có ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ", La Hối đã ghi vào mốc son chói lọi trong làng làng âm nhạc Việt một tác phẩm âm nhạc xuất sắc, tên tuổi ông sống mãi với thời gian.

Nguyễn Hữu Hồng Sơn