Nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội của người nổi tiếng

Thứ hai, 22/04/2024 21:16
Người nổi tiếng là người được cả cộng đồng xã hội biết đến. Người nổi tiếng xét đến cùng cũng mới chỉ là một phương diện, một mặt nào đó được tạo ra từ nhiều khía cạnh. Cũng có thể là tài năng, cũng có thể là sự khác biệt, cũng có thể là do trào lưu hay thị hiếu nhất thời mà chưa hẳn đã là giá trị. Nổi khắc có chìm và với người nổi tiếng, chìm là hết, là chấm dứt, là tan tành cho một quá trình xây dựng, phấn đấu. Hướng tới chân giá trị, đến thiện, mĩ của cuộc sống mới là đích đến cuối cùng của bất kỳ một con người, không ngoại trừ cả người nổi tiếng.
PGS - TS Lê Văn Tấn
PGS - TS Lê Văn Tấn

Rất tiếc, thời gian gần đây, một số người nổi tiếng sử dụng không gian mạng phát tán nhiều thông tin sai lệch tạo nên tâm lý hoang mang, ngờ vực và chia rẽ nội bộ. Đây chính là hồi chuông cảnh báo để kịp thời nhận diện và phê phán các biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội.

Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, người nổi tiếng có những phát ngôn lệch chuẩn

Cách đây 72 năm, trong bối cảnh toàn dân tộc đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp, vào ngày 5/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các họa sĩ, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng với lời căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Soi rọi vào mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, lời dạy của Người vẫn nóng hổi tính thời sự…

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phần nào khẳng định trong mọi hoạt động kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội người nổi tiếng giữ vị thế quan trọng. Ngày nay, trước kỷ nguyên số 4.0 người nổi tiếng có môi trường tự do sáng tạo, có điều kiện khẳng định năng lực, cống hiến cho xã hội. Bên cạnh thể hiện quyền lực của mình, người nổi tiếng cần có trách nhiệm với xã hội và cần tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhiều người hiện nay đang gắn cuộc sống với mạng xã hội. Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới nhất vào năm 2023, Việt Nam có 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số). Mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng với hơn 70 triệu người tham gia. Thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình trong một ngày của mỗi người là 2 giờ 21 phút. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là Youtube, Facebook, TikTok, Zalo, Instagram,…

Vì vậy, trước bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, những người nổi tiếng có nhiều cơ hội để xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng. Với mỗi người nổi tiếng, các lời nói, hành động trong đời thường hay một status, comment, hình ảnh đăng trên trang cá nhân có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn với cả cộng đồng.

Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, mạng xã hội cũng đặt ra cho người nổi tiếng những áp lực, thách thức lớn. Khi đã khoác trên mình cái áo rộng, họ nhất định phải rèn luyện cho mình một quy tắc ứng xử chuẩn mực. Bởi hơn ai hết, những phát ngôn, hành động của người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Nguyên nhân của những mặt trái này là do người nổi tiếng có sự bất mãn với cơ chế thị trường, bị hổng nền tảng lý luận nên không xác định đúng đắn mục tiêu phấn đấu, định hướng lao động sáng tạo, cống hiến.

Một số người nổi tiếng chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, suy nghĩ chủ quan lấn át, chi phối, hành động theo cảm tính, thói quen. Từ đó, dẫn đến nảy sinh nững cảm xúc bồng bột, nhất thời chi phối, thậm chí chạy theo tâm lý, xu hướng đám đông, đua “trend”, tạo scandal ảo để gây chú ý của cộng đồng và đánh bóng tên tuổi. Nghiêm trọng hơn, nhiều người thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, xử lý thông tin, truyền thông, để cho những vụ việc vốn đơn giản trở nên phức tạp.

Trong khi Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực làm trong sạch nội bộ thì những người nổi tiếng có những phát ngôn, bình bàn về những vấn đề mình không có hiểu biết và trải nghiệm để lập ngôn kiểu võ đoán, quy chụp là rất tai hại. Từ đó, làm cản trở công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo tâm lý bi quan, hoài nghi trong đời sống xã hội.

Suy xét rộng hơn, đây còn là cớ và có thể là bàn đạp để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến dịch tuyên truyền kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những việc này không có tính xây dựng Nhà nước vì việc luận bàn, phán xét những vấn đề đang được dư luận quan tâm khi bản thân mình không có chứng cứ, không có chuyên môn, suy diễn theo cảm tính đã gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, đó là kiểu lợi dụng quyền tự do ngôn luận, để nêu những ý phản biện mang tính ngụy biện, ám chỉ, miệt thị... các tổ chức trong hệ thống chính trị, lèo lái dư luận theo hướng tiêu cực.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi...”. Qua đó Người đã nhấn mạnh: “Phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”...

Dẫn chứng người nổi tiếng hiện nay nếu chỉ biết “nhắm mắt mà đi” thì sẽ làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trên thực tế, câu chuyện liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và các đồng phạm cùng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" vào ngày 21-9 ở Bình Dương là một ví dụ. Trước khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, bà Hằng là nhân vật tạo ra những câu chuyện dậy sóng trên mạng xã hội Facebook bằng những buổi livestream với lượng người tương tác, theo dõi lên đến hàng chục nghìn người.

Những hành vi của bà Hằng đã bày tỏ thái độ một cách cực đoan, thái quá, ngộ nhận năng lực bản thân, ngộ nhận quyền lực “ảo”, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho môi trường văn hóa và an ninh trật tự.

Tại phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã kết luận bà Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ để phát ngôn có nội dung bịa đặt để xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của người khác trên không gian mạng. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, phải xử lý nghiêm để cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

Có thể thấy, những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng đã được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điều đáng tiếc là vì sự tò mò, ngộ nhận, nhận thức lệch lạc và vì một lợi ích nào đó nên đã có một số cán bộ, trong đó có người là tiến sĩ, giảng viên, luật sư... tham gia giúp sức, tiếp tay cho hành vi sai trái này.

Đây chính là biểu hiện của hành vi suy thoái của cán bộ, công chức khi xét về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi tiếp tay cho việc làm sai trái này là một biểu hiện. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ hành vi này là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...”.

Những người nổi tiếng có biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội đã làm rối ren môi trường văn hóa và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đáng suy xét là một bộ phận công chúng do nhận thức lệch lạc, lệch chuẩn nên không ít người đã hùa theo những hành vi lập dị, sai trái, dễ dàng tạo cớ cho thế lực thù địch thực hiện các chiến dịch tuyên truyền chống phá đất nước.

Trong bối cảnh Đảng ta quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần có nhận thức thấu đáo, đầy đủ về nguy cơ, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 27-4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tiêu cực ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Việc cán bộ, trí thức, công chức, viên chức... dù trực tiếp hay gián tiếp cổ súy cho các hành vi sai trái, tiếp tay cho những thành phần tai tiếng trong đời sống xã hội, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... là hành vi tiêu cực, biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần có nhận thức đúng, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào, dù nổi tiếng đến đâu, có quyền đứng trên luật pháp, đứng ngoài những quy chuẩn đạo đức xã hội. Tiếp tay cho cái sai vừa là biểu hiện suy thoái, vừa là hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... cần có thái độ đấu tranh thẳng thắn với những hành vi sai trái ngay trong môi trường công sở, góp phần phòng ngừa, xử lý từ gốc các biểu hiện suy thoái trong hệ thống chính trị các cấp.

Nhạy bén trước những vấn đề mang tính tiêu cực, từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn, phòng, chống suy thoái không chỉ trong tổ chức đảng các cấp mà cả trong hệ thống chính trị, không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả tầng lớp công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Đảng xác định phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… trong đó có những người nổi tiếng. Bởi những hành vi này nếu không kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục sẽ khiến người nổi tiếng và một bộ phận người dân sa vào vết trượt suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rất nguy hiểm.

Người nổi tiếng và vai trò trên mặt trận nói không với lệch lạc, lệch chuẩn trong không gian mạng

Không bàn quan và đứng ngoài cuộc, nhất là những nổi tiếng đang có ảnh hưởng xã hội rất rộng rãi mà trong đó mạng xã hội đang là môi trường nhạy cảm mà người nổi tiếng dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các trào lưu, hay định hướng của một bộ phận dư luận xã hội.

Trước bối cảnh giao thoa văn hóa, hội nhập quốc tế những người nổi tiếng dễ rơi vào tầm ngắm của các thế lực thù địch, lực lượng chống phá đất nước, bằng các thủ đoạn tinh vi, họ trở thành mục tiêu tấn công, lôi kéo của các thế lực thù địch bằng những phương thức.

Kiểu tạo cớ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước từ môi trường lao động nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, là thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch. Đặc thù đây là môi trường có nhiều sắc màu, phong cách đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đại đa số người nổi tiếng là nghệ sĩ về nước tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật trong nghệ thuật biểu diễn, vẫn có một số ca sĩ hải ngoại gương mặt thiếu tự giác, thiếu chuẩn mực, công khai vi phạm các quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Năm 1986, mốc thời gian đất nước đổi mới và điển hình là trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, đã có nhiều người nổi tiếng sa chân vào con đường lầm lỗi, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì bản lĩnh chính trị non kém, nhận thức hạn chế, nhiều người nổi tiếng trở thành công cụ cho các thế lực thù địch lợi dụng phát ngôn, xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đây chính là những biểu hiện tiêu biểu cho sự suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Với chủ trương hòa hợp dân tộc, chính sách nhân đạo, nhân văn Đảng, Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người nổi tiếng hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật. Ngay cả những người từng mắc sai lầm, sau khi ăn năn, hối cải, cũng được đất nước, quê hương dang rộng vòng tay chào đón trở về.

Có thể thấy, việc xóa bỏ các biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội của người nổi tiếng là cuộc đấu tranh ý thức hệ đầy cam go, phức tạp. Sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ vẻ vang, lâu dài, quyết liệt, cũng là bảo vệ thành quả cách mạng, truyền thống ngàn đời của tiên tổ, ông cha.

Vì vậy, người nổi tiếng cần thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, không bàng quan, không đứng ngoài cuộc.

Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, việc xóa bỏ các biểu hiện lệch lạc lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội và nêu bật trách nhiệm của người nổi tiếng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những yêu cầu đi kèm với trách nhiệm với người nổi tiếng nêu trên đã trở thành quan điểm được xây dựng ngay trong cương lĩnh từ ngày Đảng ra đời. Dựa vào đó, được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội, tương ứng với những giai đoạn lịch sử.

Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong tình hình mới; là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới, Đảng ta đã xác định: Chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Đảng ta chủ trương đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật...

Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta đang có một đội ngũ chiến sĩ hùng hậu. Đại đa số người nổi tiếng cần được trang bị kiến thức lý luận chính trị, tham gia sinh hoạt, lao động sáng tạo trong các tổ chức chính trị-xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật vai trò của người nổi tiếng, các nghệ sĩ: “để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp”.

Vì vậy, yếu tố tiên quyết là đội ngũ người nổi tiếng phải lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, rèn luyện đạo đức cách mạng. Càng nổi tiếng càng phải khiêm tốn, hòa mình với quần chúng, tự giác học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp... như lời dạy của Bác.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra chủ trương, phương châm, sách lược của cuộc đấu tranh này là lấy xây để chống, xây kết hợp với chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Muốn đấu tranh có hiệu quả, cần bắt đầu từ công tác giáo dục, bồi dưỡng, củng cố các hệ giá trị cho người nổi tiếng trên nền tảng đạo đức cách mạng, sức mạnh văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa tiến bộ của nhân loại và để làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thì phải có những đột phá.

Với vị thế là lực lượng tinh hoa của đất nước, với lợi thế “quyền lực mềm” đặc trưng, đội ngũ người nổi tiếng trên các lĩnh vực, trước hết là các học giả, trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ nổi tiếng... cần bày tỏ chính kiến rõ ràng, lan truyền thông điệp, năng lượng tích cực cho đời sống xã hội trên cơ sở các hệ giá trị của sự nổi tiếng. Thể hiện các biểu hiện sinh động của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.

Đặc biệt, để ngăn ngừa và khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ người nổi tiếng trong kỷ nguyên số, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Người nổi tiếng phải giữ vai trò định hướng dư luận xã hội, tuyệt đối không hùa theo những thông tin kiểu “hội chứng” cảm tính trên không gian mạng, có những phát ngôn chuẩn mực, đi đúng theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt với những thông tin về những người nổi tiếng là nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong hệ thống chính trị của đất nước, thông tin về họ cần có sự kiểm chứng chặt chẽ, khách quan, trung thực. Tiêu biểu như các chức danh được bổ nhiệm, một cương vị lãnh đạo… nhận được sự bàn tán, xôn xao trên mạng xã hội thì người nổi tiếng phải có sự định hướng dư luận một cách khách quan, vì lợi ích của quốc gia-dân tộc.

Nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc lệch chuẩn trong không gian mạng xã hội của người nổi tiếng không phải là nói những điều đao to búa lớn mà chính là cần sự chấn chỉnh từ những biểu hiện rất cụ thể. Xác định mục tiêu và khát vọng cao nhất của người nổi tiếng là cống hiến và trách nhiệm xã hội, lan tỏa giá trị chân-thiện-mỹ. Từ đó, góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực ra khỏi không gian mạng xã hội.

Với những phân tích phía trên, chúng tôi nghĩ rằng, điều cốt lõi ở đây không phải chỉ còn là câu chuyện của hành lang quy phạm pháp luật hay những quy định liên quan mà chính là sự nhận thức của chính chủ thể. Thế giới vốn được kiến tạo hai lần: một lần là sự sáng tạo trong suy nghĩ và lần thứ hai là sự sáng tạo thông qua hành động. Suy nghỉ chỉ huy hành động và từ/ qua hành động, anh ta thể hiện ra phẩm chất, năng lực nhận thức. Suy nghĩ, hành động điều chỉnh hành hành vi, tạo nên quá trình tu rèn, duy dưỡng để trở thành một cá thể, một công dân tốt trong cộng đồng. Người nổi tiếng (dù ở phương diện nào) nếu biết cách lan tỏa, tận dụng chính sự nổi tiếng ấy để tạo ra những đồng thuận xã hội, cổ vũ phong trào, tuyên truyền, vận động cộng đồng,… thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của địa phương,… thì chắc hẳn hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Góp gió thành bão, góp bão thành bão tố, phong ba, thành những điều kỳ diệu. Chung sức, chung tay, đồng lòng, đồng sức, đồng tâm của tất cả mọi người sẽ là chìa khóa, là gốc rễ của mọi vấn đề, xây dựng Đảng, xây dựng Đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

PGS. TS. Lê Văn Tấn

(P.Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Công đoàn)