Nhận diện tín dụng đen (3)

Thứ bảy, 26/10/2013 12:21

* BÀI CUỐI: "BI KỊCH" TÍN DỤNG ĐEN

(Cadn.com.vn) - Dễ vay nhưng dễ... "bể", đó là tình trạng phổ biến dễ thấy nhất của tín dụng đen. Biết thừa điều đó, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lao vào cuộc chơi với tín dụng đen, từ nhiều cách, rồi "chết" cũng rất nhiều tư thế.  

Tín dụng đen phát triển được là dựa vào khó khăn của DN, cá nhân. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen phát triển. Trong thời điểm kinh tế rất khó khăn hiện nay, nhiều DN phải đi vay NH để kinh doanh sản xuất hoặc trả các khoản vay đến hạn vay của NH, nhiều DN chưa có tiền trả nợ đành phải vay tín dụng đen để đáo nợ NH. Không ít DN rất lo ngại khi chủ nợ là một số NH yêu cầu phải đi vay bên ngoài với lãi suất "cắt cổ" để được NH đảo nợ, sau đó mới được cho vay lại.

Mặc dù từ ngày 10-4-2013, NHNN đã có Văn bản số 2056 yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN nhưng đến nay, đa phần các NH vẫn rất ngại tái cơ cấu nợ do lo ngại rủi ro. Cũng chính vì lý do này, nhiều NH đã tái cơ cấu nợ bằng cách bắt DN tìm nguồn tiền để "đảo nợ".

Một thực tế, khi DN càng gặp khó khăn thì dịch vụ cho vay nặng lãi nở rộ, dịch vụ này đang hút máu của các DN có những khoản vay nóng. Mà các DN đang suy yếu, nếu cứ tiếp tục như thế này thì chẳng bao lâu sẽ... chết!. Ông P., Giám đốc một DN kinh doanh xuất nhập khẩu Đà Nẵng cho biết, DN đã vay NH có chi nhánh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần 10 tỷ đồng, nay đến hạn trả. Mặc dù nằm trong diện được xét cơ cấu lại nợ, song vẫn phải vay tiền chỗ khác để trả rồi mới được vay lại.

Trong khi số tiền vay trước đã được đầu tư vào nguyên vật liệu sản xuất, hàng xuất khẩu nhưng do kinh tế khó khăn, đối tác thị trường xuất khẩu bị thu hẹp... việc xoay một lúc gần 10 tỷ đồng trong thời điểm này rất khó nên DN chỉ còn cách tìm đến dịch vụ cho vay "nặng lãi" từ "chợ đen" với mức lãi suất 6,5%/tháng, vừa vay vừa kêu trời! Thực tế cho thấy, khó có thể có DN nào có thể chịu nổi mức lãi suất "chợ đen" hiện nay.

Chỉ cần viết giấy tay chủ nợ và con nợ có thể giao dịch số tiền hàng trăm triệu
thậm chí hàng tỷ đồng.

Rõ ràng, nếu tạo điều kiện cho tái cơ cấu nợ, DN sẽ không phải "lo đứng lo ngồi" với khoản vay để  "đảo nợ". Thế nhưng ông P. cho hay, DN ông đã làm đơn xin đề nghị NH cho gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa được sự chấp thuận.

Trong giao dịch vay - cho vay của "tín dụng đen", bên đi vay bao giờ cũng chịu phần thiệt, về lãi suất vay phải trả hàng ngày, hàng tháng, lẫn sự đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nếu chậm trả nợ. Đến kỳ hạn mà không thanh toán, chủ nợ sẽ có "biện pháp mạnh" uy hiếp, đe dọa con nợ phải trả tiền lãi, gốc, thậm chí bắt giữ trái pháp luật nếu con nợ không trả tiền. Chị N. (trú Q. Hải Châu) nạn nhân của tín dụng đen đến nay vẫn còn hoảng loạn, ăn ngủ không yên bởi nhiều lần đã bị những người cho vay nặng lãi gí dao vào cổ, dựng cảnh va quệt xe gây tai nạn...

Chị N. tức tưởi cho biết, ngày 5-2-2013 ông V.H.Th gặp chị nói cần tiền nhập 5 chiếc ô-tô về bán, nên đến chị N. viết giấy cam kết vay  500 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng để lo thủ tục hải quan, thuế nhập... Vốn là chỗ thân quen làm ăn và tin tưởng ông Th. có quan hệ và tầm ảnh hưởng, chị N. tìm đến một địa chỉ cho vay nóng có tiếng ở Đà Thành để vay 500 triệu đồng với kỳ hạn 1 tháng cho ông Th.. Vay xong, chị không ngờ rằng tháng này qua tháng khác ông Th. cứ "hứa lèo", không chịu trả nợ. Đến khi ông Th. bị bắt, khoản vay nóng của chị N. cứ thế gia tăng liên tục, làm bao nhiêu cũng không đủ tiền trả lãi, nhà cửa bị giới tín dụng đen cho người đến đập phá.

Theo chị N.,  khi làm giấy vay chủ nợ không bao giờ viết lãi suất vào giấy nợ để hai bên ký thỏa thuận mà có một giấy nợ riêng chủ nợ ghi bắt con nợ phải ký vào với một mức lãi khủng... Chị N. cho biết thêm, hiện tại chị đang có một khoản nợ 100 triệu đồng từ tổ chức tín dụng đen này với lãi suất siêu khủng 60%/tháng, tức là sau 1 tháng phải trả 60 triệu đồng. Khi hỏi địa chỉ này, chị N. khiếp đến đỗi không dám tiết lộ vì chủ nợ biết giờ giấc sinh hoạt, biết cả hàng ngày chị đi đường nào, đi đâu và khi nào có tiền... Theo chị N., đường dây này có thuê một số xã hội đen từ Hải Phòng vào, sẵn sàng làm bất cứ điều gì khi con nợ không chịu trả nợ và lãi đúng hạn...

Không những người đi vay phải chịu cảnh tan nhà nát cửa mà ngay cả những người có tiền cho vay cũng khốn đốn. Đang buồn bực, ông T. (trú Q. Sơn Trà) cho biết, đầu năm 2012 sau khi giải tỏa nhà đất ở Q. Liên Chiểu đền bù được 300 triệu đồng, ông định gửi NH để năm 2013 làm nhà nhưng do tin tưởng người quen nên đã gửi với lãi suất 48%/năm, được gần 1 năm họ đều trả lãi đều đặn và đúng hẹn, nhưng từ đầu năm 2013 đến nay họ làm ăn thua lỗ hay vỡ nợ mà không trả được lãi như đã cam kết ban đầu. Quá sốt ruột, ông năm lần bảy lượt yêu cầu trả số tiền 300 triệu đồng nhưng họ đã khất lên khất xuống, mãi đến đầu tháng 8 năm nay mới tá hỏa là đường dây vay vốn này đã bị vỡ nợ tại Quảng Bình. Như vậy, số tiền tích góp để làm nhà đến nay nhà không làm được phải đi ở nhà thuê, tiền cũng mất luôn.

Thay lời kết:

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tiền tệ, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DNVVN Đà Nẵng cho rằng, việc các NH siết chặt tín dụng, hoặc yêu cầu các khoản vay của DN, người dân đến hạn phải thanh toán các DN, người dân không tiếp cận được vốn NH là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tín dụng đen có cơ hội "bùng phát". Ông Lý đặt vấn đề: "Nếu dễ vay được NH với lãi suất thấp, an toàn thì việc gì DN phải tìm đến tín dụng đen? Nhưng vì bản thân NH cũng "bó tay" trong vấn đề cung cấp tín dụng vì người đi vay không đủ điều kiện, quy định của NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, về quy định cho vay phi sản xuất; việc các NH siết tín dụng hoặc ép DN trả nợ để xử lý nợ xấu... buộc DN phải tìm mọi cách mà xoay xở tiền làm ăn hoặc đáo hạn".

Ông Lý đề nghị, trong thời điểm khó khăn hiện nay, rất cần có sự chia sẻ từ các NH và sự giúp đỡ của các ngành chức năng để DN có thể tiếp tục tồn tại, tránh tình trạng đẩy DN vào việc phải vay nặng lãi bên ngoài để trả nợ, vô hình chung tiếp tay cho "tín dụng đen" vay "nặng lãi" hoạt động. Tuy nhiên, sẽ thiết thực và giảm phức tạp hơn cả, là từ chính nhận thức và hành động của mỗi người dân và DN là không nên sa chân vào trò vay nợ luôn tiềm ẩn rủi ro này!.

X.Đ