Nhật chọn MV -22 Osprey, Trung Quốc ớn lạnh
(Cadn.com.vn) - Hồi cuối tháng 6 vừa qua, đồng minh Mỹ- Nhật phối hợp thực hiện cuộc tập trận mang tên Down Blitz (Trận đánh chớp nhoáng lúc bình minh) tại California. Ngoài mục tiêu "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn", cuộc tập trận này còn giúp Tokyo quyết định chọn mua "Chim ưng biển" MV-22 Osprey phục vụ cho việc phòng vệ biển đảo trước nguy cơ rất lớn từ Trung Quốc. Ngay sau thông tin này được đưa ra, Bắc Kinh tỏ ra rất thận trọng và lo ngại. Vì sao vậy?
MV-22 Osprey thuộc nhóm hạ cất cánh thẳng đứng, không cần đường băng hoặc cần đường băng ngắn.
Ưu điểm chính của V-22 Osprey là nó có thể được triển khai gần căn cứ đối phương, giảm thời gian phản ứng và các yếu tố hỗ trợ. Máy bay có chiều dài 17,5m, chiều rộng 25,8m tính cả cánh, trọng lượng cất cánh tối đa đạt 27,4 tấn, phạm vi hoạt động hơn 1.600km với vận tốc tối đa 509 km/giờ trên biển. Ngoài phi hành đoàn 4 người, MV-22 Osprey có thể chở được tối đa 32 quân cùng đầy đủ trang thiết bị chiến đấu. Do được thiết kế cho mục đích vận tải đa năng nên MV-22 chỉ được trang bị một số khí tài như súng máy M420 (7,62 mm) hoặc súng máy M2 Browning (12,7 mm).
Ngoài ra, máy bay còn được trang bị dưới bụng súng máy GAU-17 (7,62 mm) đi kèm máy quay nên việc thao tác rất thuận lợi.
VÌ SAO NHẬT CHỌN MV-22 OSPREY?
Cuộc tập trận giữa 2 cường quốc Mỹ -Nhật khiến dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh vấn đề biển đảo đang nóng lên từng ngày vì tham vọng quá lớn của Trung Quốc.
Đặc biệt hơn, trong cuộc tập trận này, lần đầu tiên người ta đưa vào sử dụng loại máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey, có khả năng hạ, cất cánh ngay trên tàu sân bay JS Hyuga của Nhật. Đây là chiến hạm khổng lồ do người Nhật chế tạo dùng cho mục đích chở trực thăng, có diện tích mặt boong cực rộng. Với sự cất cánh thành công của MV-22 Osprey, JS Hyuga vượt quá tính năng của một tàu sân bay dã chiến.
Trong cuộc tập trận nói trên, 4 máy bay MV-22 Osprey của Thủy không quân lục chiến Mỹ cất và hạ cánh thành công. Sự kiện này giúp cả Washington và Tokyo phá được "tảng băng ngầm" trong mối quan hệ hai nước, nhất là vấn đề nhạy cảm về khu căn cứ quân sự của Mỹ đồn trú tại Okinawa, hay việc sử dụng 12 máy bay MV-22 Osprey của Mỹ tại căn cứ Futenma và xóa đi những ấn tượng xấu liên quan đến những vụ tai nạn máy bay vận tải CH-53D của thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 8-2004. Việc tập trận thành công còn mở đường cho những cuộc tập trận tiếp theo được tổ chức trên các đảo của Nhật trong tương lai.
Máy bay MV-22 Osprey. |
Theo phát ngôn viên thuộc Bộ Quốc phòng hai nước, đây là cuộc tập trận thường niên, nhưng có đến 90% dư luận cho rằng, cuộc tập trận mang tính thương mại kết hợp với chính trị, quốc phòng nhằm tăng cường liên minh, giống như cuộc tập trận của máy bay ném bom B-Z do Mỹ-Hàn phối hợp thực hiện đầu năm 2013. Xa hơn, người ta còn ví nó như cuộc tập trận “đánh đòn tâm lý” nhằm vào Trung Quốc.
TRUNG QUỐC ỚN LẠNH VÌ "CHIM ƯNG BIỂN"?
Theo tướng James Amos thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ, cuộc tập trận thành công không chỉ tăng cường quan hệ mang tính "đối tác chiến lược" lâu dài mà còn khẳng định sự thành công của MV-22 Osprey khi đổ bộ lên đảo.
MV-22 Osprey có khả năng cất và hạ cánh ngay trên tàu khu trục, giống như máy bay trực thăng, có thể xoay cánh về phía trước như máy bay có cánh cố định, chưa kể tốc độ, phụ tải cũng như vũ khí, khí tài mà loại máy bay này có được. Ví dụ, trong cuộc tập trận nói trên chỉ cần 4 chiếc MV-22 Osprey với thời gian 15 phút, lực lượng hải quân lục chiến của Mỹ làm chủ được chiến trường. Đặc biệt nó sẽ giúp cho quân đội Nhật thực hiện những cuộc đổ bộ quy mô lớn trong tương lai.
“Down Blitz” còn giúp cho người Nhật quyết định mua MV-22 Osprey để tăng cường khả năng độc lập tác chiến, đặc biệt là quen dần với cách đổ bộ đánh chiếm, tái chiếm các mục tiêu trên biển, ứng phó nhanh với những cuộc chiến sẽ diễn ra tại đảo Senkaku hiện đang bị Trung Quốc đe dọa. Ngoài ra, theo giới chuyên gia, việc diễn tập liên hợp nói trên còn giúp Tokyo ứng phó nhanh như sự cố từng mắc phải năm 1997, trong đó 3 đảo của Nhật là Miyako, Ishigaki và Yonagani đều bị máy bay Trung Quốc tấn công, bắt những người dân ở đảo này làm con tin trong kế hoạch thôn tính một loạt đảo liền kề với lãnh thổ Đài Loan.
Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Trung Quốc tỏ ra lo ngại về sự có mặt của MV-22 Osprey.
Duy Hùng
(Theo The Diplomat)