Nhặt chuyện dưới chân núi Tà Xuyên (3)

Thứ tư, 31/07/2013 10:18

* Kỳ cuối:  Những người lính không cần "lịch thời gian"

(Cadn.com.vn) - Những người lính biên phòng thường hay nói đùa, ở trên vùng biên giới chỉ có nhìn hoa nở mới biết mùa nào đang đến...

Hỏi đường về ĐBP Ga Ri, một thanh niên Cơ Tu tên Ria Hát Nhiều chỉ dẫn “Cứ đi thẳng, 5 phút là tới”. “5 phút” của Nhiều mà đi mãi, 25 rồi gần 50 phút mới tới. Thả chiếc xe máy ngay giữa sân Đồn Ga Ri,  hai cánh tay mỏi nhừ. Thượng úy Đỗ Quang Vinh, Đồn phó quân sự cười mỉm: "Hôm nay đường đi  còn dễ, chứ mấy hôm trước chắc anh lên không nổi đâu...".

Bữa cơm tối được dọn ra ngay, mấy ly rượu làm xua bớt cái lạnh vùng biên, câu chuyện của những người lính biên phòng cũng làm chúng tôi quên hẳn hành trình vất vả. ĐBP Ga Ri quản lý 2 xã Ga Ri và ChƠm gồm 14 thôn, cũng là địa bàn rừng núi phức tạp, hiểm trở, khó khăn nhất của Tây Giang. Nhân dân nơi đây có truyền thống cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy vậy, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, trình độ văn hóa, dân trí còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bộ đội biên phòng Ga Ri tuần tra biên giới.   

Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhiều vấn đề liên quan đến tình hình xã hội vẫn xảy ra, vào tháng 4 và tháng 5-2013, tại thôn Apool có 3 trường hợp người dân chết do lâm bệnh hiểm nghèo, làm bà con trong thôn hoang mang, đòi di dời làng đi nơi khác. Đội Vận động quần chúng của Đồn đã phối hợp với chính quyền kịp thời tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, đến nay bà con đã yên tâm tư tưởng làm ăn sản xuất. Việc thi công một số công trình như đường quốc phòng, san ủi mặt bằng khu dân cư... các nhà thầu trong quá trình thi công đã làm ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất của nhân dân, hệ thống thủy lợi hư hỏng... Đồn đã phối hợp khắc phục, sửa chữa kịp thời bàn giao cho nhân dân.  Bà con nhân dân biên giới Việt-Lào gặp thời tiết khắc nghiệt làm hoa màu hư hỏng, Đồn đã tham mưu kịp thời xuất gạo dự trữ, đề nghị UBND huyện hỗ trợ 2 tấn gạo cứu đói...

Bên cạnh những công tác phải giải quyết, xử lý mỗi khi xảy ra,  Đồn luôn chú trọng các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tại địa phương giúp nhân dân, đẩy mạnh các dự án, khai hoang ruộng lúa nước, trồng cây thảo quả, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh... Đặc biệt dự án trồng bắp lai phát triển khá tốt, đã phát triển được hơn 10 mô hình trang trại chăn nuôi bò, dê, heo được nhân dân hưởng ứng tham gia. Bằng công tác tuyên truyền, vận động, làm mẫu, nhân dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng phân bón  vào sản xuất nông nghiệp và các loại cây trồng.

Từ ngày 25-4-2013, Cửa khẩu phụ ChNóc, xã Chơm giáp ranh với Cụm bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm (Lào) được khai thông càng làm cho công việc của CBCS Đồn Ga Ri bận rộn hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Đồn đã xử lý hành chính 2 vụ/22 đối tượng có  hành vi gây mất trật tự công cộng và vi phạm quy chế biên giới.  Công tác xây dựng phong trào quần chúng nhân dân BVCQANBG ngày càng được tuyên truyền sâu rộng và phát triển mạnh mẽ. Đồn tiếp tục củng cố các thôn, bản "Tổ tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn ANTT thôn bản", phong trào đoàn viên thanh niên tham gia tự nguyện phát quang đường biên, hệ thống mốc giới; cùng với lực lượng CA, dân quân tổ chức 8 lượt, 32 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ cột mốc, đường biên. Riêng CBCS Đồn tuần tra đơn phương 16 lượt, 55 lượt CBCS tham gia.

Phút nghỉ chân qua làng trên đường tuần tra biên giới.   

Thượng úy Đỗ Quang Vinh cho biết, Đồn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng địa bàn vững mạnh, thường xuyên tăng cường lực lượng xuống các địa bàn phối hợp và xử lý tốt các tình huống xảy ra, vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu, nắm rõ, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác; tham mưu cho Đảng ủy 2 xã xây dựng củng cố các tổ chức cơ sở Đảng sinh hoạt nền nếp, đưa các Nghị quyết lãnh đạo sát với tình hình thực tế từng chi bộ thôn bản.

Cuối tháng 5-2013, Đồn đã tổ chức thành công lễ ra mắt "phòng đọc biên giới", đây là nơi để cán bộ, nhân dân, thanh thiếu niên vùng biên giới tiếp cận thêm kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn... Quân y của đồn đã tổ chức cấp phát thuốc, khám chữa bệnh  cho nhân dân được 7 buổi, 243 trường hợp với giá trị gần 2 triệu đồng, vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi có chuồng trại, vệ sinh môi trường. Phối hợp với địa phương duy trì tốt hoạt động Câu lạc bộ "Không sinh con thứ 3", hiện nay không có cặp vợ chồng nào vi phạm quy định. Đoàn thanh niên của đồn duy trì phong trào "Ngày thứ 7 cắt tóc tình nguyện", cắt tóc phục vụ hàng trăm lượt người dân...

Có thể nói, bất kể công việc nào của người chiến sĩ biên phòng cũng gắn bó với đời sống mọi mặt của người dân vùng biên cương. Những người lính biên phòng thường hay nói đùa, ở trên vùng biên giới chỉ có nhìn hoa nở mới biết mùa nào đang đến, còn cuộc sống thường nhật là tất cả những gì đang diễn ra nơi vùng biên cương này, vì với các anh "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Cuộc sống của các anh là những bước chân không mỏi trên khắp rẻo biên cương, chúng tôi gọi các anh là những người lính không có "lịch thời gian".

Ghi chép: Hồng Thanh