Nhặt chuyện dưới chân núi Tà Xuyên
Kỳ 1: Bỏ rượu, nghiện... vi tính
(Cadn.com.vn) - Dãy núi Tà Xuyên cao vút, mây phủ trắng quanh năm. Dưới chân núi là một vùng biên cương đang khởi sắc, đặc biệt, sự khởi sắc ấy bắt nguồn từ những câu chuyện mang đậm màu sắc núi rừng.
Đang chuẩn bị về Trung tâm H. Tây Giang (Quảng Nam) để họp HĐND huyện với 100km đường rừng, nhưng đại úy Trịnh Minh Chúc vẫn tranh thủ kể câu chuyện những ngày anh được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ga Ri tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ri.
Ga Ri ngày ấy là một trong 4 xã giáp biên giới Việt-Lào khó khăn bậc nhất của Tây Giang. Cơ sở vật chất ở Ga Ri hồi ấy chỉ gần như là con số không, trụ sở UBND xã chỉ là 3 căn phòng tre gỗ, rồi đường giao thông, trường học, trạm xá... cái gì cũng thiếu, cũng tạm bợ. Nhận nhiệm vụ mới mẻ, nên Chúc trăn trở lắm, nhất là làm sao cải cách công tác hành chính, công tác cán bộ. Một thói quen sinh hoạt gần như là một "hủ tục" của người dân nơi đây là uống rượu bất kể giờ giấc nào. Từ thanh niên, người lớn tuổi cứ gặp nhau ở đâu là uống rượu ở đó, uống từ sáng tới tối, thậm chí qua ngày hôm sau, khi nào không uống được nữa mới thôi.
Bộ đội biên phòng đồn Ga Ri hướng dẫn cán bộ UBND xã thao tác máy vi tính. |
Đời sống người dân chỉ dựa vào thu nhập từ nương rẫy, nhưng cứ thu hoạch được lúa, bắp, đậu là mang đổi rượu uống, bất kể loại rượu gì. Cả Ga Ri có hơn 1.400 người dân với mấy hàng quán người Kinh, vậy mà bao nhiêu rượu cũng hết. Trung bình mỗi ngày có quán bán tới hàng trăm lít rượu, hàng trăm thùng bia. Cán bộ xã cũng sa vào bia rượu, vậy thì còn đâu thời gian làm việc? Rượu bia lại sinh ra bệnh tật, nhiều lúc còn sinh ra cãi vã, ảnh hưởng đến ANTT bản làng...
Việc đầu tiên của Chúc là tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức cuộc vận động tới từng cán bộ, đảng viên làm gương kiên quyết từ chối bia rượu trong giờ làm việc. Tiếp đến là tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của rượu, biết chọn rượu để uống, tự chế biến các loại rượu truyền thống như Tà Đin, rượu nấu từ các sản phẩm thu hoạch được như lúa, bắp... vừa tiết kiệm vừa đảm bảo sức khỏe. Phong trào không uống rượu bia, cán bộ biết từ chối bia rượu trong giờ làm việc được cán bộ và nhân dân trong xã hưởng ứng nhiệt liệt. Nội quy, kỷ luật làm việc ở UBND xã cũng dần đi vào nền nếp...
Bỏ thói quen uống rượu, bỗng nhiên nhiều người thấy rảnh rỗi quá. Bởi cả UBND xã chỉ có duy nhất một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Mọi văn bản, giấy tờ đều phải viết tay, nhiều người chữ xấu nên ngại... viết. Chúc lập tờ trình xin UBND huyện cấp cho 2 chiếc máy vi tính xách tay và 1 máy in. Có máy, thì mới hay cả xã không ai biết sử dụng máy vi tính.
Quân y Đồn biên phòng Ga Ri khám chữa bệnh cho nhân dân. |
Vậy là một lớp học cấp tốc được mở, các cán bộ của ĐBP Ga Ri là những "chuyên gia" giỏi vi tính như A Rất Biêng, Đồn phó Quân sự Kiều Hồng Nam trở thành những thầy giáo, ngày đêm kèm cặp, chỉ bảo cho các cán bộ xã. Phong trào học tập sử dụng máy vi tính sôi nổi chưa từng thấy ở vùng biên giới xa xôi. Cả xã có 46 cán bộ, chỉ trong một thời gian ngắn, ai cũng sử dụng được máy vi tính, có cán bộ như Prao Lá (Đảng ủy xã) tiếp thu rất nhanh, lại trở thành "thầy" dạy cho các cán bộ khác.
Từ phong trào bỏ uống rượu, chuyển sang nghiện... vi tính, các ban ngành ở UBND xã tiết kiệm được một nguồn tài chính, thời gian nên ai cũng hào hứng đề nghị phải đi mua thêm máy vi tính về trang bị cho hết các ban ngành của xã. Sang đến năm 2012, toàn UBND xã đã trang bị được 14 máy vi tính xách tay, 6 máy in.
Tiếp tục phát huy tiện ích trong ứng dụng công nghệ thông tin, UBND xã đang có dự án mua sắm tài liệu rồi mời những kỹ thuật viên giỏi về vi tính về Ga Ri để mở một lớp đào tạo bài bản cho các cán bộ xã về kỹ thuật vi tính. Đồn biên phòng cũng đang có kế hoạch trang bị máy vi tính tại phòng "Đọc sách Biên giới" để các em thanh thiếu niên người dân tộc được tiếp cận với công nghệ, qua đó bồi dưỡng, nâng cao kiến thức...
Kể đến đây, đại úy Chúc vội tạm biệt, lên đường cho kịp dự kỳ họp HĐND huyện. Sau đó, anh còn phải dạo thị trấn tìm tài liệu mới về làm quà cho mọi người... với quyết tâm nâng tầm mô hình tiếp cận, quản lý, làm việc bằng công nghệ thông tin- vốn là điển hình của vùng biên giới này- trở thành đòn bẩy phát triển KT-XH địa phương.
Ghi chép: Hồng Thanh
(còn nữa)